Nghiên cứu từ Đại học Illinois ở Urbana-Champaign (Mỹ) cho thấy việc tiêu thụ đậu đỏ (Vigna angularis) thường xuyên đem lại lợi ích bất ngờ đối với bệnh tiểu đường type 2, bao gồm tác dụng phòng ngừa cũng như là phương pháp bổ sung bên cạnh thuốc để quản lý bệnh hiệu quả hơn.

Món ăn may mắn ngày Tết có thể đánh bại tiểu đường - Ảnh 1.

Đậu đỏ có thể dùng để chế biến nhiều món từ mặn đến ngọt - Ảnh minh họa từ Internet

Các thí nghiệm được thực hiện trên chuột đã kiểm tra tác động của việc bổ sung chiết xuất đậu đỏ lên mức đường huyết và các chỉ số lipid máu, cũng như mức độ béo phì.

Kết quả cho thấy đậu đỏ không tạo được lợi ích rõ ràng trong việc cải thiện mỡ máu hay chống béo phì, nhưng khả năng giúp kiểm soát đường huyết thì rất tốt.

Các con chuột được bổ sung đậu đỏ cho thấy lượng đường trong máu thấp hơn đáng kể ở tuần thứ 2,3, 5 và 6 sau khi được bổ sung.

Các tác động kỳ diệu này được cho là do các polyphenol trong đậu đỏ, là các hợp chất chống oxy hóa có tác dụng cải thiện khả năng chuyển hóa trong cơ thể.

Ngoài ra, đường đa polysaccharides trong đậu đỏ có khả năng cải thiện cân bằng nội mô glucose, phục hồi tế bào tụy.

Tác dụng tốt đạt được ở cả đậu đỏ được hấp, nấu chín hay giá đỗ từ đậu đỏ.

Mỗi cách chế biến đem lại một số lợi ích riêng. Đậu đỏ thô trong bột đậu có hàm lượng một số chất chống oxy hóa phenolic và flavonoid cao hơn, tức tốt cho tim mạch và sức khỏe tổng thể hơn.

Tuy nhiên đậu, đỏ nấu chín lại có hàm lượng đường đa và protein cao hơn, hoạt tính ức chế alpha-glucosidase cao hơn nên tốt hơn nếu chỉ xét riêng tính năng chống tiểu đường.

Ngoài ra, món giá đỗ từ đậu đỏ cũng làm tăng hàm lượng polyphenol chống tiểu đường, nên sẽ là gợi ý tốt nếu bạn đơn thuần muốn kiểm soát đường huyết.

Đây là một tin vui với người Á Đông bởi đậu đỏ rất hay được dùng trong các món ăn châu Á. Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhiều đậu đỏ nhất, bên cạnh đó còn có Nhật Bản.

Các món ăn từ đậu đỏ phổ biến khắp châu Á đặc biệt là dịp Tết, bao gồm cả ở Việt Nam vì màu đỏ của loại đậu này được cho là tượng trưng cho sự may mắn. Ngoài ra còn có phong tục ăn chè đậu đỏ vào lễ Thất tịch (Tết Ngâu) để cầu tình duyên.

Tất nhiên, nếu bạn muốn ăn đậu đỏ để kiểm soát đường huyết, nấu chè không phải gợi ý hay.