Những ngày gần đây, Công an Hà Nội phát đi nhiều thông báo tìm người mất tích. Cụ thể, gần đây nhất, tối 20/2, Công an TP Hà Nội phát thông báo tìm em Nguyễn Thị Quỳnh Trang, đi từ quê ở Hà Nam đến bến xe Giáp Bát (TP Hà Nội), từ chiều 15/2 đến nay chưa về nhà.

Trước đó, ngày 19/2, Công an Thành phố Hà Nội phát thông báo tìm kiếm một cô gái mất tích tại quận Nam Từ Liêm. Theo đó, cơ quan chức năng tiếp nhận tin báo của gia đình chị L.T.T.L. (21 tuổi, ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) về việc không thể liên lạc được với cô gái này. Nạn nhân sau đó được tìm thấy đã tử vong.

Từ các việc trên, nhiều câu hỏi được đặt ra, như thế nào là mất tích và người thân mất tích bao lâu thì nên báo công an?

Một người mất tích bao lâu thì nên trình báo công an? - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, hiện nay, pháp luật không có quy định về khái niệm thế nào là “người bị mất tích”. Tuy nhiên thực tế, người bị mất tích thường được hiểu là người đang trong tình trạng không rõ tung tích, không biết đang ở đâu, còn sống hay đã chết.

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì một người chỉ được coi là bị mất tích khi có quyết định của tòa án tuyên bố người đó mất tích. Tại Khoản 1 Điều 68 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Khi một người biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích".

"Thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng" - luật sư Hùng cho biết.

Cũng theo luật sư Hùng, pháp luật hiện hành cũng không có quy định về thời gian một người mất tích bao nhiêu lâu thì mới được trình báo với cơ quan công an. Do đó, chúng ta có thể căn cứ vào từng tình huống hoặc vụ việc cụ thể để tự quyết định thời điểm trình báo với cơ quan công an sao cho phù hợp nhất.

Đối với những trường hợp đã có những cơ sở nhất định cho rằng một người đã bị mất tích, đặc biệt là khi họ có thể đang gặp nguy hiểm, bị đe dọa về tính mạng, sức khỏe hoặc bị xâm hại đến các quyền lợi hợp pháp khác thì cần nhanh chóng trình báo với cơ quan công an để có thể kịp thời truy tìm, bảo vệ được tính mạng, sức khỏe hoặc các quyền lợi hợp pháp khác cho họ.

Tuy nhiên, để tránh việc trình báo tùy tiện, thiếu chính xác thì trước tiên, mọi người cần bình tĩnh, chủ động áp dụng các biện pháp liên lạc, tìm kiếm nhất định và trong một khoảng thời gian hợp lý. Nếu việc không liên lạc được hoặc không xác định được một người đang ở đâu là có những dấu hiệu bất thường thì mới nên trình báo với cơ quan công an.