"Miếu ông Ba Thắc linh thiên cổ/Gạo xứ Ba Xuyên đệ nhứt danh" hai câu thơ này đã được tác giả Nguyễn Liên Phong nhắc đến trong cuốn Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca, để nói về Sóc Trăng - vùng đất ở miền Tây Nam Bộ. Nơi đây không chỉ có những ngôi chùa với kiến trúc độc đáo, tuổi đời hàng trăm năm mà còn sở hữu những sản vật với hương vị thơm ngon, tuyệt hảo. 

Chắc hẳn nhiều người không còn xa lạ gì với bánh pía sầu riêng hay là loại gạo ngon nhất thế giới, gắn liền với địa danh Sóc Trăng. Nhưng chưa dừng ở đó, chính từ những hạt gạo trắng trong đã cho ra đời một món ăn được ca ngợi là kết quả của sự giao thoa văn hóa địa phương, hội tụ đủ hương vị cuộc sống vùng đất Ba Xuyên xưa.  

 Món bún "đoàn kết"

Món bún nước lèo vốn xuất phát từ ẩm thực của người Khmer, được giới "sành ăn" đánh giá là món ăn điển hình, đặc trưng cho phong cách ẩm thực Nam Bộ. Bún nước lèo xưa có bún, mắm, rau cải hay các loại cá nhưng khi đến với vùng đất bên bờ phía nam của sông Hậu thì đã được biến tấu. 

Trong bún nước lèo Sóc Trăng có thêm cả heo quay và có sự kết hợp hoàn hảo giữa nguyên liệu và gia vị, cho ra bát bún đầy đủ màu sắc. Hình ảnh bát bún nước lèo nơi đây, không chỉ cùng người dân "xứ gạo" lớn lên mà còn được coi là món ăn đoàn kết khi có sự kết hợp, giao thoa của ẩm thực đến từ 3 dân tộc sinh sống ở Sóc Trăng là Kinh, Khmer và Hoa. 

Ở "xứ sở những ngôi chùa tháp" có một món bún được ca ngợi hội tụ đủ hương vị cuộc sống Tây sông nước  - Ảnh 1.

Nấu bún nước lèo đúng điệu cũng lắm công phu

Ngày nay, khắp các con đường của Sóc Trăng đều có quán bán bún nước lèo, lúc nào cũng tấp nập người đi kẻ đến. Từ người dân địa phương đến các khách du lịch thập phương. Cũng rất khó để đánh giá hàng nào ngon hơn, song, có một địa chỉ bán bún nước lèo cá đồng trên đoạn quốc lộ 1A qua TP. Sóc Trăng rất nổi tiếng, được nhiều người lựa chọn.

Tới quán bún nước lèo cá đồng Sóc Trăng này, thực khách không chỉ thưởng thức mà còn được tai nghe, mắt thấy về quy trình cơ bản đế có món bún nước lèo đúng điệu. Theo chia sẻ từ chủ quán, những nguyên liệu bắt buộc phải có để nấu ra bún nước lèo cá đồng là: cá lóc thiên nhiên, tép bạc đất, heo quay lửa hồng, mắm cá lóc, ngải bún (một loại củ có màu đậm hơn nghệ), sả ớt, nước dừa tươi, đường cát, bún gạo nguyên chất. 

Trong đó, "linh hồn của nồi nước lèo chính là sự hòa quyện giữa mắm, ngải bún và sả". Từ bún, sả hay mắm đều dùng những loại có sẵn tại địa phương. Như ở quán bún nói trên, nước lèo được kết hợp với cả 3 loại mắm đặc trưng là mắm bò hóc, mắm cá sắc và mắm nêm. 

Không chỉ phần nguyên liệu phải lựa chọn kỹ lưỡng, để nấu cho ra nồi nước lèo cũng đặc biệt kỳ công. Chủ quán tiết lộ: "Phải làm đúng, chuẩn quy trình mới có được tô bún nước lèo ngon. Đầu tiên phải bắc nồi nước, đập dập sả và ngải bún đun cùng. Kế tiếp nấu một nồi nước khác gồm 3 loại mắm, cho rã ra. Sau đó mới đổ chung 2 nồi nước thành 1 và đun cho đến khi sôi, vớt bọt và nêm gia vị". Nói là cầu kỳ bởi đun nước dùng sôi xong thì còn thêm một bước nữa là đợi cho phần cặn lắng xuống thì mới lấy lại phần nước dùng trong veo. 

Ngay đến phần "topping" cũng cần được chuẩn bị và sắp xếp gọn gàng. Những loại rau sống nhất định phải có là giá, hẹ, hoa chuối bào, rau thơm. Bún sẽ ăn kèm với 3 nguyên liệu chính là cá lóc luộc bỏ xương, tép đất chín bỏ vỏ, đỏ au, chắc và thịt heo xắt miếng. Một số quán bún cũng có thêm chả cá phục vụ thực khách. 

"Điểm khác nhau giữa bún nước lèo với bún mắm chính là ở công đoạn chế biến nồi nước dùng. Bún nước lèo có thể sử dụng nhiều loại mắm khác nhau để nấu chung, và có thêm ngải bún và sả không cần băm nhuyễn. Nước dùng của bún nước lèo cũng trong hơn so với bún mắm. Theo thói quen của người Nam bộ thì có thể thêm nước dừa vào để ngọt thơm hơn", chủ quán bún nước lèo nói.

Ở "xứ sở những ngôi chùa tháp" có một món bún được ca ngợi hội tụ đủ hương vị cuộc sống Tây sông nước  - Ảnh 5.

"Nếu quý khách ăn bún nước lèo Sóc Trăng mà gọi thêm một đầu cá lóc đồng chấm nước mắm thì ngon nhất"