"Hành phi là món phụ nên mình không quan tâm lắm"

Hành khô là thứ phụ gia không thể thiếu trong nhiều món ăn quen thuộc. Nhiều người còn cho rằng món ăn sẽ mất ngon nếu thiếu đi mùi và vị của hành khô.

Khi phóng viên hỏi về mức độ quan tâm của người dân đến chất lượng hành phi đều nhận được câu trả lời khá thờ ơ từ chính người tiêu dùng.

Thậm chí có người còn trả lời rất hồn nhiên: "Người bán hàng dùng loại hành phi nào thì mình ăn loại đó, hành phi là món phụ nên mình không quan tâm lắm". Hay "Hành phi ở ngoài quán thơm, không bị cháy, sợi to hơn ở nhà".

Ngay cả khi được cầm tận tay, nhìn tận mắt hành phi được làm bằng khoai tây, hành tây bẩn nhiều người vẫn bị nhầm là hành ta được phi theo cách truyền thống: "Em ngửi mùi giống hệt hành khô, nhưng khi đốt hành bị cháy, có mùi khét, hành phi này là thực phẩm giả - làm từ bìa cát tông".

Món ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại nhưng nhiều người không quan tâm vì cho là... món phụ - Ảnh 1.

Ảnh cắt từ video của ANTV

Lợi nhuận là lí do lớn nhất để hành phi giả có chỗ đứng trên thị trường nhiều năm nay. Giá của hành phi được làm từ khoai tây, hành tây là hơn 20/kg, rẻ bằng 1/6 giá của hành ta. Thế nhưng theo chủ tịch UBND xã Dương Xá, chính những cửa hàng kinh doanh thực phẩm mới là nguyên nhân khiến các cơ sở sản xuất ra thứ hành phi giả.

Ông Nguyễn Tiến Thoại, chủ tịch UBND xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội cho biết: "Sản xuất hành phi từ hành ta, dùng dầu mỡ chuẩn có giá hơn 100.000/kg. Người bán hàng muốn giảm được chi phí nên họ phải mua hành phi giá thấp, bản thân người sản xuất không muốn như vậy".

Mỗi ngày, hàng tấn hành phi bẩn vẫn được bán ra thị trường

Để hiểu rõ tác động của hành phi bẩn đến sức khỏe của người sử dụng, phóng viên đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với PGS. Trần Đáng, nguyên Cục trưởng cục an toàn vệ sinh thực phẩm. Những ý kiến đánh giá của chuyên gia khiến không ít người tiêu dùng phải giật mình:

Món ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại nhưng nhiều người không quan tâm vì cho là... món phụ - Ảnh 2.

Ảnh cắt từ video của ANTV

"Quy trình sản xuất không đảm bảo sẽ tạo ra các chất độc. Khoai tây mọc mầm có solanin - chất độc, dùng để gây mê. Khoai tây chiên lâu, ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra acrylamide - chất gây ung thư. Dầu mỡ được dùng nhiều lần – dầu tái chế sẽ tạo ra tranfat, chất nguy hiểm cho sức khỏe.

Hành tây, khoai tây thối, mốc, có độc tố nấm mốc aflatoxin, qua quá trình chiên cũng không phá hủy được".

Món ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại nhưng nhiều người không quan tâm vì cho là... món phụ - Ảnh 3.

Ảnh cắt từ video của ANTV

Với quy trình sản xuất độc hại như vậy, việc kiểm tra của các cơ quan chức năng địa phương cũng chỉ dừng ở mức xem xét, không có biên bản nào được lập, hàng hóa không bị niêm phong, tiêu hủy. Các cơ sở vẫn ngang nhiên sản xuất mà không bị xử phạt. Mỗi ngày, hàng tấn hành phi bẩn vẫn được bán ra thị trường.

Mời quý vị xem video cụ thể:

Người tiêu dùng không mấy quan tâm đến chất lượng của hành phi đang sử dụng