Vài năm gần đây, kính áp tròng là món phụ kiện làm đẹp quá đỗi quen thuộc với giới trẻ, đặc biệt vào dịp Tết. Tuy nhiên nhiều bạn trẻ vẫn chưa ý thức được về hậu quả nghiêm trọng khi lạm dụng kính áp tròng.
Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã có không ít trường hợp bị khô mắt, viêm loét giác mạc do đeo kính áp tròng quá nhiều, hoặc đeo qua đêm. Gần đây, bệnh viện tiếp nhận trường hợp của bệnh nhân nữ 20 tuổi tên T, đang là sinh viên Đại học Thăng Long. T đến khám trong tình trạng mắt có cảm giác bỏng rát, nổi cộm và liên tục chảy nước mắt. BSCKI Nguyễn Thị Thúy Nga (Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Hà Nội) là người khám và tư vấn cho T, bệnh nhân này bị chẩn đoán khô mắt nặng do dùng kính áp tròng quá nhiều.
Theo bác sĩ, kính áp tròng nếu lạm dụng và dùng sai cách thậm chí còn có thể dẫn đến hậu quả mù lòa.
Để mọi người hiểu rõ hơn về tác động của kính áp tròng với mắt, cũng như biết cách sử dụng cho đúng, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga đã có những chia sẻ rất cụ thể dưới đây.
PV: Thưa bác sĩ, ngày nay giới trẻ có sở thích dùng kính áp tròng để làm đẹp, nhưng chúng liệu có hại cho mắt không?
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga: Ngày nay rất nhiều bạn trẻ sử dụng kính áp tròng mềm với mục đích thẩm mỹ. Kính áp tròng giúp điều chỉnh tật khúc xạ làm mắt nhìn rõ nét hơn mà không vướng như kính gọng. Ngoài ra, kính áp tròng cũng tạo màu sắc làm thay đổi màu mắt, hay kính phân tròng làm cho mắt to hơn, long lanh hơn. Ngoài ra kính áp tròng mềm còn được dùng trong một số bệnh lý tại mắt.
Kính áp tròng mềm là loại kính tiếp xúc mỏng, nhỏ, ôm sát vào giác mạc làm cho mắt chúng ta có cảm giác êm ái, dễ chịu khi đeo. Mặc dù kính áp tròng có rất nhiều lợi ích nhưng nếu không tuân thủ đúng chỉ định có thể tiềm ẩn một số nguy cơ không tốt cho mắt. Các biến chứng thường gặp đó là khô mắt, tân mạch hắc mạc, viêm loét giác mạc, viêm kết mạc, phù giác mạc. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới nguy cơ mù loà.
PV: Dùng kính áp tròng cần tránh những sai lầm nào?
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga: Đeo kính áp tròng thường xuyên, đeo kính ngủ qua đêm, quá thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất và không đảm bảo vệ sinh là những sai lầm có thể gây hại cho mắt.
Ngoài ra, mọi người không nên sử dụng kính áp tròng khi đi bơi, đi tắm hoặc đeo trong môi trường dưới nước vì ở đó có rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nếu vi khuẩn bám dính lên kính có thể gây viêm nhiễm tại mắt.
Nếu bạn có bệnh lý kèm theo như tiểu đường cũng tránh sử dụng kính áp tròng, vì khi đeo kính khả năng viêm nhiễm sẽ cao hơn.
Cần lưu ý rằng, giác mạc không có mạch máu. Khi đeo kính áp tròng, giác mạc không được cung cấp đủ oxy, các tế bào biểu mô rất dễ bị tổn thương. Cộng thêm trường hợp nếu giác mạc đã bị xước, khi đeo kính áp tròng càng làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng gây viêm giác mạc, nặng hơn dẫn đến viêm loét giác mạc, gây tình trạng mù lòa nếu không được điều trị.
PV: Nhiều bạn trẻ dùng kính áp tròng có tình trạng bị khô mắt, vì sao lại như vậy?
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga: Khô mắt là một trong những biến chứng thường gặp khi đeo kính áp tròng. Và có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó có thể là do môi trường quá khô nóng, hàm lượng nước trong kính bị bốc hơi nhanh làm cho kính trở nên khô cứng, khi đeo vào mắt có cảm giác bị cộm, đau.
