15 năm nay, chị Thái Thị Thanh Huyền (phụ xe trên tuyến xe buýt 14 Bờ Hồ - Cổ Nhuế) bắt đầu ngày mới của mình từ 3 giờ 30 sáng. Bất kể hè hay đông, mưa hay tạnh ráo, cứ giờ đó là chị thức dậy, chuẩn bị đồng phục, buộc gọn gàng mái tóc chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.
Khoảng 4 giờ sáng, chị rời căn phòng nhỏ trong khu tập thể thuốc lá Thăng Long (quận Thanh Xuân) để đến bãi xe của xí nghiệp xe buýt Thăng Long (thuộc Tổng công ty vận tải Hà Nội - Transerco Hanoibus) ở Đền Lừ (quận Hoàng Mai) nhận xe rồi cùng bác tài ngược lên bến (ở bãi đỗ xe Bờ Hồ hoặc Cổ Nhuế) để 5 giờ sáng, chiếc xe bắt đầu đón những hành khách đầu tiên và bắt đầu lộ trình hơn 15 km/lượt của mình.
Chị Huyền đang kiểm seri vé để điền vào "lệnh".
Tờ mờ sáng, xe đã có những hành khách đầu tiên.
Hôm nay, chị Huyền có thêm nhiệm vụ kèm cặp, hướng dẫn nhân viên tập sự.
Chị Thanh Huyền chia sẻ: "Hồi mình mới vào làm, chưa quen, sáng nào cũng gục gặc, đến khi về nhà thấy người vẫn lâng lâng, ngộ lắm! Được vài ngày, một tuần thì thấy bình thường rồi!" Chị tiết lộ thêm: "Mình còn thuộc dạng khỏe mạnh, không say xe đấy. Mình biết có cô bé làm phụ xe tuyến khác bị say, cả tuần liền bị nôn, xe dừng lúc nào nôn lúc ấy, thế rồi đi mãi cũng quen, bây giờ hết cả say xe luôn!"
Mỗi ngày, nếu không phải chạy chuyến tăng cường, người phụ xe buýt nhỏ nhắn với nụ cười tươi rói, thân thiện này phải đi cùng xe khoảng 9 lượt đi về. Khoảng cách giữa mỗi lượt xe chạy là 5 - 10 phút, mỗi lượt kéo dài khoảng hơn 1 giờ, nhưng hôm đông khách, tắc đường hoặc ngập lụt, lộ trình có thể kéo dài đến gần 2 giờ đồng hồ, đồng nghĩa với chuyện, giờ làm việc của tài xế và phụ xe sẽ kéo dài hơn và không còn thời gian nghỉ giữa chừng.
Mỗi ngày, nếu không phải chạy chuyến tăng cường, người phụ xe buýt nhỏ nhắn với nụ cười tươi rói, thân thiện này phải đi cùng xe khoảng 9 lượt đi về. Khoảng cách giữa mỗi lượt xe chạy là 5 - 10 phút, mỗi lượt kéo dài khoảng hơn 1 giờ, nhưng hôm đông khách, tắc đường hoặc ngập lụt, lộ trình có thể kéo dài đến gần 2 giờ đồng hồ, đồng nghĩa với chuyện, giờ làm việc của tài xế và phụ xe sẽ kéo dài hơn và không còn thời gian nghỉ giữa chừng.
Chị Huyền phải kiểm soát số lượng khách…
…kiểm đếm tiền…
…và báo cáo với trạm khi kết thúc một lượt đi.
Làm phụ xe buýt là phải "mắt tinh, chân khỏe, nói ít hiểu nhiều"
Công việc phụ xe, bán vé, với những đồng nghiệp nam đã là vất vả, với các chị còn khó khăn hơn nhiều, bởi áp lực và đòi hỏi về sức khỏe. Có một châm ngôn nghề nghiệp mà những phụ xe buýt, đặc biệt là những "bóng hồng" như chị Huyền thuộc nằm lòng: "mắt tinh, chân khỏe, nói ít hiểu nhiều", bắt nguồn từ thử thách quản lý số lượng khách.
"Phụ xe buýt là những người mắt tinh, chân khỏe"
Những khi vắng khách, chị còn dễ thở…
… còn những lúc xe đông, phải rất nhanh chân, nhanh mắt mới kiểm soát được lượng khách.
Phần lớn thời gian trên xe, "bóng hồng" xe buýt phải đứng.
Những giây phút "chém gió" rất hiếm hoi.
Vất vả trăm bề, vẫn yêu nghề
Nghề phụ xe quả thực rất vất vả đối với nữ giới. Đi đêm về hôm, ăn uống thất thường, ca kíp chẳng kém cánh đàn ông, lắm khi những phụ xe buýt như chị Huyền còn quên cả ngày nghỉ. Với chị, có lẽ những khoảnh khắc buồn nhất là những ngày lễ của phụ nữ như 8/3, 20/10, khi hai bên đường tràn ngập hoa tươi, những nữ hành khách đem lên xe tiếng cười, những bó hoa và quà cáp, còn mình vẫn rong ruổi với chiếc xe. Còn những ngày Tết mà dính vào lịch trực, chuyện ăn Tết sớm, đón giao thừa trên xe cũng không có gì lạ.
Chị Huyền chỉ nhân sự mới cách "soi" vé tháng.
Vất vả từ sáng sớm đến chiều…
…nhưng chị luôn cười tươi.
Với những phụ nữ gắn bó với nghề phụ xe buýt lâu năm như chị Huyền, còn một vấn đề nữa không thể không nói đến, đó là chuyện gia đình. Nếu không có sự chia sẻ, thông cảm của chồng con, gia đình thì họ khó có thể hoàn thành công việc. Mặc dù có 2 ca làm việc (từ 5 giờ - 13 giờ và từ 13 giờ đến 21 giờ), tức là mỗi người có nửa ngày ở bên gia đình, nhưng thời gian để chăm sóc gia đình của những phụ nữ này cũng bị hạn hẹp. Có lẽ vì thế mà những người gắn bó được với nghề lâu thường không nhiều, nhưng ai đã ở lại đều "say" nghề cả.
Chị Huyền cho biết, hồi chị vào làm ở xí nghiệp, có tất cả 10 nữ được tuyển, giờ rơi rụng phân nửa, chỉ còn chị và 3, 4 người nữa còn làm nghề. Chẳng biết có phải cái nghề phụ bus luôn dịch chuyển và bận rộn đã "vận" vào người hay không mà cho tới giờ, đã "trôi" xuống cuối tuổi 30, chị Huyền vẫn chưa lập gia đình.
Sắp qua tuổi "băm" và vẫn độc thân, "bóng hồng" xe bus này vẫn yêu đời, yêu nghề.