Người dân tại con hẻm 322 đường Nguyễn Tất Thành (quận 4, TP.HCM) từ lâu đã quen với tiếng xe lăn cót két, khi bà Gái và bà Út đẩy cô con nuôi Ngọc Huệ đi hớt tóc đều đặn mỗi tháng một lần. Đứa con gái nuôi dù mái đầu đã điểm bạc như hai người mẹ nhưng gương mặt chỉ như đứa trẻ lên năm, nói cười trong vô thức. Có tin được không, hai tấm lưng còng đã nuôi nấng đứa con bất hạnh ấy ròng rã 42 năm trời, dù nó không phải là máu mủ ruột rà của họ.
42 năm nay, ba người đàn bà này yêu thương, nương tựa vào nhau dù không cùng huyết thống.
Hai cuộc gặp gỡ trời định
Hơn 40 năm về trước, hai bà lão lúc ấy còn trẻ, sống ở khu vực Cầu Kho (quận 1, TP.HCM). Hằng ngày, bà Út chạy ra Xa cảng Miền Đông (nay là Bến xe Miền Đông) làm nghề bốc vác, còn bà Gái chật vật lo ăn từng bữa, ai thuê gì làm nấy. Cuộc sống quá khó khăn khiến hai người cuốn mình trong chốn mưu sinh, đến khi nghĩ đến hạnh phúc gia đình thì đã qua thời xuân sắc. Một lần, đang chuẩn bị đi làm, người đàn bà vô tình liếc sang nhà bên cạnh, thấy người hàng xóm nằm liệt giường, cửa nhà mở toang, cô quạnh không ai săn sóc. Như chạm đến nỗi niềm của mình, không chút do dự, bà Út xắn tay áo, chạy qua cạo gió, thuốc thang tận tình cho cho bà Gái.
Bà Đào Thị Gái nay đã 85 tuổi.
Còn bà Đặng Thị Út cũng đã ngoài 80 tuổi, bụi thời gian đã hiện rõ trên gương mặt đầy vết chân chim.
Sau khi bà Gái qua cơn thập tử nhất sinh, hai người phụ nữ đơn thân quyết định kết nghĩa chị em, hoạn nạn có nhau. Cuộc sống tưởng đã bắt đầu bước sang một ngã rẽ tốt đẹp thì bất ngờ biến cố xảy đến. Trong một đợt “bà hoả” ghé thăm, nhà của họ bị cháy tan hoang, khiến hai chị em kết nghĩa phải vất vả với kiếp đầu đường xó chợ một thời gian dài, rồi trôi dạt qua quận 4. Đến lúc này, bà Gái và bà Út càng có lý do để nương tựa vào nhau, sống đời rau cháo qua ngày.
Vài năm sau, khao khát có tiếng trẻ thơ nô đùa cho ngôi nhà nhỏ bớt phần cô quạnh, hai người đàn bà đi dọc các bệnh viện mong tìm cho mình một đứa con. Trời cũng chiều lòng hai người khi một ngày cuối năm 1974, cả hai nhận được tin bệnh viện Từ Dũ có một đứa trẻ ba tháng tuổi không người nuôi dưỡng. Sau vài lần lưỡng lự khi biết cha đứa bé là một người lính sắp ra chiến trường, họ háo hức vào viện nhận bé gái xinh xắn, đặt tên cho con là Ngọc Huệ.
Sợ con gái đi lạc, lúc nào hai bà mẹ nuôi cũng kề cận.
Đã 42 tuổi nhưng chị Ngọc Huệ ngờ nghệch như một đứa trẻ.
Hạnh phúc của ba mẹ con chỉ kéo dài ngắn ngủi, bởi khi lên 6 tuổi, trong một lần bị sốt cao phải chích thuốc, Ngọc Huệ đột nhiên bị biến chứng, đầu óc bắt đầu có dấu hiệu bất thường. Gia cảnh quá nghèo khiến hai người mẹ nuôi không thể chữa dứt bệnh cho con, để đến mấy tháng sau, Ngọc Huệ bị chuẩn đoán mắc căn bệnh bại não, tâm thần, đôi chân cũng vì thế mà không còn di chuyển được bình thường. Bắt đầu từ đây, tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ trong ngôi nhà được thay thế bằng tiếng cười ngờ nghệch và giọt mồ hôi nặng trĩu lo toan.
