Không gì tuyệt vời hơn việc ngày Tết quây quần bên gia đình, thưởng thức các món mứt ngon. Mứt ngày Tết được làm từ nhiều loại quả và rau củ khác nhau, qua quá trình chế biến cẩn thận để giữ lại hương vị nguyên bản cũng như màu sắc đẹp mắt, tạo nên sự phong phú và sung túc cho khay mứt bánh ngày Tết. Món mứt không chỉ đem lại hương vị ngọt ngào, dễ chịu cho ngày xuân mà còn thể hiện lòng hiếu khách và sự tinh tế trong cách thưởng thức của người Việt.

Các loại mứt phổ biến thường gặp như mứt dừa, mứt gừng, mứt bí, mứt hạt sen hay mứt khoai lang nhưng có lẽ nhiều người chưa bao giờ thử mứt vỏ chanh dây. Món mứt vỏ chanh dây không chỉ có màu sắc bắt mắt, lạ miệng, hòa quyện giữa sắc đỏ hồng óng ánh và vị chua chua, ngọt ngọt tự nhiên rất kích thích vị giác.

Món mứt vỏ chanh dây này thực hiện không hề khó, bạn có thể làm để đãi khách trong dịp Tết hoặc làm quà tặng bạn bè, người thân. Màu sắc của món mứt này hứa hẹn góp phần tô điểm cho không khí ngày xuân thêm rộn ràng.

Hướng dẫn thực hiện mứt vỏ chanh dây

Nguyên liệu cần thiết làm mứt vỏ chanh dây

- Chanh dây vỏ tím, đường, muối, túi hút chân không (định lượng mứt dựa vào số lượng thực tế muốn làm). Cứ 1kg vỏ chanh dây sẽ cần 250g đường, 2g muối. Ngoài ra còn cần muối tinh để pha nước ngâm vỏ chanh dây.

Cách thực hiện mứt vỏ chanh dây

Bước 1: Chanh dây chọn mua những quả chín, vỏ còn tươi, không nên chọn những quả để lâu xuống nước bị héo làm mứt sẽ không ngon. Dùng dụng cụ nạo vỏ, nạo bỏ đi phần vỏ tím mỏng bên ngoài của chanh dây. Sau khi gọt xong, thả ngay vào chậu nước muối ngâm khoảng 15 phút. 

@hungnauan

Bước 2: Có hai cách tạo hình, bạn có thể chọn cách tùy thích hoặc thực hiện cả hai. Khía 4 góc của quả chanh dây, tách riêng phần nước cốt và hạt chanh dây vào một chiếc bát tô. Lột bỏ cả phần vỏ lụa bên trong quả. Ấn cho dẹp quả xuống tạo thành hình hoa 4 cánh. Bạn có thể khía nhiều hơn để tạo số cánh hoa bạn thích.

@hungnauan

Bước 3: Với cách thứ hai, bạn cắt đôi quả, cũng tách riêng phần hạt và nước cốt vào bát. Lột phần vỏ lụa rồi thái sợi. Kích thước tùy thuộc vào sở thích của bạn.

@hungnauan

Bước 4: Sau khi tạo hình phần vỏ xong, tiếp tục ngâm với nước muối khoảng 10 phút. Tiếp đó, mang chần với nước nóng chừng 3-5 phút rồi vớt ra cho vào nước lạnh. Phần ruột chanh dây thì dùng rây để lọc tách riêng phần nước cốt và hạt.

@hungnauan

Bước 5: Vớt ra cho vỏ chanh dây ráo hẳn. Sau đó cho vào bát lớn. Cứ 1kg chanh dây thì cho 250g đường, 100g nước cốt chanh dây, 30g ruột chanh dây và 2g muối. Sau đó, trộn đều và ngâm chừng 1 giờ.

@hungnauan

Bước 6: Sau khoảng 1 giờ, gạn phần nước cốt vào chảo trước, đun cho cạn bớt rồi đổ phần vỏ chanh dây vào. Cứ thế sên vỏ chanh dây với lửa nhỏ đến khi đường bám vào vỏ chanh dây tạo thành lớp áo nhưng không có bột đường. Tiếp đó sẽ mang mứt vỏ chanh dây đi sấy.

@hungnauan

Bước 7: Có 3 cách sấy mứt vỏ chanh dây: Phơi ánh nắng mặt trời, lò nướng và nồi chiên không dầu. Nếu bạn sấy mứt bằng cách phơi dưới ánh nắng mặt trời thì cần 1 ngày. Tuy nhiên cách sấy này phù hợp với thời tiết trời nắng và hanh khô sẽ giúp mứt ngon và ráo hơn. Còn đối với thời tiết mùa đông có mưa và ẩm thấp nhiều, việc phơi ngoài không khí sẽ khiến mứt không những không ráo mà còn ẩm ướt và nhanh hỏng. Cách sấy thứ 2 dùng nồi chiên không dầu. Bạn có thể chia mẻ nhỏ để sấy bằng nồi chiên không dầu ở 90 độ trong 1 tiếng. Còn đối với lò nướng, bạn sẽ cần sấy 100 độ trong 1 tiếng để đạt được thành quả như ý. 

@hungnauan

Với cách làm mứt dẻo này, cần sấy cho ráo nhất có thể, không có lớp bột đường bám ngoài nên việc bảo quản cũng cần chú ý. Nếu bạn chỉ cho vào túi nilon buộc lại hoặc hộp nhựa thì mứt không để được lâu, phải ăn nhanh trong một vài ngày. Còn muốn bảo quản thời gian dài hơn, bạn có thể hút chân không để giữ được hương vị cũng như kéo chất lượng của mứt, đảm bảo mứt không bị mốc. 

@hungnauan

Thành phẩm: Mứt vỏ chanh dây mềm, dẻo, ăn ngọt ngọt chua chua cực cuốn.

Chúc các bạn thực hiện mứt vỏ chanh dây thành công!
Món mứt vỏ chanh dây vừa lạ lại ngon, Tết này làm ngay cả nhà khen tới tấp - Ảnh 9.