Theo một cuộc khảo sát của chính phủ, hơn 230.000 người Nhật Bản được ghi nhận là từ 100 tuổi trở lên. Bộ Tư pháp công bố hơn 77.000 người được liệt kê là vẫn còn sống trong hồ sơ của chính quyền địa phương sẽ phải từ 120 tuổi trở lên và 884 người từ 150 tuổi trở lên. Nhưng điều đáng nói là nhiều người có thể đã chết cách đây hàng thập kỷ.
Các số liệu đã phơi bày các phương pháp lưu trữ hồ sơ cổ hủ và làm dấy lên lo ngại rằng một số gia đình đang cố tình che giấu cái chết của người thân để đòi tiền lương hưu của họ. Ngay sau đó, một cuộc điều tra trên toàn quốc đã được khởi động sau khi cảnh sát phát hiện ra "xác ướp" của Sogen Kato.
Trong hồ sơ, ông đã 111 tuổi và được xếp vào danh sách người đàn ông lớn tuổi nhất Tokyo, ông qua đời và vẫn ở trong nhà suốt 32 năm sau đó. Cháu gái của Kato đã bị bắt vì nghi ngờ mặc kệ xác ông và không báo cáo để nhận hàng triệu Yên tiền trợ cấp của ông.
Tiếp theo, người ta lại phát hiện ra một người phụ nữ 113 tuổi, được coi là cư dân lâu đời nhất của Tokyo, đã không gặp gia đình trong hơn 20 năm. Các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy Fusa Furuya. Được biết, lần cuối người ta nhìn thấy bà là vào khoảng năm 1986.
Việc Nhật Bản không thể quản lý chính xác các trường hợp của công dân lớn tuổi đang bị đổ lỗi cho các luật nghiêm ngặt về quyền riêng tư đã làm suy yếu mối quan hệ gia đình và cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Keiko Chiba nói với các phóng viên: "Có vẻ như những người này đã bị cô lập, không ai rõ họ còn sống hay chết mặc dù có đăng ký sổ hộ khẩu".
Cuộc khảo sát đã phát hiện ra 234.354 cụ già được liệt kê là vẫn còn sống nhưng không thể xác nhận tình trạng của họ. Các quan chức của Bộ nghi ngờ một số trường hợp tử vong không được báo cáo do chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi những người khác có thể đã mất liên lạc với người thân hoặc chuyển ra nước ngoài mà không thông báo cho chính quyền.
Việc liên tiếp phát hiện ra sai sót trong công tác quản lý người cao tuổi đã thể hiện những bất cập, nhất là khi Nhật Bản là đất nước rất tôn kính người già. Tháng 9 hàng năm, những người vừa tròn 100 tuổi hoặc sắp tròn 100 tuổi đều nhận được thư chúc mừng và cúp thưởng từ thủ tướng.
Nhiều người đã đưa ra nghi vấn liệu những thiếu sót này có phải hậu quả của việc chạy theo thành tích về kỷ lục sống thọ hay không. Được biết, Nhật Bản một trong những xã hội có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới với hơn 1/5 người dân từ 65 tuổi trở lên.
Theo Bộ Y tế, vào năm 2010, cả nước ghi nhận 40.399 người trăm tuổi, nhiều hơn gấp ba so với cách đó một thập kỷ. Phụ nữ Nhật Bản hiện có thể sống trung bình 86,4 tuổi, đây là một trong những tuổi thọ cao nhất trên thế giới, và trung bình ở nam giới là 79,6 tuổi.
Chính phủ cho biết những phát hiện trên sẽ ít nhiều tác động đến số liệu tuổi thọ, họ sẽ bắt đầu thống kê dựa trên công tác điều tra dân số qua các chuyến thăm nhà. Ngoài ra, nam giới trên 98 tuổi và phụ nữ trên 103 tuổi không được đưa vào khi tính toán tuổi thọ trung bình.