“Mong sau khi tụi tôi chết, con Huệ có chỗ nương náu an toàn”
Thấy con bỗng nhiên từ người lành lặn hoá thành kẻ tâm thần, hai người mẹ nuôi chẳng những không phiền lòng, ngược lại họ càng dồn hết tâm trí lo cho con. Hằng ngày, từ việc tắm rửa, nấu nướng đến giặt giũ, vệ sinh, bà Gái và bà Út đều thay nhau quán xuyến. Cô con gái chẳng còn đi đứng được, chỉ lết dưới sàn nhà đầy bụi bẩn. Dường như hiểu được sự khổ cực của hai người mẹ nên dù đầu óc không bình thường, Ngọc Huệ khá ngoan ngoãn, mẹ cho ăn gì là ăn đó, mẹ nói gì cũng làm theo.
Chị Huệ rất thương và nghe lời các mẹ.
Thời gian trôi đi, Ngọc Huệ lớn khôn, trưởng thành rồi trở thành người phụ nữ trung niên cũng là lúc bà Út và bà Gái bước qua bên kia sườn dốc cuộc đời. Không còn làm được những công việc nặng nhọc, hai bà chuyển sang nghề đấm bóp giác hơi. Ban ngày oằn mình đấm bóp cho khách đến đỏ bầm đôi bàn tay, đến khi về nhà, đôi bàn tay ấy lại phải chăm từng miếng ăn, giấc ngủ cho đứa con “thơ dại”.
Đã 42 năm kể từ khi họ là mẹ con của nhau, bà Út và bà Gái đã không còn sức lao động nhưng vẫn phải gồng mình nuôi chị Huệ. Nguồn sống chính của họ giờ đây chỉ trông chờ vào sự từ thiện của ngôi chùa đầu hẻm, của bà con lối xóm. Căn nhà ấm áp ngày xưa nay đã xuống cấp trầm trọng, gác xếp xụp xệ sẵn sàng đổ xuống bất cứ lúc nào. Càng buồn hơn khi trong một lần bạo bệnh, mắt bà Gái bắt đầu mờ. Ba năm nay, bà không còn thấy gì nữa. Mò mẫm tìm chỗ con ngồi, người đàn bà nắm chặt lấy đôi bàn tay đứa con, chạm vào khắp người con để xem con mình nay có thay đổi gì không. Bà Gái mỉm cười, bảo mù vậy lại hay, để bà không phải thấy sự thật phũ phàng in hằn trên cơ thể con gái.
Dù đôi mắt đã mù nhưng bà Gái vẫn giành phần ngủ trên căn gác, nhường dưới đất lại cho bà Út và chị Huệ.
Đôi bàn tay bà mò mẫm từng bước lên bậc cầu thang.
Giấc ngủ ẩn hiện đâu đó sự lo lắng khi xung quanh sàn đã sụt lún nhiều chỗ.
Quay sang bà Út, chúng tôi lặng người khi thấy đôi tay bà run bần bật bởi ảnh hưởng của những chuỗi ngày làm nghề đấm bóp. Phải khó khăn lắm bà mới cầm được ly nước trên tay và uống cạn. Nhưng trong mắt bà lão vẫn ánh lên niềm vui sướng khi có tiếng người trò chuyện, bởi rất lâu rồi ngôi nhà mới có khách lạ đến thăm.
Bà Út yêu thương, xoa đầu chị Huệ như thuở còn tấm bé, dù giờ mái tóc chị đã bắt đầu điểm bạc.
Nhìn cảnh người phụ nữ trung niên vô tư chơi đồ hàng con nít mà không khỏi nhói lòng.
Hỏi về mong muốn lớn nhất, hai cụ bà không chút do dự, trả lời dứt khoát: “Tụi tôi giờ chỉ muốn vào…sáu tấm ván (hòm) cho lẹ, già cả quá rồi. Chỉ mong sau khi chết đi, con Huệ có chỗ nương náu an toàn, không bị ai đánh đập, đối xử tệ. Tụi tôi tin xã hội sẽ không bỏ rơi nó”. Câu nói của hai bà mẹ càng khiến người đối diện thêm đau lòng khi ngay bên cạnh, đứa con gái nuôi vô tư chơi đồ hàng, khoe hai hàm răng rụng vài chiếc và mái đầu đang dần bạc.
Dù sống nay chết mai, ăn uống thiếu thốn, hai người mẹ nuôi vẫn tràn đầy niềm lạc quan, tin tưởng sẽ có một ngày con gái nuôi được sống đầy đủ, hạnh phúc.
Ra khỏi con hẻm loằng ngoằng, chúng tôi vẫn còn nhớ mãi nụ cười, cái quơ tay liên tục để tìm người và giọng nói của bà Gái: “Tết nhớ quay lại đây chơi. Quay lại ăn cơm với mấy bà già. Vài bữa nữa là Tết rồi.”.
Có lẽ gánh nặng tuổi tác đã khiến hai bà chẳng còn nhận diện được thời gian, bởi suốt cuộc đời khổ cực, họ đã dành trọn trái tim cho đứa con không cùng huyết thống của mình.