Nhắc đến ngành Đông Phương học, có một câu chuyện cách đây vài năm được giảng viên của một trường đại học ở Đồng Nai chia sẻ vẫn được nhiều sinh viên "truyền tai":
"Một công ty gửi thông tin tuyển dụng nhờ tôi giới thiệu giúp, tôi đã gửi cho cô giáo khoa Đông Phương học ở trường và cô ấy hỏi tôi: "Lương tháng họ trả cho sinh viên bao nhiêu vậy thầy?". Rồi cô ấy bảo: "Nếu dưới 10 triệu thì thầy đừng gửi nhé. Sinh viên ngành em lương tháng dưới 10 triệu là các bạn "chê", gửi cũng chẳng có ai đăng ký đâu ạ.
Chưa ra trường, nhưng các em đã đi làm phiên dịch, làm hướng dẫn viên du lịch hết rồi. Các bạn mới ra trường mà còn dư tiền mang về Khoa để tặng học bổng cho các em sinh viên khóa sau nữa thầy ...". Tôi thật sự rất mừng vì điều đó".
Thầy cho rằng, "chắc bạn sẽ cho rằng, những bạn trẻ trong câu chuyện của chúng tôi "chảnh quá", nhưng nếu bạn có năng lực thì bạn có cơ hội và có quyền được lựa chọn. Tôi tin là như thế".
Vậy, mức lương Đông phương học có thể là bao nhiêu?
Trong những năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất thế giới. Vì thế, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi ngoại ngữ như Anh, Nhật, Hàn được các doanh nghiệp rất quan tâm.
Mức lương của ngành này vì thế cũng cao hơn so với mặt bằng chung. Một trường đào tạo Đông phương học ở TP.HCM khẳng định, sau khi tốt nghiệp sinh viên có rất nhiều lựa chọn, với những vị trí công tác đa dạng do nhà trường giới thiệu và việc làm được đảm bảo với mức lương tối thiểu trong năm đầu tiên đi làm là 120 triệu/năm.
Đông phương học sẽ học những gì?
Đông phương học, cái tên thường được cho rằng khá "kỳ bí" bởi nhiều người lầm tưởng đây là một ngành y học cổ truyền hay lĩnh vực mang tính "âm dương" nào đó. Thực tế, Đông phương học là ngành học nghiên cứu về xã hội và con người ở phương Đông. Đó chính là toàn bộ các nước ở Đông của thế giới bao gồm các nước ở phía Đông Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc…
"Sinh viên được trang bị tiếng Anh lưu loát, đồng thời thông thạo ngoại ngữ phù hợp với chuyên ngành đào tạo như Hàn Quốc, Nhật Bản học hay Trung Quốc".
Theo trình tự từ kiến thức tổng quát đến riêng biệt, chương trình tại nhiều trường đào tạo ngành này đều có những điểm chung như các tiết về nhập môn Đông phương học, quan hệ quốc tế phương Đông, tôn giáo phương Đông và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Sau đó, tùy theo nhu cầu và mục đích học tập sẽ có sự phân ngành khác nhau. Sinh viên được trang bị tiếng Anh lưu loát, đồng thời thông thạo ngoại ngữ phù hợp với chuyên ngành đào tạo như Hàn Quốc, Nhật Bản học...
Ngành Đông phương học ra trường làm gì?
Với vốn ngoại ngữ cũng như kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành này có thể làm trong các tổ chức nhà nước của Việt Nam như: Các cơ quan ngoại giao, văn phòng đại diện nước ngoài, giảng dạy tại các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, các đài phát thanh - truyền hình trung ương lẫn địa phương; Dạy tiếng Nhật, tiếng Hàn tại các trường Đại học, Cao đẳng, TCCN, THPT, THCS, các trung tâm ngoại ngữ, công ty xuất khẩu lao động…
Ngoài ra, cử nhân ngành Đông phương học còn có thể chọn lựa công tác tại Đại sứ quán, Lãnh sự quán các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các công ty du lịch – lữ hành, các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài có trụ sở đặt tại Việt Nam với những vị trí như biên phiên dịch, admin, thư ký, trợ lý, hướng dẫn viên…
Trong khối xã hội, Đông phương học cũng là một trong những ngành có cơ hội du học và việc làm cao.
Điểm chuẩn năm 2020 ngành Đông phương học ra sao?
Tại TP HCM, ngành Đông phương học được đào tạo trong một số trường như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM (24.45 – 24.65 điểm), ĐH Ngoại ngữ – Tin học TPHCM (21.25 điểm); ĐH Văn Lang (18 điểm), ĐH Công nghệ TP.HCM (18 điểm); ĐH Nguyễn Tất Thành (15 điểm); ĐH Gia Định (15 điểm); ĐH Văn Hiến (15 điểm).
Tại Hà Nội, ngành Đông phương học được đào tạo trong một số trường như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội (25.25 – 29.75 điểm); ĐH Đại Nam (15 điểm)...