Thứ hai là do tình trạng của mắt. Với những bạn tiết ít nước mắt, lượng nước mắt không đủ để giữ ẩm cho giác mạc và kính áp tròng. Thứ ba là do chất lượng của kính áp tròng. Nếu kính áp tròng bạn đang sử dụng có độ ẩm quá cao sẽ hút nước mắt có trong mắt của bạn làm mắt bạn bị khô.
Trong tất cả các trường hợp, người bệnh tuyệt đối không được tự xử lý tại nhà. Tự điều trị khô mắt nếu sai cách sẽ dẫn đến biến chứng sang các bệnh khác ở mắt, hậu quả cuối cùng có thể sẽ dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
PV: Cần lưu ý gì để sử dụng kính áp tròng mà không gây hại cho mắt, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga:
- Kính áp tròng mềm có nhiều loại: kính dùng hàng ngày (1 ngày), dùng dài ngày (1 - 3 - 6 tháng). Tốt nhất bạn nên sử dụng kính dùng hàng ngày (sử dụng 1 lần) càng ít nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập hoặc biến chứng không mong muốn.
- Tuân thủ đúng thời gian và hướng dẫn sử dụng kính theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Không nên tái sử dụng kính áp tròng dùng 1 lần, có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.
- Chọn và sử dụng loại kính áp tròng mềm đảm bảo chất lượng, có tên tuổi trên thị trường.
- Với dòng kính áp tròng mềm dài ngày, bạn cần lưu ý về quy trình vệ sinh và bảo quản kính, rửa tay sạch sẽ trước khi đeo kính.
- Không nên đeo kính khi đi tắm, đi bơi hay trong môi trường nước vì ở đó có nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nếu vi khuẩn bám dính lên kính có thể gây viêm nhiễm tại mắt.
- Không đeo kính khi đi ngủ qua đêm: khi ngủ kính áp tròng không cung cấp đủ oxy cho giác mạc, khiến mắt dễ bị khô.
- Nếu bạn có bệnh lý kèm theo như tiểu đường nên tránh sử dụng kính áp tròng mềm, vì khi đeo kính khả năng viêm nhiễm sẽ cao hơn.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng kính áp tròng, ngay khi gặp phải các bất thường ở mắt, bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các tổn thương nặng nề cho mắt.
PV: Xin cảm ơn BS!
Bác sĩ hướng dẫn cách đeo và tháo kính áp tròng mềm:
Cách đeo kính:
- B1: Nhỏ nước mắt nhân tạo trước khi đeo kính.
- B2: Rửa sạch tay và làm khô tay bằng khăn giấy sạch.
- B3: Sử dụng ngón trỏ để lấy kính, tập thói quen đeo lần lượt mắt phải – mắt trái để tránh nhầm kính.
- B4: Vệ sinh kính bằng dung dịch kính chuyên dụng (đối với kính dùng hàng ngày).
- B5: Kiểm tra kính để đeo đúng hướng.
- B6: Dùng tay không thuận giữ mi trên, ngón giữa tay thuận giữ mi dưới và từ từ đưa kính vào mắt, làm lần lượt từng mắt.
- B7: Đổ dung dịch còn lại trong hộp đựng kính và vệ sinh sạch sẽ.
Trong thời gian đeo kính áp tròng bạn nên nhỏ thêm nước mắt nhân tạo chuyên dùng cho kính áp tròng để mắt không bị khô.
Cách tháo kính:
- B1: Rửa sạch tay và làm khô tay bằng khăn giấy sạch.
- B2: Mắt nhìn xuống dưới và dùng tay không thuận giữ mi trên.
- B3: Mắt nhìn lên trên và dùng ngón tay thuận giữ mi dưới, dùng ngón cái và ngón trỏ lấy kính, làm lần lượt từng mắt.
- B5: Đối với kính dùng hàng ngày, loại bỏ ngay sau khi tháo kính.
Đối với kính dùng dài ngày: Cho kính vào hộp và đổ dung dịch ngâm vào hộp đựng kính.