Khi chúng ta có con, tất cả các kế hoạch cuộc sống đều được lập trình xoay quanh đứa trẻ. Đưa con cái đến thế giới này, ai cũng muốn con mình sống một cuộc đời an yên, hạnh phúc. Nhưng việc nuôi dưỡng một đứa trẻ không đơn giản chỉ là cho con cơm ăn, áo mặc, mua nhà, tậu xe. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là giáo dục con cái thật tốt.
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy mình đã dành hết mọi thứ nhưng con cái học hành vẫn ngổn ngang, không biết ơn, thường xuyên cãi lại, cố tình làm trái ý. Ngược lại, những bậc cha mẹ đã giáo dục con cái thành công cảm thấy rằng sự trưởng thành của con cái là điều tự nhiên và họ không cần phải tốn quá nhiều công sức.
Trên thực tế, đứa trẻ nào cũng biết ơn công ơn sinh thành, dưỡng dục lớn hơn trời biển của cha mẹ. Tuy nhiên có 3 kiểu phụ huynh trẻ sẽ đặc biệt mong muốn. Hãy xem bạn có thuộc một trong số đó hay không?
1. Những bậc cha mẹ dành cho con cái tình yêu thương vô điều kiện
Cha mẹ có yêu con không? Tất nhiên là có. Tuy nhiên, tình yêu của một số cha mẹ là có điều kiện. Khi đứa trẻ được 10 điểm trong bài kiểm tra, những lời động viên, khen ngợi của bố mẹ dành cho con khiến trẻ cảm thấy rằng bố mẹ rất yêu thương mình.
Tuy nhiên, khi học lực của con không tốt, không làm được những việc theo ý muốn của cha mẹ, nhiều phụ huynh sẽ tức giận: "Tại sao mẹ lại sinh ra con như vậy, con muốn chọc giận mẹ à?".
Cuộc sống của một đứa trẻ không phải là cuộc sống của cha mẹ, nếu tình yêu của chúng ta có điều kiện, thì đó không phải là tình yêu thực sự dành cho con cái mà là tình yêu của chính mình. Bạn mong rằng bạn có một đứa con ngoan để thỏa mãn sự phù phiếm của bản thân và hy vọng con cái có thể thực hiện được ước mơ mà mình không thể thực hiện được.
Yêu con thật sự là vô điều kiện, đương nhiên không phải là chiều chuộng vô lối làm hư con, mà là yêu con bởi vì bố mẹ là bố mẹ của con, không phải vì con hôm nay ngoan ngoãn, không phải vì con có kết quả thi tốt. Yêu là không có ràng buộc nào.
2. Những bậc cha mẹ tốt để con cái noi gương
Một cô bé học cấp 2 bắt đầu mê game. Cách giáo dục của mẹ luôn chỉ là thuyết giáo, đánh đập và mắng mỏ. Vào buổi tối, khi đang chơi mạt chược ở phòng khách, bà quay đầu nhắc con gái đang xem tivi: "Ngồi thẳng lưng, làm bài tập đi!".
Tình huống "nực cười" này từng được nhiều người bàn tán để rút kinh nghiệm về cách dạy con. Khi bạn dạy con không chơi game nhưng lại đang say mê với một trò chơi khác, con bạn liệu có nghe lời? Nếu bạn còn không kiểm soát được bản thân thì làm sao bạn có thể kiểm soát được con cái?
Con cái là bản sao của cha mẹ, những bậc cha mẹ tuyệt vời đó không bao giờ yêu cầu con cái họ phải làm việc chăm chỉ, họ sẽ tự mình chứng minh cho con cái họ thấy sự chăm chỉ thực sự là gì.
Cha và mẹ luôn lấy con của người khác để đưa ra yêu cầu đối với con của mình. Con cái sẽ có những suy nghĩ như vậy trong lòng, tại sao bố mẹ người khác có thể mà bố mẹ mình lại không? Vì vậy, làm cha mẹ mẫu mực chính là cách giáo dục con cái tốt nhất.
3. Những bậc cha mẹ để con cái cảm nhận được giá trị của chúng
Tại sao nhiều trẻ em thích chơi game? Bởi vì trong thế giới game, trẻ đã tìm thấy giá trị của chính mình, và thấy rằng mình có thể làm được nhiều điều mà trong thực tế không thể đạt được.
Khi nào đứa trẻ hạnh phúc nhất? Đó là lúc chúng thấy mình có giá trị nhất. Một đứa trẻ thấy bố mẹ làm việc, muốn giúp đỡ. Bố mẹ từ chối: "Tránh ra. Con không thể làm được", thậm chí có người còn chỉ trích: "Nhìn con người khác cái gì cũng làm được, sao con cái gì cũng vụng về thế?".
Lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương và giá trị bản thân bị phủ nhận, đó là cách giáo dục dại dột nhất mà các bậc cha mẹ sử dụng. Cha mẹ thông minh luôn giỏi phát hiện mọi điểm sáng ở con cái và mở rộng chúng ra vô hạn.
Khi trẻ muốn giúp chúng ta làm việc gì đó, hãy cho phép trẻ làm, đồng thời khen ngợi và khẳng định sự trưởng thành của trẻ. Khi con bạn thất bại, xin đừng mắng nhiếc hoặc ngó lơ con, hãy cho con biết rằng thất bại không có gì ghê gớm, thất bại là mẹ của thành công, và bạn phải tin rằng con vẫn ổn.
Hãy cho phép trẻ em mắc sai lầm trong quá trình lớn lên, quá trình sửa chữa lỗi lầm là cơ hội để con trải nghiệm và trưởng thành.