"ĐẶC SẢN" NHỮNG MÙA BLACK FRIDAY TRƯỚC SẼ KHÔNG XẢY RA
Hình ảnh những trung tâm thương mại chật kín người chen nhau giành mua những món đồ giảm giá – cảnh tượng vốn được coi là "đặc sản" của những mùa Black Friday nay trở nên thật xa xỉ trong mùa dịch bệnh. Người ta sẽ chỉ nhớ đến Black Friday năm nay gắn liền với những chiếc khẩu trang, nước rửa tay và miếng chắn giọt bắn.
Dẫu vậy, đừng hi vọng rằng tất cả mọi người sẽ tuân thủ quy tắc giãn cách 6 bước chân. Người dân Mỹ vẫn sẽ lấp đầy những bãi đậu xe ngoài trung tâm thương mại, và trên tay là những túi hàng đầy ắp. Chỉ khác là, số lượng người tới những cửa hàng mua sắm trực tiếp sẽ ít hơn, khi xu hướng mua sắm trực tuyến (online) bùng nổ.
Người dân Mỹ chen chúc mua sắm trong ngày Black Friday (Nguồn: Reuters)
Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ năm nay có thể vượt mức tăng trưởng của các năm trước đó khi người dân tìm kiếm cơ hội chi tiêu và ăn mừng, bất chấp việc COVID-19 vẫn còn là một trong những nỗi lo.
Doanh số bán hàng của Mỹ trong 2 tháng cuối năm dự kiến tăng từ 3,6-5,2% so với năm 2019, với mức doanh thu dao động từ 755,3-766,7 tỷ USD. Trước những thông tin tích cực về vaccine COVID-19, người tiêu dùng Mỹ lạc quan tăng cường chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ. Doanh số bán hàng trực tuyến được cho là sẽ tăng 20-30% khi sự sụt giảm chi tiêu trước đó vì dịch COVID-19 đối với các dịch vụ cá nhân, du lịch và giải trí càng thúc đẩy việc giải phóng tiền phục vụ mua sắm cuối năm, hay người ta thường gọi là mua sắm trả thù.
Những người dân tại bang Wisconsin, Mỹ cũng nằm trong số đó - những người quá mệt mỏi vì những lệnh giãn cách trước đó đang khao khát những ngày "bình thường mới" được thoải mái mua sắm trong ngày Black Friday, dù chỉ qua những cái click chuột trên các trang web bán hàng trực tuyến.
Hình ảnh người dân Mỹ mua sắm tại một cửa hàng trong ngày Black Friday (Nguồn: Post Crescent)
Theo một báo cáo mới đây của TransUnion, số lượng người trực tiếp đến các cửa hàng sẽ giảm 32% so với năm 2019. Jeanne Beckley – một fan hâm mộ "kỳ cựu" của Black Friday – năm nay sẽ không còn rời nhà lúc 5 giờ sáng để săn hàng giảm giá nữa. "Năm nay khác rồi. Black Friday tôi sẽ chỉ ở nhà và đặt hàng trực tuyến".
Cô Nancy Madden, người dân sống tại Wrightown cũng cùng quan điểm: "Tôi không tới các cửa hàng vì hầu hết những doanh nghiệp nhỏ của địa phương không hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của COVID-19. Một số nơi còn không yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang cơ".
Vì lẽ đó mà những cửa hàng bán lẻ quy mô vừa và nhỏ không áp dụng hình thức giao hàng trực tuyến sẽ đứng trước nguy cơ bị cô lập, khi lượng khách đến cửa hàng gần như không có.
MỘT KỲ NGHỈ LỄ RẤT KHÁC
Theo khảo sát mới đây của Deloitte với hơn 4.000 người mua sắm tại Mỹ, cứ ba người, lại có một người than phiền về tình hình tài chính eo hẹp vì dịch bệnh. 38% số người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ chi tiêu ít đi cho kì nghỉ năm nay. 60% chia sẻ họ thích mua sắm online vì muốn tránh xa đám đông.
Black Friday năm nay sẽ khác mọi năm (Nguồn: Reuters)
Nhiều hãng bán lẻ tại Mỹ đã thông báo đóng cửa trong ngày Lễ Tạ ơn. Điều này trái ngược hoàn toàn so với những năm đó, khi các hãng thậm chí bắt đầu Black Friday - ngày hội mua sắm lớn nhất nước Mỹ từ ngày này.
