Bé Kevin Nguyễn - con chị Hoàng Thu Trang (Hà Nội - hiện sống tại Pháp) năm nay học lớp 6. Bé bắt đầu học môn tiếng Anh khi đã hơn 9 tuổi. Sau 18 tháng tuân thủ theo lộ trình của mẹ đặt ra, Kevin đã "bắt kịp" trình độ của học sinh lớp 8 bản xứ.
Trong hơn 1 năm qua, Kevin cũng tự học viết và luyện Ngữ pháp tiếng Anh nâng cao bằng các khóa học miễn phí từ các trường đại học của Mỹ, có cấp chứng chỉ uy tín. Lúc bắt đầu, trình độ tiếng Anh của Kevin ở mức tầm B2 (theo Khung tham chiếu ngôn ngữ chung Châu Âu (CEFR).
Lý do chị Trang chọn tự học cho con là vì Kevin khá bận, không có nhiều thời gian, rất khó thu xếp theo học các giờ cố định. Bên cạnh đó, bà mẹ này luôn ưu tiên Ngon - Bổ - Rẻ, miễn phí càng tốt. Một năm qua luyện Writing (Viết) tuy vất vả không thể tả nhưng cũng tràn đầy thành quả ngọt ngào.
Theo chị Trang, Viết/Writing luôn là phần khó nhất trong việc học, dù sử dụng bất cứ ngôn ngữ nào. Để tự học Ngữ pháp tiếng Anh nâng cao như Kevin, song song với học viết từ dạng đơn giản (viết thư), cho đến viết bài luận (essay writing phạm vi 200 từ), viết nâng cao (200-400 từ, cần dẫn chứng, đưa ra 2-4 lập luận), cho đến viết sáng tạo (xây dựng nhân vật, câu chuyện, plot twist (điểm ngoặt) 500-1000 từ)... cần có trình độ ít nhất cuối B1 trở lên. Đồng thời, phải có quyết tâm cao, có mẹ "hổ báo". Nếu không "kỉ luật sắt" được thì nên mời giáo viên hoặc theo lớp trực tiếp cho đỡ tốn thời gian.
Học ở đâu?
Chị Trang cho Kevin sử dụng Coursera/EdX để tự học các khóa học. Coursera/EdX là nền tảng hàng nghìn khoá học Online từ các trường Đại học nổi tiếng thế giới của Mỹ - Anh - Pháp - Úc - Tây Ban Nha…, từ Havard đến Stanford, Cambridge, UCL, Ivrine, Polytechnique… hoặc từ các tập đoàn lớn như IBM, Google, Meta, Microsoft… Các khóa trên Coursera thường có học phí 60-90 USD (khoảng 1,4 triệu đồng đến 2 triệu đồng), riêng trên EdX là 200 USD/khoá (khoảng 4,6 triệu đồng).
Tất cả khóa học này đều dạy 100% bằng tiếng Anh, thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Hình thức học qua video bài giảng, có bài kiểm tra điều kiện, bài luận cuối khóa. Hoàn thành với kết quả trên 80% sẽ có certificate (chứng chỉ). Kevin xin Financial Aid (hỗ trợ tài chính) để được học miễn phí. Như vậy trong 1 năm qua với 15 chứng chỉ Coursera và 1 chứng chỉ EdX, Kevin đã tiết kiệm cho mẹ khoảng 1300 USD (khoảng gần 30 triệu đồng). Cách xin hỗ trợ tài chính có rất nhiều kinh nghiệm chia sẻ. Nếu cần, phụ huynh có thể tìm kiếm hoặc hướng dẫn con tìm kiếm trên công cụ Google.
Điều kiện để tự học những khóa học trên?
Thứ nhất, đòi hỏi quyết tâm và nghị lực: Chị Trang khẳng định, tự học rất mệt, rất vất vả, đòi hỏi rất nhiều quyết tâm và nghị lực từ cả phía đứa trẻ và bố mẹ, những người đồng hành. Con cố, bố mẹ càng phải cố, chắc chắn bạn không thể nào cứ "quăng" link cho đứa trẻ rồi bảo "tự học đi" là con tự học răm rắp.
"Với nhà mình, gần như là mình đồng hành cùng con từ đoạn tìm khoá học đến tìm tài liệu, kể cả giảng bài tập cho nếu đoạn nào khó quá con không hiểu… Giờ con học nhiều khóa phức tạp, mình chịu không follow được nữa thì lại phải động viên, đưa phần thưởng… Nói chung là mất sức, cái gì không biết thì phải Google", chị Trang chia sẻ.
Thứ hai, về trình độ: Các khóa học đều bằng tiếng Anh nên chị Trang đánh giá level (cấp độ) của học sinh phải ít nhất B1 thì mới hiểu và làm theo các hướng dẫn được. Tốt nhất nên ở cuối B1 đầu B2 về khả năng nghe.
