Thần dược tự nhiên
Sá sùng (Tên khoa học: Sipunculus nudus) thuộc nhóm động vật không xương sống, có hình giun và sống ở vùng biển ngập mặn. Chúng có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo vùng miền như giun biển, sâm đất, chặt khoai hay địa sâm.
Theo tài liệu của Hội nghị Khoa học Toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 7, ở Việt Nam, sá sùng phân bố rải rác tại các vùng triều ven biển, ven đảo hay những vùng bãi cát pha bùn.
Sá sùng có phân bố ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung chủ yếu ở các huyện đảo Tiên Yên, Ba Chẽ, Vân Đồn và Cần Giờ.
Ngoài ra, Sá sùng tập trung tại những vùng bãi cát pha bùn trong khu vực Vịnh Bắc Việt (Minh Châu, Quản Lạn, Đông Linh), vùng Nha Trang (Cửa Bé, hòn Rùa, Bích Đầm), Cam Ranh và Côn Đảo.
Sá sùng có dạng hình đũa, giống giun đất cỡ lớn, nhưng dài và lớn hơn. Cơ thể không phân đốt, khi sống có màu hồng và khi chết có màu trắng, có hai phần chính là thân ở phía sau và vòi ở phía trước.
Sá sùng là một trong những loại thực phẩm bổ dưỡng, chứa nhiều khoáng chất và acid amin nên đã được người dân khai thác và sử dụng từ rất lâu. Từ xa xưa, nó đã được xếp vào hàng những loại thực phẩm và thuốc có tác dụng bổ dưỡng cao để tiến vua.
Ngày nay, chúng tiếp tục là đặc sản được nhiều người săn tìm và cũng là đối tượng nghiên cứu thu hút nhiều nhà khoa học.
Theo Trung tâm thông tin công nghệ sinh học – Thư viện quốc gia Hoa Kỳ (NCBI), sá sùng là nguồn chứa hợp chất hoạt tính sinh học tốt, bao gồm peptide và polysacarit, có tác dụng chống tăng huyết áp, chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch, chống viêm, chống ung thư, chống thiếu oxy…
Trong khi đó, theo quan điểm của Đông y, sá sùng có vị ngọt, tính mát, trị chứng tâm hàn, bổ dương khí, sinh tân dịch. "Thần dược" này ở dạng khô rất tốt cho sức khỏe. Nó còn được ví như "địa sâm" và Viagra tự nhiên.
Đắt như vàng
Theo ước tính, ở các vùng biển Việt Nam có tới 21 loài sá sùng, phần ngon nhất của sá sùng là thành cơ thể, đó là một vách cơ khỏe. Thịt sá sùng vừa tươi vừa giòn, mềm, lại dai dai, xen lẫn vị béo và ngọt nên càng ăn càng thấy ngon.
Người dân địa phương rất chuộng các món sá sùng xào rau cần, sá sùng nướng thịt muối ớt, sá sùng nấu cháo… Xưa kia, khi chưa ra đời bột ngọt, người ta còn dùng sá sùng để chế biến thành nước phở thơm ngon.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu được mùi tanh của sá sùng tươi nên người dân biển đã nghĩ ra cách sấy khô. Chỉ có điều, công đoạn chế biến sá sùng khô đòi hỏi sự tỉ mỉ lớn.
Người ta sẽ phải thả sá sùng vào nước biển trước tiên, sau đó lộn ruột để bỏ hết cát ra ngoài. Tiếp đó là rửa bằng muối cho đỡ tanh rồi cho vào chảo rang khô.
Sau khi rang khô lại tiếp tục bỏ ra rổ, xoa cho hết những hạt cát còn bám lại, rồi mang luộc vừa sôi. Công đoạn này đòi hỏi phải có kỹ thuật luộc để sá sùng không chín hẳn, mà cũng không bị ươn.
Cuối cùng, phải chọn ngày có nắng thật to mang ra phơi 2-3 nắng. Sá sùng sau khi phơi khô sẽ có hình dạng như miếng vỏ cây khô quăn queo, để được trong thời gian dài.
Để chế ra 1kg sá sùng khô cần tới 10-11kg sá sùng tươi, do vậy, phiên bản khô sẽ có giá cao hơn phiên bản tươi gấp nhiều lần, dao động từ 2.000.000 đồng – 2.500.000 đồng.
Riêng loại sá sùng thương hạng giá thành có thể lên tới 4.000.000 đồng – 5.000.000 đồng, đắt ngang ngửa 1 chỉ vàng (tùy thời điểm). Thậm chí, do việc săn bắt nhiều khiến số lượng sá sùng giảm đi nên người có vàng chưa chắc đã mua được.
Tuy giá thành đắt đỏ là vậy nhưng hiếm ai cảm thấy tiếc tiền bởi sá sùng khô có hương vị rất tuyệt vời.
Nghề dành riêng cho phụ nữ
Thời điểm thích hợp nhất để đánh bắt sá sùng rơi vào khoảng tháng 3 cho đến tháng 8 hàng năm bởi đây là khoảng thời gian chúng phát triển và có giá thành cao.
Người đi săn sá sùng thường bắt chúng vào khoảng thời gian từ 3-4 giờ sáng vì đây là lúc thủy triều xuống, làm lộ rõ các vết tích mà sá sùng để lại vào đêm hôm trước, khi chúng đi kiếm ăn.
Khi tìm ra hang, mắt có sá sùng thì người đi săn phải giáng cuốc thật nhanh, thậm chí phải cúi gập người lấy đà cuốc dồn dập, bởi sá sùng rất tinh, chỉ cần nghe một tiếng động nhỏ là đã luồn sâu xuống dưới, mất dấu không đào được.
Đáng nói, không phải ai cũng có thể đào được "thần dược" này. Mặc dù việc khai thác sá sùng không phải đơn giản nhưng theo dân gian tương truyền, chỉ phụ nữ mới có thể khai thác được món đặc sản quý hiếm này. Nam giới "ra tay" là không hiểu sao sá sùng "trốn" mất.
Theo báo Khoa học & Đời sống, nghề đi săn sá sùng đòi hỏi sự tỉ mẩn, sức khỏe dẻo dai và đức tính cẩn thận, nhẹ nhàng. Cũng chính vì vậy mà nghề này ở Vân Đồn nghiễm nhiên trở thành nghề của phụ nữ.
Trong khi đó, cũng có lời giải thích khác cho rằng tại đảo Minh Châu, Vân Đồn, đàn ông từ bao đời nay có nghề chính là đi biển, săn sá sùng để kiếm thêm thu nhập là nghề dành cho phụ nữ. Họ được gọi là những "ninja" săn sá sùng do cả người luôn bịt kín như "ninja" để tránh nắng, vác theo dụng cụ là chiếc mai đào, tay cầm cái rổ và chân đeo ủng.
Người giỏi đào mỗi ngày có thể kiếm trung bình từ 500.000 – 700.000 đồng, có khi hơn 1 triệu đồng. Chính vì vậy, sá sùng được các ngư dân ví như "vàng ròng" của miền biển vì đem lại giá trị kinh tế cao.