Nhiều trường đại học đã công bố phương hướng tuyển sinh 2023. Đáng chú ý là nhiều ngành học mới được các trường bổ sung vào danh mục tuyển sinh năm nay. Trong đó, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có nhiều ngành mới như: Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh... hay một ngành khá hot gần đây là Năng lượng tái tạo.

Như vậy, cùng với một số trường đại học như trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), trường Đại học Điện lực, trường Đại học Bách khoa TP HCM, trường Đại học Bách khoa Thủy Lợi, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, trường Đại học Giao thông vận tải TP HCM... trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã chính thức tham gia vào "cuộc đua" đào tạo ngành học mang tính chất "sống còn" với nhân loại này.

Trên thực tế, Năng lượng tái tạo không phải là một ngành mới, cơ hội việc làm cũng rất rộng mở, với nhiều vị trí đa dạng... nhưng các sĩ tử vẫn không quá "mặn mà" lựa chọn mỗi mùa tuyển sinh. Số lượng đầu vào ngành này ở các trường đại học kể trên khá hạn hẹp so với các ngành "hot" khác. Nguyên nhân vì đâu?

Một ngành học càng lâu dài càng quan trọng, tiềm năng việc làm vô hạn nhưng nhiều thí sinh còn hời hợt vì lý do này  - Ảnh 1.

Năng lượng tái tạo không phải là một ngành mới.

Năng lượng tái tạo học gì?

Năng lượng tái tạo (Recycled Energy) là quá trình thu hồi nhiệt sẽ tiêu tán vào khí quyền và chuyển hóa thành điện năng mà không cần phát thải hoặc tiêu thụ nhiên liệu. Thông qua hệ thống năng lượng tái chế, chúng ta vừa có thể giảm chi phí năng lượng cho các cơ sở công nghiệp, vừa có thể giảm thiểu tổng lượng phát thải của các nhà máy hiện có bằng cách bù đắp điện năng.

Đây là một ngành đầy hứa hẹn, sinh viên tốt nghiệp ngành là những ứng cử viên sáng giá cho các vị trí, quản lý, tư vấn, thiết kế, giám sát và thi công lắp đặt, vận hành vào bảo trì, bảo dưỡng... trong hầu hết các tổ chức có liên quan tới quản lý, sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo hoặc giảng dạy, nghiên cứu tại các Viện, trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp,... có nhiều cơ hội làm việc cho các công ty nước ngoài đầu tư các dự án về năng lượng tái tạo.

Sinh viên theo học ngành này sẽ có đầy đủ kiến thức, khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản và các kỹ năng, kỹ thuật để phát triển toàn diện nghề nghiệp kỹ sư năng lượng tái tạo. 

Chẳng hạn, theo chương trình đào tạo của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, sinh viên ngành Năng lượng tái tạo sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành cao về năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng... Khối lượng thực hành cao giúp sinh viên tiếp cận với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có khả năng hòa nhập nhanh với môi trường làm việc trong tương lai.

Còn tại trường ĐH Nông lâm TP HCM, ngành học Công nghệ kỹ thuật Năng lượng tái tạo đào tạo sinh viên nắm vững và áp dụng các kiến thức chung, cơ sở ngành và chuyên ngành trong lĩnh vực Năng lượng, đặc biệt là lĩnh vực Năng lượng tái tạo. Sinh viên có khả năng sử dụng thành thạo các kỹ năng chuyên môn, có khả năng tư duy sáng tạo, có kỹ năng phân tích, tổng hợp, giải quyết vấn đề và hội nhập quốc tế.

Một ngành học càng lâu dài càng quan trọng, tiềm năng việc làm vô hạn nhưng nhiều thí sinh còn hời hợt vì lý do này  - Ảnh 2.

Ngoài cơ hội việc làm vô hạn với đa dạng vị trí, Năng lượng tái tạo cũng mang lại mức lương đáng mơ ước.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng tính toán, thiết kế, xây dựng qui trình công nghệ và vận hành các hệ thống Năng lượng Tái tạo: Năng lượng mặt trời & điện mặt trời, Năng lượng sinh khối, Năng lượng gió, Thủy điện & các dạng Năng lượng khác…; có kiến thức cơ bản về Công nghệ lưu trữ năng lượng, Tối ưu hóa hệ thống năng lượng, Tiết kiệm năng lượng,…

Ngoài cơ hội việc làm vô hạn với đa dạng vị trí, ngành học này cũng mang lại mức lương đáng mơ ước. Trên một trang tìm việc uy tín, mức lương cho vị trí nhiều vị trí Kỹ sư điện mặt trời (Solar Engineer), Kỹ sư dầu khí... lên tới 15-20 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn nhiều tùy năng lực và kinh nghiệm làm việc.

Chưa thu hút người học, tại sao?

Theo một báo cáo mới được công bố bởi Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) và Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hợp quốc (ILO), trong năm 2021, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tạo ra 12,7 triệu việc làm trên toàn thế giới, tăng 700.000 việc làm mới chỉ trong 12 tháng, bất chấp những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng. Dự kiến, lĩnh vực này có thể tạo ra 32,8 triệu việc làm vào năm 2030.

Một ngành học càng lâu dài càng quan trọng, tiềm năng việc làm vô hạn nhưng nhiều thí sinh còn hời hợt vì lý do này  - Ảnh 3.

Năng lượng tái tạo có thể tạo ra 32,8 triệu việc làm vào năm 2030 (Ảnh: infographics)

Hiện mỗi năm các trường đại học trên đều có những phương án tuyển sinh khá đa dạng. Tuy nhiên, sự non trẻ và kém hấp dẫn của một ngành đào tạo mới khiến sinh viên chưa quan tâm chọn học. Thêm vào đó, cũng do là ngành đào tạo còn mới mẻ nên hầu hết các trường đại học chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, hạn chế trong kết nối thực hành tại các cơ sở ngoài thực tiễn, chương trình giảng dạy chưa thực sự đa dạng và phong phú nên chưa hấp dẫn người học.

Những sinh viên được đào tạo bằng tiếng Anh và có cơ hội được trải nghiệm thực tiễn trong môi trường năng động; những sinh viên được giới thiệu hoặc tự kết nối với các tổ chức, tập đoàn lớn hoạt động trong ngành Năng lượng tái tạo... thì mới có được kỹ năng, được định hướng tốt hơn rất nhiều so khi còn học trong các trường đại học.

Do đó, nhiều sinh viên cho rằng, trường đại học cần phải kết nối với các nhà tuyển dụng để đào tạo theo yêu cầu của họ. Để khi ra trường, sinh viên có thể vào và làm việc được ngay mà không cần phải qua thời gian tự đào tạo và chờ được doanh nghiệp đào tạo lại.