Thứ ba, về lứa tuổi phù hợp để học online với Coursera/EdX: 13-14 tuổi trở lên. Trừ một số trường hợp đặc biệt như bé Kevin 11 tuổi. Bởi vì các video bài giảng và cả kiến thức được thiết kế cho các bạn ít nhất từ lứa tuổi cấp 3, sinh viên, người đi làm… nên khá đơn điệu, không hấp dẫn với trẻ em, chỉ có giáo viên nói, sau đó làm bài tập cật lực. Các bạn bé thích màu sắc và âm thanh sinh động chắc chắn sẽ dễ bỏ cuộc.
Ưu điểm của các chương trình này là giáo viên giỏi, kiến thức phong phú, học miễn phí không mất tiền, có certificate (chứng chỉ) từ các trường nổi tiếng, chủ động thời gian (có nhiều thời gian rảnh học nhiều, có ít thì ngày 15-30 phút vẫn được, ai học nhanh thu xếp tốt thì khoá 4 tuần học 1 tuần, ai lâu thì 4 tháng).
Một số chứng chỉ Kevin đạt được sau 1 năm tự học.
Lộ trình học ra sao?
Giữa vài nghìn khóa học trên đó, làm sao để chọn học gì cho phù hợp? Lộ trình như thế nào để tăng level viết tiếng Anh? Theo chị Trang, Coursera/EdX là kho lưu trữ hàng nghìn khoá học từ hàng nghìn trường đại học. Tuỳ theo mục tiêu của từng nhà mà các bạn chọn theo từ khóa phù hợp.
1. Khóa đầu tiên Kevin học là "Writing Professional emails in English" (viết email chuyên nghiệp bằng Tiếng Anh) của Georgia Institute of technology (Học viện Công nghệ Georgia). Khóa học này dạy viết email cho đúng chuẩn, từ email xin học, email tự giới thiệu, email hỏi thông tin đến email khiếu nại, đổi trả sản phẩm. Mở đầu như thế nào, kết thúc ra sao cho đúng form (dạng), dùng từ như thế nào cho lịch sự…
"Thật sự mình làm việc với nhiều bạn sinh viên, nhiều bạn không biết cách viết 1 email thế nào cho đàng hoàng, tử tế, chuyên nghiệp, đúng mục đích, hoặc viết cộc lốc, dùng từ không phù hợp… Thế nên mình đánh giá khóa học này rất cần thiết, quan trọng, giáo viên dạy rất cô đọng, ngắn gọn và dễ hiểu, phù hợp với các bạn B1 bắt đầu tự học online, hoàn toàn đủ khả năng tiếp thu. Quan trọng, các email phải viết đều yêu cầu độ dài 100-200 từ, không quá khó để bắt đầu", chị Trang cho biết.
2. Khoá tiếp theo là "Grammar and Punctuation" (Ngữ Pháp và Dấu Chấm Câu) của University of California, Ivrine (Đại học California, Ivrine). Khóa này giúp hệ thống hóa (một cách sơ lược) về các thì quan trọng của tiếng Anh và nhất là cách đánh dấu câu cho đúng (chấm, phẩy, chấm than…). Trường cũng có rất nhiều khoá học về Ngữ pháp tiếng Anh, đủ loại chủ đề.
3. Sau khoá này, Kevin học thêm 3 khoá, 1 về "Noun Clauses and Conditinals" (mệnh đề danh từ và câu điều kiện), 1 khoá là "Conjinctions, Connectives and Adverb clauses" (Liên từ, từ nối và mệnh đề trạng từ), khoá còn lại là "Verb tenses and Passive" (Chia động từ và câu bị động). Đây là các phần ngữ pháp cực kì quan trọng, nhất là trong văn viết. Vậy nên chị Trang khuyên các bạn cố gắng theo học và cũng đừng đốt cháy giai đoạn.
4. Khoá tiếp theo là "Getting started with Essay writing" (Làm quen với viết tiểu luận). Khóa này dạy các kiến thức nền đơn giản nhất để viết 1 bài essay (tiểu luận) khoảng 250 từ, nội dung khá tương tự bài viết của thi IELTS. Khóa học sẽ dạy bạn cách viết 1 bài tiểu luận để đồng ý hay phản đối 1 luận điểm nào đó thì như thế nào? Cách triển khai mở bài kết bài? Cách sử dụng các từ liên kết…
5. Nếu học xong khóa Essay writing mà vẫn cảm thấy đơn giản, thì các bạn có thể thử tiếp đến khoá "Advanced writing" (Viết nâng cao). Khoá học này dạy cách viết một bài luận phức tạp hơn, khoảng 400 từ, trong đó phải nêu ra ít nhất 3 lập luận để chứng minh cho 1 luận điểm nào đó.
