So với các ngôi trường khác trong hệ thống, trường Mầm non Lá phong xanh cơ sở Ecopark (nằm ở phía Đông Nam Hà Nội cách trung tâm hơn 10km) có lợi thế hơn nhiều về mặt địa điểm. Tuy cơ sở vật của trường không quá rộng, chỉ "nhỏ nhỏ xinh xinh" nhưng lại được bao bọc, che chở bởi thiên nhiên, với cỏ cây hoa lá xanh tươi và một bầu không khí trong lành, không chút ồn ào, khói bụi. Được học ở môi trường như vậy, đám trẻ cũng có nhiều hoạt động dã ngoại hơn hẳn.

Một ngày đi học thật vui và hạnh phúc

Với những đứa trẻ ở Mầm non Lá phong xanh cơ sở Ecopark, mỗi ngày đến trường đều tràn ngập niềm vui, đúng nghĩa vừa học vừa chơi. Khi tôi (PV) đến thăm trường, các em nhỏ đang xếp thành hàng, điểm danh để lên xe điện ra công viên Hồ Thiên nga.

Dưới ánh nắng dịu nhẹ, tiết trời trong lành, đám trẻ vui vẻ nhảy chân sáo ra từng khu nuôi thỏ, chim công, chim bồ câu, dê, gà,... để cho những con động vật nhỏ ăn. Tuy chạy nhảy tung tăng nhưng các em đều ý thức đi thành từng nhóm theo sự hướng dẫn của cô giáo, không chạy lung tung, hay tự ý tách ra ngoài. 

Sự hồn nhiên của những đứa trẻ khiến ai cũng phải bật cười. Có em còn chưa đến chuồng thỏ đã cười tít mắt gọi: "Thỏ ơi, mình đến rồi", hay vừa thấy gà đã xòe tay ra khoe nắm thóc "cho bạn này",... Thấy người lớn đi dạo dọc đường, hay bác nhân viên quét dọn ở công viên, đám trẻ đều hớn hở: "Chào ông ạ, chào bà ạ". 

Một ngày đi học của những đứa trẻ tại ngôi trường cách Hà Nội hơn 10km - Ảnh 1.

Các em nhỏ cho động vật ăn.

Điều khiến tôi ấn tượng nhất, đó là những cô cậu nhóc này tuy còn nhỏ nhưng đã có ý thức an toàn, bảo vệ bản thân rất cao. Khi thấy 2 chú bồ câu tung cánh rồi đậu xuống khu vực gần hồ, một bé gái quay sang bảo bạn mình với ánh mắt rất cương quyết: "Chỗ gần hồ đấy, không được ra đâu, nguy hiểm". Và hai bạn nhỏ dắt tay nhau, đứng lại thật gần cô giáo. 

Lần ra công viên này không phải một buổi đi chơi đơn thuần, mà còn kết hợp cả việc học. Trước đó, đám trẻ đã được học kiến thức cũng như đang tham gia một dự án học tập về các loài động vật. Chuyến đi chơi ở công viên chính là dịp để trẻ có cơ hội thực hành những kiến thức đã học, đồng thời tăng thêm tình yêu với thiên nhiên, động vật. Bên cạnh đó, trẻ cũng được thực hành các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng hoạt động nhóm (di chuyển thành hàng, tuân thủ kỷ luật, nghe theo hiệu lệnh cô giáo đưa ra),...

Ở Lá phong xanh, trẻ nhỏ được học tập qua dự án. Mỗi dự án thường kéo dài trong 6-8 tuần. Trong lúc các bạn mẫu giáo bé đang vui chơi ngoài công viên thì trên sân thượng của trường, các bạn mẫu giáo lớn cũng có một dự án học tập đầy hay ho khác với tên gọi "Em bé trồng trọt trên cánh đồng con".

Những đứa trẻ lần đầu được thử sức ở vai trò nhà nông, được cô giáo phân chia cho những "thửa ruộng" nhỏ chính là những khay xốp đựng đất sẵn. Cô giáo và các "nhà nông nhí" cùng bàn bạc và thống nhất xem nên trồng những loại thực vật gì. Có mảnh đất được trồng lúa, có mảnh trồng rau, lại có mảnh trồng củ quả. 

Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, đám trẻ thoăn thoắt bắt tay vào công việc. Em thì đào đất, em thì cấy lúa, cấy rau,... hoặc cùng nhau tưới nước. Mỗi em đảm nhận một công đoạn, nhiều lúc đám trẻ trông cũng thở hổn hển, mệt ra trò đấy nhưng lại nhanh chóng cười tíu tít khi ngó sang xem thành phẩm của nhau, cũng như hiểu được khái niệm về sự phát triển của thực vật, cấu tạo của rễ cây, sự khác biệt giữa củ, quả,...

Được bắt tay vào thực hành, thay vì được cô cho xem tranh ảnh đơn thuần khiến việc đi học của những đứa trẻ vui hơn bao giờ hết. Trông ai cũng tập trung, hăng say, chẳng mảy may để ý đến nắng gió bụi bẩn! 

Thuyết đa trí thông minh được áp dụng khéo léo, xuyên suốt chương trình học

Chương trình học của Hệ thống Mầm non Lá phong xanh là sự chắt lọc, tổng hòa các phương pháp học tập hiện đại như Montessori, Reggio Emilia và Thuyết đa trí thông minh. Nếu hai phương pháp Montessori và Reggio Emilia phụ huynh đã quen thuộc thì "thuyết đa trí thông minh" mới mẻ với nhiều người hơn và họ chưa hình dung ra thuyết này sẽ được áp dụng vào chương trình học như nào.

Nói về điều này, cô Nguyễn Thị Phương Dung - Tổng hiệu trưởng khối trường – cơ sở mầm non Hệ thống chia sẻ: "Mỗi bạn nhỏ là một cá thể riêng biệt, có đặc điểm tính cách riêng, loại hình trí thông minh khác nhau. Vậy nên chương trình học tập cần phải đáp ứng được sự khác biệt ấy. Nếu các em thể hiện trí thông minh ngôn ngữ thì chương trình học phải có yếu tố đáp ứng về mặt ngôn ngữ. Tương tự, các em có trí thông minh giao tiếp phát triển thì đương nhiên dự án học cũng phải có hoạt động phù hợp,...". 

Như đã nói ở trên, trẻ nhỏ ở Lá phong xanh được học tập qua dự án và với mỗi dự án, giáo viên sẽ khéo léo lồng ghép thêm các giá trị sống, để trẻ có được những bài học thiết thực, cũng như tăng cường trí thông minh. 

Chẳng hạn trước đó, các bạn nhỏ từng được tham gia một dự án về thực vật có tên "Sống sạch để xanh, ăn lành để khỏe". Trong dự án, trẻ được học thêm các bài học về giá trị liên quan đến cảm xúc là tinh thần sống xanh, nghĩ xanh và làm việc xanh. Những điều này liên quan tiếp đến các bài học về trí thông minh tương tác. Từ ý nghĩ xanh sẽ ra được hành động xanh là bỏ rác đúng nơi quy định; chăm sóc yêu thương cây xanh; từ đó hình thành ý thức tôn trọng và chung sống văn minh,... 

Một ngày đi học của những đứa trẻ tại ngôi trường cách Hà Nội hơn 10km - Ảnh 4.

Cô Nguyễn Thị Phương Dung.

Hay trong một dự án khác là "Đại đô thị nhỏ tí" - thầy cô cùng trẻ xây dựng các hoạt động tìm hiểu chính cuộc sống của trẻ ở môi trường thành phố. Cuộc sống hiện đại có nhiều hình ảnh đặc trưng như những tòa chung cư cao tầng, là ô tô, xe máy nườm nượp ngoài đường,...

Tuy nhiên các thầy cô muốn trẻ phát triển những tương tác, xúc cảm mang tính truyền thống của con người Việt Nam, thông qua một hoạt động rất ý nghĩa. Đó là kết nối với hàng xóm - một điều đang bị nhiều người ngó lơ vì bận rộn với guồng quay cuộc sống. 

Với hoạt động này, trẻ sẽ cầm trên tay lá thư giới thiệu của thầy cô, chủ động kết nối với hàng xóm nhà mình. Các em cũng được thực hành các kỹ năng rất cơ bản như "nếu được hàng xóm mời sang ăn cơm thì sẽ cư xử như nào",... Đây cũng là một yếu tố để thầy cô kết nối sâu hơn với các gia đình thông qua bài học của con.

