Nhìn lại hành trình "ngủ ngồi ôm chậu chờ sinh" của bà mẹ ung thư
Một câu chuyện có thật gần đây kỳ diệu như cổ tích đã khiến bao nhiêu trái tim lay động. Mang thai đến tháng thứ 4 thì chị Liên phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn cuối, dù nhiều người khuyên bỏ thai để điều trị, Liên vẫn quyết tâm giữ lại thai nhi, chịu đau đớn và suy kiệt dần đếm từng ngày đợi tới lúc con chào đời.
Liên không thể nằm vì nếu nằm sẽ không thể thở, chị cũng thường xuyên buồn nôn. Nén những nỗi đau thể xác hành hạ, chị "ngủ ngồi, ôm chậu" chờ sinh. Đến lúc sức khỏe chuyển biến xấu, thai được 31 tuần thì bác sĩ phải can thiệp để đưa con ra ngoài.
Ngày 22/5 chị vào phòng mổ sinh, phải ngồi nghiêng, cúi người để thở. Liên được gây tê tuỷ sống thay vì gây mê vì sợ có thể sẽ không tỉnh lại. Chị tỉnh táo trong suốt ca mổ, từ từ ngắm nhìn con. Khi ấy, sự sống của Liên rất mong manh, nhưng chị đã cố gắng thật nhiều chờ đợi khoảnh khắc hạnh phúc của bất cứ người mẹ nào.
Với sự hỗ trợ của gần 20 bác sĩ đầu ngành ở các bệnh viện uy tín, con mẹ Liên ra đời. Sau ca mổ, bé phải cấp cứu ngay, mẹ Liên có nhiều ngày hôn mê sau mổ. Dù rời bụng mẹ khi mới chỉ 31 tuần tuổi, nhưng sức sống của con vô cùng mãnh liệt. Vừa ra khỏi bụng mẹ, đôi bàn tay bé nhỏ của bé của con đã nắm chặt lấy tay bác sĩ như biết ơn hơi thở đầu đời mẹ và bác sĩ đã mang cho mình.
Mẹ chỉ cần con vuông, không cầu mẹ tròn
Người ta hay chúc nhau mẹ tròn, con vuông trước lúc lâm bồn. Thế nhưng với trường hợp chị Liên thì điều mong ước lớn nhất của chị là chỉ cần con vuông thôi, không cần mẹ tròn. Với chị một lần nhìn thấy con thôi cũng là mãn nguyện rồi.
Chị Liên, sau những ngày hôn mê, lúc tỉnh dậy biết con ổn thì đã xác định mình sẽ tiếp tục chiến đấu để được bên con dài lâu nhất. Cả hai mẹ con cứ như thế đã kiên cường chiến đấu bằng tình mẫu tử, giành giật lại cuộc sống cho chính mình, để có cái ôm sau đó mà ai cũng cho rằng kỳ tích.
Mẹ Liên đặt tên con là Bình An với ước mong con sẽ bình an ở cuộc đời về sau, dù quãng đường đầu quá nhiều sóng gió.
Sau 20 ngày sinh con, mẹ Liên được gặp con. Cuộc gặp gỡ chỉ vẻn vẹn trong 30 phút đã thoả ước nguyện của người mẹ ung thư. Điều kỳ diệu là sau cuộc gặp gỡ ấy tiến triển sức khỏe của cả hai mẹ con đều tốt hơn. Hàng ngày các bác sĩ BV Phụ sản TƯ đều quay lại hình ảnh bé Bình An gửi sang BV K để chị Liên có thể ngắm con từ xa. Tất cả những điều này như một "cú hích" cho lòng ham sống và quyết tâm chiến đấu với bệnh tật của chị. Để có con mẹ sẵn sàng hy sinh mạng sống này, và rồi khi có con thì mẹ lại quyết tâm sống để ở bên con. Nhờ mẹ kiên cường mà có Bình An và nhờ có Bình An đã giúp mẹ Liên khỏe lại.
Khó có ai nghĩ đến cơ hội có thể mang hoa đến đón hai mẹ con về nhà. Kỳ tích tiếp theo đã xảy ra khi hai mẹ con đều khỏe mạnh xuất viện, các bác sĩ trực tiếp cũng phải thốt lên: "Đây là một ca kinh điển".
Sau 55 ngày sinh mổ ở tư thế ngồi do ung thư giai đoạn cuối, chị Liên trông khỏe mạnh, không phải dùng bất cứ máy móc hỗ trợ nào và tự đi bộ lên phòng đón con. Khi xuất viện Bình An nặng 2,4 kg, tăng 900 gram, không còn phải sử dụng thuốc điều trị nữa.
