Có hai người đàn ông mắc bệnh ung thư, một người thính lực rất tốt trong khi người còn lại bị chứng lãng tai. Vào một hôm cả hai đều đến bệnh viện thăm khám sức khỏe, bác sĩ kiểm tra xong liền biết được rằng họ còn rất ít thời gian để sống, cùng lắm là 3 tháng. Tuy nhiên, do không muốn họ đón nhận tin dữ này nên đành âm thầm gọi người nhà ra ngoài nói chuyện.
Cứ tưởng cuộc nói chuyện này là tuyệt mật nhưng người có thính lực tốt từ bên trong đã nghe thấy tất cả, riêng người lãng tai thì chẳng hay biết gì. 3 tháng sau, người nhà của bệnh nhân thính tai thông báo tới bệnh viện rằng ông ấy đã qua đời; trái lại, thật bất ngờ, người bị chứng lãng tai vẫn sống sờ sờ. Thậm chí còn có dấu hiệu sức khỏe được cải thiện hơn trước.
Hóa ra, người thính tai sau khi biết được tin xấu mình còn 3 tháng để sống đã vô cùng đau khổ, ông gần như rơi vào tuyệt vọng và chẳng còn thiết tha gì với cuộc đời nữa. Với tâm lý tiêu cực này, vô tình ông đã tự đưa mình đến cửa tử.
Trong khi người bị lãng tai không nghe được tin xấu, nên vẫn đinh ninh mình chưa chết đâu, ông nuôi nấng hy vọng khỏi bệnh bằng cách sống lạc quan hơn từng ngày, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao nên đến cuối cùng phép màu đã xảy đến.
Trên là một câu chuyện chứa đựng bài học cho chúng ta và đặc biệt là dân công sở về chân lý: Sống ở đời, đôi khi có những chuyện không nghe, không thấy thì hay hơn. Không biết vẫn tốt hơn là biết.
Thật vậy, trong môi trường công sở thật lắm thị phi, một khi ai đó có bản tính tò mò thì chuyện gì cũng muốn được nghe, được thấy. Cứ thế, họ nhiều chuyện hết chỗ này tới chỗ nọ, lúc thì nhỏ to tâm sự, lúc thì nhắn tin “buôn dưa lê dưa hấu”, cho đến cuối cùng lại tự mình hại mình, chuốc lấy hậu quả đau thương: nhẹ thì bị đồng nghiệp tẩy chay, nặng thì bị sếp cho thôi việc.
Một số dân công sở khác thì ngày ngày đi làm mà cứ nơm nớp lo sợ có ai đó nói xấu mình. Thấy vài đồng nghiệp túm tụm lại nói chuyện là cứ nghĩ họ đang bàn về mình, thấy sếp cáu giận là nghĩ chắc sắp đuổi việc ai đó, “hay là mình?”,... Xong quyết tâm đi tìm hiểu thực hư.
Cuối cùng nếu biết đồng nghiệp nói xấu mình thật thì đâm ra oán trách, tìm cách trả thù, “ăn miếng trả miếng”, tự rơi vào vòng xoáy thị phi không hồi kết. Người hiền hơn khi biết chuyện thì ít nhất cũng buồn bã, bi lụy, việc làm không xong mà cứ mãi lo ủ dột trong lòng.
Còn khi biết bản thân không phải là đối tượng bị đồng nghiệp nói xấu thì cũng mất kha khá thời gian làm việc không tập trung trước đó chỉ vì nỗi sợ, chỉ vì cất công đi tìm hiểu thực hư. Làm vậy có đáng không? Biết nhiều đâu để làm gì mà còn tự làm khổ mình thêm.
Thôi thì như cổ nhân xưa kia có câu “kẻ khờ có phúc của kẻ khờ”, ngoài mục đích phục vụ công việc, dân công sở chi bằng hãy sắm vai một kẻ khờ hồ đồ, không biết, không nghe, không thấy để giữ cho thân tâm mình tĩnh lặng: chẳng cần chất chứa quá nhiều thông tin không cần thiết và cũng chẳng muộn phiền lo nghĩ sầu não làm chi!
Suy cho cùng, khi giữ bản thân tử tế tốt lành, chẳng toan tính hãm hại đồng nghiệp hay nhiều chuyện lắm mồm chốn công sở thì chúng ta sợ gì những lời gièm pha vu khống. Cứ kệ đi thôi, việc nhiều lắm rồi, hơi đâu mà đi tìm hiểu để thanh minh.
(Tổng hợp)