Theo cô Dung, trong chương trình giáo dục của Việt Nam, ở các môn học khác cũng đã phát triển rất nhiều yếu tố như trí thông minh thiên nhiên, trí thông minh toán học, trí thông minh ngôn ngữ,... Nhưng với Lá phong xanh, khi quan tâm đến học thuyết đa trí thông minh thì có 2 điều cần lưu ý, đó là: Phát triển cho trẻ cảm xúc tích cực và biến những cảm xúc tích cực đó thành hành động tương tác ngay trong đời sống xã hội, để biến trường học trở thành cuộc sống.

Kỹ năng sống là yếu tố rất quan trọng trong chương trình học

Khi tôi (PV) chia sẻ lại câu chuyện đáng yêu về hai bạn nhỏ nhắc nhau đừng lại gần hồ với cô Phương Dung, cô giáo không khỏi bật cười và đôi mắt cũng ánh lên niềm tự hào. Cô Dung cho biết, việc nhà trường đồng hành, dạy cho trẻ các kỹ năng phòng tránh tai nạn là rất cần thiết. Bởi môi trường xã hội hiện nay có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

"Chúng tôi thường nói đùa với các con rằng: Con chim muốn sống được phải học bay, con cá muốn sống được phải học bơi, còn con muốn sống được thì chắc chắn phải học kỹ năng sống", cô Dung chia sẻ.

Ở Lá phong xanh, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ là sự đồng hành của cả thầy cô và phụ huynh. Trên lớp, giáo viên sẽ đưa ra những bài học dành cho các con và ở nhà, trong đời sống hàng ngày, phụ huynh sẽ là người đồng hành cùng con. Chính vì vậy, các bài học không chỉ diễn ra trên lớp mà còn kéo ra trong cuộc sống đời thường.

Ngoài ra, thầy cô cũng xây dựng các dự án chuyên sâu về vấn đề an toàn cho các con, chẳng hạn như dự án "Trường học của đại bàng con", với các hoạt động hướng dẫn, làm mẫu cho trẻ và tạo ra các hoàn cảnh thật để trẻ có thể thực hành kiến thức, kỹ năng. Từ đó khi gặp trường hợp này ngoài đời thực, trẻ sẽ biết phải làm gì. 

Cô Dung nêu ví dụ về trường hợp "các con được người lạ cho quà bánh". Khi thầy cô đưa ra lý thuyết, hầu hết các con đều trả lời được nhưng khi tạo hoàn cảnh thật thì mới biết được trẻ nắm vững được đến đâu. Có em khi được người lạ cho bánh, đôi mắt tỏ rõ sự phân vân, "xuôi xuôi" nhưng những bạn cùng lớp đã chạy ra giữ bạn mình lại và khuyên ngăn "Không được đi đâu, cô đã dặn rồi",... Điều này khiến giáo viên không khỏi xúc động vì các em không chỉ biết bảo vệ cho bản thân mình mà còn biết quan tâm, yêu thương đến bạn bè.

Một ngày đi học của những đứa trẻ tại ngôi trường cách Hà Nội hơn 10km - Ảnh 5.

Để trẻ trưởng thành hạnh phúc, sự gắn kết của thầy cô và phụ huynh là điều không thể thiếu

Khi nhắc đến một trong những điều đặc biệt nhất của Lá phong xanh, cô Dung chia sẻ, đó là sự kết nối giữa nhà trường và phụ huynh. Tại Lá phong xanh, phụ huynh thường được nhận những "lá thư mời hợp tác". Đó có thể là lời mời cha mẹ mang đồ dùng đến để con học tập trên lớp, hay lời mời cha mẹ đến tham dự một buổi học tập của con,... 

Thông qua những lá thư mời hợp tác, cũng như gửi thông tin qua ứng dụng liên lạc điện tử hàng ngày, cha mẹ sẽ luôn biết được con mình đang học gì và có thể đồng hành cùng con trong các dự án học. Đây chính là điều giúp trẻ có thêm động lực học tập. Đồng thời, sự kết nối cũng giúp trẻ nhận thấy mình luôn nhận được chăm sóc, yêu thương từ cả nhà trường và cha mẹ. 

Từ đó, trẻ trưởng thành hạnh phúc hơn!