Khi nói đến chế độ ăn uống lành mạnh, rau luôn là lựa chọn hàng đầu. Nhưng theo bảng xếp hạng chính thức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có một loại rau vượt trội hơn tất cả. Đặc biệt, loại rau này rất quen thuộc với người Việt, đó là: Cải xoong.

“Quán quân” trong danh sách rau củ lành mạnh nhất thế giới

Trong bảng xếp hạng các loại trái cây và rau củ "mạnh" (Powerhouse Fruits and Vegetables - PFV) của CDC, cải xoong đạt số điểm tuyệt đối 100 - cao nhất trong 41 loại thực phẩm được đánh giá.

canh-xa-lach-xoong-cai-xoong-nau-tom-kho-thumbnail-1.jpg

Theo sau là cải thảo (91,99 điểm), cải cầu vồng (89,27), rau cải xanh (87,08) và rau bina (86,43). Tất cả đều được đánh giá dựa trên 17 loại dưỡng chất thiết yếu như: Vitamin A, B6, B12, C, D, E, K, canxi, kali, sắt, kẽm, protein, chất xơ, folate, thiamin, riboflavin và niacin.

Điều đáng tự hào là cải xoong - một loại rau mọc nhiều ở vùng quê Việt Nam, dễ trồng, dễ ăn - lại được đánh giá là "siêu thực phẩm số 1" trên toàn thế giới.

6 lý do khiến cải xoong trở thành "báu vật" của sức khỏe

Một loại rau của Việt Nam được Mỹ đánh giá là tốt nhất thế giới: Chống được cả ung thư, tốt cho tim mạch, lại giàu collagen vô cùng!- Ảnh 2.

1. Giàu chất dinh dưỡng, ít calo

Theo chuyên gia dinh dưỡng Serena Poon (Los Angeles), cải xoong chứa hàm lượng cao vitamin K, A, C, B, cùng với magiê, canxi và kali. Tất cả đều tốt cho xương, miễn dịch, da và chức năng thần kinh. Dù nhỏ bé, nhưng cải xoong lại "gói gọn" rất nhiều dưỡng chất mà gần như không chứa calo.

"Chỉ cần 3 cốc cải xoong, bạn đã nạp được hơn 50% nhu cầu vitamin A, C, K mỗi ngày", chuyên gia Ilana Muhlstein cho biết.

2. Tốt cho tim mạch

Cải xoong giàu chất chống oxy hóa, giúp giảm viêm và stress oxy hóa, hai yếu tố chính gây ra bệnh tim. Bên cạnh đó, nitrate tự nhiên trong cải xoong có thể giảm huyết áp, cải thiện lưu thông máu và bảo vệ mạch máu.

3. Hỗ trợ phòng ngừa ung thư

Cải xoong chứa glucosinolate, khi nhai sẽ chuyển hóa thành isothiocyanate, một hợp chất đã được khoa học chứng minh có tác dụng chống ung thư, đặc biệt với các bệnh ung thư phổi và đường tiêu hóa.

4. Cân bằng nội tiết tố

Vitamin nhóm B, canxi, magiê trong cải xoong góp phần hỗ trợ hệ thần kinh, phản ứng với stress và điều hòa nội tiết, giúp duy trì sự ổn định hormone, đặc biệt là ở nữ giới.

5. Giải độc, tốt cho gan

Nhờ các hợp chất lưu huỳnh tự nhiên, cải xoong hỗ trợ chức năng gan, tăng cường quá trình thải độc và loại bỏ chất cặn bã ra khỏi cơ thể.

cai-xoong-1-kg-1 (1).jpg

6. Làm đẹp da từ bên trong

Với các chất chống oxy hóa như vitamin C, beta-carotene và lutein, cải xoong giúp làn da sáng khỏe, tăng đàn hồi, hỗ trợ sản sinh collagen, từ đó giảm nếp nhăn, giúp da căng mịn.

5 lưu ý quan trọng khi dùng rau cải xoong

- Không ăn quá nhiều mỗi lần

Cải xoong rất giàu dinh dưỡng, nhưng nếu ăn quá nhiều một lúc (đặc biệt là ăn sống), có thể gây kích ứng dạ dày hoặc đầy bụng.

Người lớn khỏe mạnh nên ăn khoảng 1-2 bữa/tuần, mỗi lần không quá 100g.

- Không ăn khi bụng đói

Cải xoong có vị cay nhẹ, nếu ăn lúc bụng rỗng có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, nhất là với người có bệnh lý dạ dày hoặc trào ngược. Tốt nhất nên ăn cải xoong sau bữa chính hoặc dùng kèm các món khác.

- Người đang dùng thuốc chống đông máu nên cẩn trọng

Vì cải xoong rất giàu vitamin K, nên có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc chống đông máu (như warfarin). Nếu bạn đang dùng thuốc này, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng cải xoong thường xuyên.

- Rửa thật sạch và nên trụng sơ khi dùng sống

Cải xoong thường mọc ở suối hoặc vùng ẩm, có thể chứa vi khuẩn, giun sán hoặc ký sinh trùng nếu không được rửa kỹ. Khi ăn sống, nên ngâm nước muối loãng 15-20 phút và trụng sơ qua nước nóng để đảm bảo vệ sinh.

- Phụ nữ mang thai cần lưu ý

Cải xoong không nên dùng với liều lượng lớn trong giai đoạn đầu thai kỳ vì có thể kích thích tử cung nhẹ. Tuy nhiên, nếu dùng điều độ và đã nấu chín thì vẫn an toàn, có lợi cho sức khỏe mẹ bầu.