Hiếm có loại củ nào nhỏ bé nhưng chứa nhiều công dụng tuyệt vời như lạc. Đó là lý do vì sao người Trung Quốc thường ví "một nắm lạc = một nắm thuốc bổ".
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy lạc có chứa rất nhiều protein. Ngoài ra, lạc cũng chứa nhiều vitamin A, vitamin K, vitamin B6 và vitamin E... có tác dụng rất tốt trong việc bổ sung năng lượng cho cơ thể.
Lạc còn chứa 8 loại axit amin thiết yếu và hàng loạt chất dinh dưỡng như caroten, axit béo không no, lecithin, chất xơ thô... Những chất dinh dưỡng này được cơ thể con người hấp thụ dễ dàng, có lợi trong việc trì hoãn lão hóa, bổ sung canxi, tăng cường trí nhớ.
Dù vậy, không phải tất cả mọi người đều thích hợp để ăn lạc. Đặc biệt đối với những nhóm người dưới đây, nếu tiêu thụ lạc quá nhiều trong thời gian dài còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
4 đối tượng không nên ăn lạc
1. Những người đang bị tiêu chảy
Hàm lượng protein trong lạc đặc biệt cao, ngoài ra nó còn chứa một lượng lớn chất béo. Đối với những người có đường tiêu hóa kém hoặc đang bị tiêu chảy thì tốt nhất không nên ăn. Nếu không, nó sẽ làm cho các triệu chứng tiêu chảy nặng hơn.
Hơn nữa, nếu tỳ vị và dạ dày yếu thì không nên ăn lạc, nếu không sẽ làm tăng gánh nặng cho tỳ vị và dạ dày dễ gây chướng bụng.
2. Người bị bệnh gút
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh gút, nếu đang có tình trạng bệnh không ổn định thì việc ăn lạc sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Lý do là bởi lạc nhiều chất dầu, nhiều protein, sẽ khiến người bệnh gút tăng hàm lượng axit uric.
3. Người bị bệnh túi mật
Người mắc một loạt bệnh về túi mật như viêm túi mật, sỏi mật thì không nên ăn lạc. Sau khi mắc bệnh về túi mật, quá trình sản xuất mật sẽ không được trơn tru. Trong khi đó, lạc lại là thực phẩm chứa nhiều chất béo và chất đạm, do đó cần có mật để tiêu hóa.
Lúc này nếu ăn lạc sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của túi mật hơn.
4. Bệnh nhân tăng lipid máu
Hàm lượng dầu trong lạc tương đối cao, một khi tiêu thụ với số lượng lớn và trong thời gian dài sẽ khiến độ nhớt của máu tăng lên, khiến tốc độ máu chảy bất thường và làm trầm trọng thêm bệnh mỡ máu.
Hơn nữa, lạc có tác dụng cầm máu, nếu ăn vào thời điểm này sẽ khiến máu đông quá mức, dễ hình thành huyết khối.
Nhìn chung, mặc dù lạc là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng 4 nhóm người trên nên tránh ăn. Ngay cả với người khỏe mạnh cũng không nên ăn nhiều lạc, mỗi ngày chỉ nên ăn một hoặc hai nắm lạc mỗi ngày, tương đương với 280 calo.
Ngoài ra không nên ăn lạc rang muối, lạc mốc. Các nhà khoa học luôn khuyến cáo, người tiêu dùng phải thận trọng bởi nếu ăn phải lạc mốc, hàm lượng dinh dưỡng có trong lạc sẽ bị nấm mốc tiêu thụ, đồng thời một vài loại nấm mốc lại có thể tiết ra chất có độc gây ngộ độc cho người ăn phải.
Thời điểm vàng để ăn lạc trong ngày
Theo Tiến sĩ Mattes, chuyên gia dinh dưỡng tại Khoa Khoa học Dinh dưỡng, Đại học Purdue (Hoa Kỳ): Buổi sáng là thời điểm tốt nhất để ăn lạc. Nếu chị em đều đặn ăn lạc vào bữa sáng thì có thể giảm lượng thức ăn trong ngày. Đã có nghiên cứu cho thấy những phụ nữ ăn các loại hạt, bao gồm lạc chỉ cần 2 lần/tuần có nguy cơ tăng cân và béo phì trong 8 năm thấp hơn so với những người hiếm khi ăn. Ngoài ra, lạc còn chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa có lợi cho sức khỏe tổng thể. Tỷ lệ chất béo này rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
Cách ăn tốt nhất là luộc lạc. Lạc luộc được công nhận có hàm lượng chất chống oxy hóa isoflavone tăng gấp 2-4 lần. Không nên ăn lạc quá nhiều khi bụng đói. Bởi vì các chất béo trong lạc sẽ khiến bạn bị đầy hơi, chướng bụng, gây cảm giác khó chịu.