Ai đến Hà Giang cũng một lần nghe qua món cháo ấu tẩu. Món cháo này còn được người dân địa phương gọi là "cháo độc dược" hay "cháo chết người" bởi thành phần nguyên liệu đặc biệt. Đó chính là củ ấu tẩu.
Bí quyết “hóa giải” độc dược trong củ ấu tẩu thành một loại thuốc quý của người Hà Giang đó là sơ chế sạch lớp vỏ bên ngoài rồi ngâm vào nước gạo qua đêm. Đợi khi ấu tẩu sạch hoàn toàn, người Mông sẽ đem đi ninh cho nhừ mềm trên lửa liu riu. Ấu tẩu khi ấy nở bung ra, thành chất sền sệt.
Cháo ấu tẩu còn có thêm gạo tẻ, nếp cái trồng trên nương và chân giò lợn cắp nách, đôi lúc còn có thêm trứng chần hoặc trứng non. Tất cả nguyên liệu được bỏ vào ninh cùng với ấu tẩu trong 4 tiếng thì mới ra được bát cháo đạt chuẩn.
Để biết cháo đã ăn được hay chưa, người nấu sẽ nếm thử một lượng nhỏ, nếu cảm nhận đầu lưỡi tê cứng... thì có nghĩa là ấu tẩu chưa hết độc, chưa thể ăn. Chỉ khi không thấy tê đầu lưỡi tức là cháo chín, có thể thưởng thức. Vậy mới thấy, người Mông ở Hà Giang chế biến món này công phu đến mức nào.
Cháo nấu xong có màu nâu đậm, nhìn giống bát cháo lòng của người miền xuôi, vị bùi, béo và đặc biệt rất thơm. Củ ấu tẩu có vị đắng, tuy nhiên khi ăn vào lại rất dẻo và bùi, xen kẽ với vị ngọt của tinh bột, vị béo của thịt chân giò và tủy xương tiết ra trong quá trình chế biến đã tạo nên một cảm giác lạ miệng và hấp dẫn.
Cháo ấu tẩu có quanh năm nhưng người Mông thường ăn vào buổi tối, vì theo kinh nghiệm lâu năm của người dân thì cháo có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Đến Hà Giang, không khó để bắt gặp hình ảnh hàng cháo ấu tẩu bắt đầu đông khách ra vào mỗi tối, khói mang theo mùi thơm của món ăn phủ khắp không gian, xua đi cái lạnh của sương gió của núi rừng.