Lần gặp gỡ thứ 2 sau sinh này Liên bình tĩnh và cười hạnh phúc: "Lần trước là cuộc gặp để hoàn thành mong nguyện được gặp con của mẹ. Lần này không vội vã bởi tôi và con sẽ cùng được về nhà".
Điều kỳ diệu của tình mẫu tử
Ngoài sự tiến bộ của y học và sự tận tình của bác sĩ, sự giúp đỡ từ cộng đồng, thì chắc chắn tình mẫu tử đã giúp mẹ con chị Liên và bé Bình An làm nên điều kỳ diệu.
Quyết định sinh con dù nguy hiểm đến tính mạng, không phải mình mẹ Liên mới làm. Nhiều bà mẹ có lẽ cũng chọn cách này, họ sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để đổi lại sự an toàn cho con như thế. Nhưng để tiếp tục chiến đấu kiên cường và làm nên những điều kỳ diệu thì chỉ có một phép màu vô hình được nối bằng tình mẹ con mà thôi. Trái tim người mẹ đã "buộc" chị Liên phải kiên cường, còn Bình An bé nhỏ mang trong mình dòng máu của mẹ cũng có bản năng chiến đấu mãnh liệt.
"Nhiều lúc đau đớn quá mình chỉ muốn buông xuôi, nhưng nghĩ đến con, nghĩ đến chồng và những người đang chăm sóc tận tình cho mình mỗi ngày là mình tự nhủ mình phải cố gắng sống, sống thật tốt", chị Liên đã từng tâm sự.
Hình ảnh các bà mẹ bế con từ bệnh viện về nhà sau sinh tưởng là hình ảnh bình thường, nhưng nếu nhìn những ngày chiến đấu của mẹ và Bình An thì mới thấy nó quý giá như thế nào. Mẹ con chị về nhà, chị vừa được ở gần con, vừa tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Đến bây giờ, nhìn lại hành trình ấy ai cũng phải thổn thức.
Từ ngày về nhà đến nay, so với thời điểm rơi vào trạng thái nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi trước đây, thì hôm nay mỗi ngày của mẹ Bình An luôn là một ngày tuyệt vời. Hiện tại, chị Liên cho biết mình cảm thấy khỏe và vui. Đầu tuần chị ở nhà với con, đến giữa và cuối tuần vào viện, nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc hơn so với những gì trước đây chị kỳ vọng, hạnh phúc hơn vì được ở gần con, vì tiến triển sức khỏe tốt lên.
Các bà mẹ trong đời có bao nhiêu nỗi lo lắng, nhưng nếu nhìn niềm hạnh phúc của chị Liên thì sẽ thấy mọi phiền muộn, lo âu của mình chắc chẳng thấm tháp gì.
Bình An rồi sẽ lớn lên và chắc sẽ chẳng bao giờ thôi tự hào về mẹ mình. "Không ai nghèo khi có mẹ", cũng chẳng có ai khó khăn khi có mẹ, mẹ hãy tiếp tục chiến đấu để mang bình an đến cho con và Bình An ở bên cạnh mẹ như một lá bùa hộ mệnh. Sự tương sinh ấy luôn là điều kỳ diệu.
Dù hơi ấm mẹ con chẳng phải trọn vẹn nguyên tuần, dù phía trước chẳng ai nói được điều gì, nhưng ngày nào còn mẹ chắc chắn đều là ngày bình an của con.
Vũ trụ có nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất chính là trái tim người mẹ. Bình An chắc chắn sẽ tự tin mà lớn lên vì con có một bà mẹ vĩ đại, con đang sống trong một "kỳ quan" giản dị mà cực kỳ vĩ đại, chẳng cần người đến thăm vẫn cứ miệt mài tỏa ánh hào quang, chẳng vì cho ai xem…
***
Dịp Vu Lan người ta nhắc nhiều đến mẹ. Và chẳng phải trái tim của mỗi bà mẹ đều có tên là Bình An đó sao? Mẹ của bạn dù yêu bạn như một điều hiển nhiên, nhưng luôn là Bình An, bởi mỗi ngày còn có mẹ là cảm giác bình an vẫn còn có chỗ trú ẩn an toàn. Nơi khi khổ đau bạn đều có thể chạy về mà khóc như một đứa trẻ, kể cả khi tóc mẹ đã pha sương...