Sáng ngày 18/02 tức mồng 3 Tết nguyên đán, người dân ở Sài Gòn tiếp tục đi lễ chùa cầu bình an. Các ngôi chùa lớn ở thành phố luôn đông đúc người đến thắp hương vào những ngày đầu năm mới.
Người cầu bình an, người cầu duyên... Họ chọn các ngôi chùa lớn như Vĩnh Nghiêm, Ngọc Hoàng, chùa bà Thiên Hậu...
Trong khi đó tại chùa Bà Ấn, lượng người đến đây cũng đông hơn ngày thường.
Điều đặc biệt khi cầu nguyện trong ngôi đền này là sau khi dâng lễ tại chính điện, người dân thường đến bức tường đá phía sau để "trò chuyện với tường đá".
Theo đó, bất cứ ai có những nỗi niềm gì, đặc biệt là về bệnh tật, con cái hay điều lo lắng đều có thể gục đầu vào tâm sự với tường đá và nhận được những âm thanh của sự an lạc, thanh thản cho bản thân mình.
Ông Vương Liêm (Trưởng Ban quản lý đền) cho biết: "Cầu nguyện với tường đá là cách thức cầu nguyện tồn tại từ khá lâu đời ở ngôi đền này. Khi người dân đến cầu nguyện họ mong muốn những lời thỉnh cầu của mình đến được với thần linh".
Được biết, những phiến đá này được mang về từ những vùng núi cao ở phía Nam Ấn nên rất linh thiêng, huyền bí. Chúng được những người Ấn gốc Tamil cất công đưa về để dựng đền.
Không chỉ những người theo đạo Hindu mà có rất nhiều người dân ở Sài Gòn tìm đến bức tường linh thiêng này, mong được ban phước lành.
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Sài Gòn, đền thờ Bà Mariamman (thường gọi là chùa Bà Ấn) là một công trình kiến trúc độc đáo của những người Ấn ở Việt Nam. Ngôi đền có tuổi đời khoảng hơn 100 năm này do những người lao động nghèo có gốc Tamil từng sinh sống ở vùng đất này xây dựng lên.
Ban đầu ngôi đền chỉ được lập tạm, lợp mái tôn dành cho những người theo đạo Hindu thờ cúng. Tới năm 1950 – 1952, toàn bộ ngôi đền được xây dựng lại với kiến trúc mà ta có thể thấy như ngày hôm nay, do những người Tamil có chân trong hội Ấn kiều làm ăn sinh sống tại khu vực quận 1 thực hiện mô phỏng theo kiến trúc đền Hindu miền Nam Ấn Độ