Theo Ettoday đưa tin, một bé gái 10 tuổi – Tiểu Lệ ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, bình thường cô bé sống bán trú ở ký túc xá nên có thể ăn uống tùy thích, đặc biệt là Tiểu Lệ thích ăn những thực phẩm có hàm lượng calo cao như gà rán và khoai tây chiên. Cô bé thừa nhận, bản thân không thích uống nước, mỗi ngày hầu như chỉ uống các loại đồ uống như coca, nước cam đóng chai… có khi một tuần chỉ uống 1 chai nước lọc. Điều đặc biệt nữa là Tiểu Lệ hầu như không ăn sáng.
Không ngờ đến một ngày cô bé đột nhiên bị đau bụng dữ dội, còn xuất hiện tình trạng nôn ói Do không thể chịu đựng được, gia đình phải đưa Tiểu Lệ đến bệnh viện. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết, cô bé bị viêm túi mật và phát hiện có rất nhiều sỏi cần phải tiến hành phẫu thuật ngay lập tức. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ lấy ra từ bụng của Tiểu Lệ rất nhiều sỏi mật, trong đó viên sỏi lớn nhất có đường kính gần 2cm. Sau khi phẫu thuật thành công, bác sĩ hỏi cô bé mới biết được chính những thói quen xấu như không uống nước và không ăn sáng là nguyên nhân gây bệnh.
Bác sĩ Trần Chương Nghĩa (Viện trưởng Bệnh viện Sỏi kinh đô Vũ Hán) cho biết, hiện nay có rất nhiều trẻ không thích uống nước lọc mà thường xuyên lựa chọn các loại đồ uống có đường - những loại đồ uống đều không có lợi cho sức khỏe.
Không thường xuyên uống nước cơ thể sẽ xuất hiện vấn đề sau:
- Cơ thể thiếu nước ở mức độ nhẹ: Mặc dù ở mức độ nhẹ nhưng thiếu nước vẫn gây ra những biểu hiện khó chịu. Cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt, táo bón, thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt, tăng sự lo lắng, chuột rút, đau khớp. Ngoài ra, vẻ đẹp bên ngoài cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi thiếu nước gây ra mắt trũng, da nhăn nheo.
- Cơ thể thiếu nước ở mức độ nặng: Mỗi ngày cơ thể cần bổ sung 1,5-2 lít nước. Nếu luyện tập thể thao thì lượng nước mà cơ thể cần sẽ nhiều hơn. Kiến nghị mọi người nên uống nước ngay cả khi không khát để đảm bảo bù đủ lượng nước đã mất. Bởi nếu tình trạng thiếu nước kéo dài có thể dẫn đến biểu hiện nặng cần phải nhập viện điều trị như sốt, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, mê sảng, bất tỉnh, tiêu chảy nặng hoặc nôn...
Ngoài việc không uống nước, không ăn sáng cũng sẽ ảnh hường tới sức khỏe. Bác sĩ Trần Chương Nghĩa, cho biết: "Dịch mật lưu lại túi mật trong 1 đêm, nếu đến sáng ngày hôm sau lại không ăn sáng, túi mật không co bóp, dịch mật không được tiết ra ngoài để tiêu hóa thức ăn, dịch mật ở trong túi mật một thời gian dài, rất dễ dẫn đến kết tinh và hình thành sỏi. Hiện nay có rất nhiều trẻ nhỏ bị sỏi mật, do đó nhắc nhở cha mẹ, nếu trẻ xuất hiện tình trạng như trướng khí sau khi ăn no, buồn nôn, chán ăn… rất có thể là dấu hiệu cảnh báo vì các biểu hiện của sỏi mật ở nhiều trẻ em là không rõ ràng và có thể bị nhầm lẫn với viêm ruột. Nếu trẻ không được điều trị y tế kịp thời, rất dễ khiến bệnh trầm trọng hơn".
(Nguồn: Ebc)