Quan trọng nữa, họ dạy cách đưa dẫn chứng cho đúng chuẩn vào bài luận. Ví dụ khi trích dẫn lời phát biểu trực tiếp của ai đó thì như thế nào, trích dẫn tên tác giả tác phẩm thì như thế nào. Khóa học dạy cả cách viết phụ lục tham khảo theo đúng quy chuẩn quốc tế, và người học cần ở trình độ B2 trở lên.
6. Viết sáng tạo - Creative writing. Để sử dụng ngôn ngữ một cách bay bổng, tự nhiên, sau khi đã có nền tảng tốt về viết (tương đối) đúng ngữ pháp, đúng ngữ cảnh… Kevin bắt đầu học các khoá khó hơn. Có rất nhiều khoá về Creative writing, chị Trang chọn các khoá của Đại học Wesleyan.
Trường chia Creative writing thành các nội dung nhỏ, từ dạy cách xây dựng nhân vật (The craft of Character), cho đến nghệ thuật miêu tả cảnh, miêu tả tình huống, nghệ thuật viết các bước ngoặt/plot twist…
Có rất nhiều chủ đề hay được đưa ra trong khóa học, chẳng hạn học cách làm sao miêu tả được 1 hoạt động diễn ra chỉ trong 1 khoảnh khắc vài giây đồng hồ (một cái liếc mắt, một cú va đập xe, một cú trượt chân ngã từ trên bàn xuống đất…) mà phải dùng đến 500 từ. Hay có 1 bài dạy về cách viết điều gì đó day dứt, hoài cổ,...
Mô hình chung của các Khoá học trên nền tảng online này là Xem video bài giảng - Làm bài tập tuần (thường họ chia thành 4-6 tuần cho mỗi khoá) - Chấm chéo để biết kết quả (mỗi học sinh phải chấm bài cho ít nhất 3 học sinh khác). Có nhiều khóa bên cạnh bài luận thì có các bài kiểm tra trực tiếp như điền từ, viết lại câu. Làm đúng mới được qua.
Nhiều bố mẹ băn khoăn làm sao để biết con mình viết đúng hay không. Theo chị Trang, khi đã lên đến level viết tương đối cao như thế này rồi thì ít sai những lỗi ngữ pháp cơ bản, và bên cạnh đó, đa số học viên chấm chéo đều chấm bài rất trách nhiệm.
"Quan điểm của mình là "Practice makes perfect" (Luyện tập càng nhiều sẽ càng giỏi hơn), cho nên riêng việc có thể hoàn thành được tất cả các bài yêu cầu bắt buộc của mỗi khóa học, đứa trẻ đã phải luyện và học "bở hơi tai" rồi, chắc chắn sẽ có tiến bộ. Còn nếu vẫn băn khoăn, các bố mẹ có thể gửi bài nhờ 1 số giáo viên tiếng Anh/sinh viên ngoại ngữ giỏi đã từng thi IELTS điểm cao, để chấm bài giúp con và chữa lỗi.
Bên cạnh đó, điều kiện không thể thiếu để viết đúng và viết tốt là phải đọc nhiều, đọc các tác phẩm văn học cổ điển lẫn hiện đại, đọc đa dạng, đọc cả sách fiction và non-fiction (hư cấu và phi hư cấu )…", chị Trang lưu ý.
Thành quả
Sau 1 năm, chị Trang thấy đây là lựa chọn hoàn toàn đúng. Kevin học tốt, có khả năng nghe giảng và hiểu bài hoàn toàn bằng tiếng Anh với đủ các giọng Anh (đa số là Anh Mỹ, Anh Anh nhưng thỉnh thoảng có cả Anh kiểu Tây Ban Nha, Anh kiểu Ấn Độ, Anh kiểu Pakistan…).
"Kevin có rất nhiều kiến thức phong phú từ các giáo sư ở các trường đại học top thế giới, có certificate (chứng chỉ) đẹp hồ sơ. Con thử thách khả năng bản thân, học được những khóa học ở trình độ nâng cao so với lứa tuổi, thậm chí ở trình độ đại học. Con tự rèn được kĩ năng tự học trong mọi hoàn cảnh. Quan trọng nhất, mẹ không tốn tiền và tiết kiệm được rất nhiều thời gian đưa đón, thu xếp….
Ngoài tiếng Anh, còn rất nhiều thứ hay ho có thể học/tham khảo trên Coursera/EdX. Kevin tự học để sử dụng Canva trong thiết kế, Excel (dựng bảng và các lệnh cộng trừ nhân chia cơ bản), Scratch, Python, học về môi trường, học về lịch sử… trên đó mỗi khi có thời gian rảnh", chị Trang đúc kết lại.