Thương hiệu nổi tiếng hàng đầu tại Mỹ, Walmart, cho biết đây sẽ là lần đầu tiên sau hơn 30 năm "ông vua bán lẻ" này phải đóng cửa vào ngày mà lẽ ra sẽ mang lại mức doanh thu khổng lồ. "Năm nay thật khó khăn. Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ có một Lễ Tạ ơn đặc biệt tại nhà, bên những người mình yêu thương", John Furner - CEO Walmart Mỹ chia sẻ. Target, Macy’s, Best Buy, Dick's Sporting Goods, Bed Bath & Beyond cũng cùng chung danh sách những thương hiệu đóng cửa.
Trước đó, việc các hãng bán lẻ vẫn mở cửa đón khách vào Lễ Tạ ơn đã làm dấy lên nhiều căng thẳng giữa họ và người lao động – những người mong muốn được quây quần bên gia đình thay vì tất bật thanh toán hoá đơn cho khách.
Doanh số bán hàng trực tuyến tại Mỹ được dự báo sẽ tăng 20-30% trong năm nay (Nguồn: Post Crescent)
Hầu hết các cửa hàng tham gia Black Friday sẽ bắt đầu mở cửa đón khách vào 5 giờ sáng. Tuy nhiên, đa số người Mỹ sẽ đặt hàng trực tuyến trước một tuần để không phải xếp hàng săn sale trong giá lạnh. Một số thương hiệu, trong đó có Target, thậm chí còn bắt đầu các chương trình giảm giá Black Friday từ tháng 10.
Cũng giống như ngày Lễ Độc thân 11/11 của Trung Quốc, Black Friday năm nay bắt đầu sớm hơn mọi năm, để bù đắp lại mức doanh thu thâm hụt nặng nề vì dịch COVID-19. Theo ông Jeff Hogenson, chủ thương hiệu Scheels tại Fox River Mall, Scheels năm nay sẽ tăng thời gian khuyến mãi lên 9 ngày để tạo ra nhiều cơ hội mua sắm hơn cho khách hàng.
BỨC TRANH ĐỐI LẬP GIỮA NHỮNG GÃ KHỔNG LỒ VÀ NHỮNG THƯƠNG HIỆU NHỎ LẺ
Đại dịch đang vẽ nên một bức tranh đối lập giữa những gã khổng lồ và thương hiệu bán lẻ nhỏ lẻ. Trong khi Target hay Walmart công bố mức lợi nhuận khổng lồ trong quý III/2020 nhờ đầu tư vào dịch vụ bán hàng trực tuyến, thì những tên tuổi nhỏ hơn lại lâm vào cảnh "nghìn cân treo sợi tóc".
Chị Lisa Reissmann, chủ một cửa hàng nhỏ tại Mỹ đang thanh toán hoá đơn cho khách (Nguồn: Post Crescent)
Chị Lisa Reissmann, chủ một cửa hàng nhỏ tại Mỹ chia sẻ: "Thật đau lòng khi mọi người chỉ đổ xô mua sắm trên Amazon. Các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương như chúng tôi sẽ chết mất. Chúng tôi còn phải vật lộn để trả tiền thuê mặt bằng".
Dù Amazon trước đó đã lên tiếng giải thích trước "cáo buộc" rằng gã khổng lồ này đã cướp đi doanh thu của nhiều doanh nghiệp nhỏ, mâu thuẫn giữa tập đoàn Amazon và những thương hiệu truyền thống vẫn khó có thể tháo gỡ do sự chênh lệch quá lớn về nguồn thu. "Doanh thu tăng sẽ mang lại lợi ích cho cả các bên thứ ba bán các sản phẩm trên Amazon chứ không phải là chỉ riêng sàn thương mại điện tử chúng tôi được hưởng lợi" - ông Frederic Duval, CEO của Amazon tại Pháp chia sẻ.
Giới chức địa phương đang khuyến khích người dân tới mua sắm tại những cửa hàng nhỏ để giúp những thương hiệu này sống sót qua đại dịch. Chương trình "Hỗ trợ 9 USD" của Appleton Downtown yêu cầu người mua hàng cam kết chi 20 USD tại chín cửa hàng bất kỳ. Chương trình này sẽ kéo dài 1 tuần, từ 28 tháng 11 đến 4 tháng 12. Chương trình mua sắm "We’re all in" - "Chúng tôi đều ở trong nhà" cũng đang được Công ty Wisconsin liên kết với hơn 350 doanh nghiệp nhỏ để thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến.