Râu ngô với tên gọi khác là râu bắp, lúa ngô, ngọc mễ,... và có tên gọi khoa học là Zea mays L, thuộc họ Lúa (Poaceae) với màu vàng óng (nâu óng) như nhung.
Theo y học hiện đại, râu ngô có chứa dầu béo, tinh dầu, các hợp chất dạng resin, glucoside đắng, saponin, alkaloid, zeaxanthin, xitosterol, myo-inositol, các phức hợp steroid, vitamin A, vitamin K, vitamin B1, B2, B6 (pyridoxin), vitamin K, vitamin C, vitamin PP, các flavonoid, acid pantothenic và nhiều chất vi lượng khác.
Trong Y học cổ truyền, vòi nhụy của râu bắp được sử dụng và đem chế thành nhiều lợi thuốc với những tác dụng tốt đối với sức khỏe nhờ vị ngọt, tính bình; vào can, thận (tỳ vị); tác dụng chữa viêm túi mật, viêm gan và có thể phối hợp với vitamin K để cầm máu.
Râu ngô tươi được cho là chứa nhiều chất dinh dưỡng và có tác dụng tốt hơn râu ngô phơi khô (Ảnh: Minh hoạ)
Và một trong những cách sử dụng râu ngô phổ biến và thuận tiện nhất là pha trà râu ngô hoặc uống nước râu ngô. Theo WebMD và Healthline, râu ngô có thể:
Cải thiện nhiễm trùng đường tiết niệu, lợi tiểu
Nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu thường tăng lên vào mùa hè, đặc biệt là ở nữ giới. Nguyên nhân được giải thích là do thời tiết nóng bức làm tăng mồ hôi và độ ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Trong khi đó, nước râu ngô lại hoạt động như một loại thuốc lợi tiểu (tăng lên từ 3 - 5 lần), giúp ngăn chặn sự tích tụ của vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng bàng quang.
Bài thuốc:
Có thể sử dụng riêng râu ngô hoặc phối hợp với lá bông mã đề để nấu nước uống. Nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm: Râu ngô 50gam (g), lá bông mã đề 30g, đường trắng 20g.
Cách thực hiện như sau rất đơn giản, bạn đem râu ngô và lá mã đề được rửa sạch, sau đó cho chúng vào nồi, thêm nước và đun sôi kỹ. Tiếp theo, thêm đường vào và quấy đều cho tan hoàn toàn và uống dần trong ngày.
Giàu chất chống oxy hoá, phòng ngừa bệnh tật
Chất chống oxy hóa là những hợp chất thực vật có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do và stress oxy hóa gây ra. Stress oxy hóa được biết đến là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh mãn tính bao gồm tiểu đường, bệnh tim, ung thư và viêm nhiễm.
Râu ngô rất giàu chất chống oxy hoá, chất chống viêm giúp ngăn ngừa bệnh tật và viêm nhiễm (Ảnh: Minh hoạ)
Râu ngô lại là một nguồn rất giàu hợp chất chống oxy hóa gọi là flavonoid tự nhiên cùng vitamin A, vitamin C. Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, flavonoid có tác dụng giảm stress oxy hóa và chống lại các gốc tự do gây hại.
Ngoài ra, nhờ đặc tính chống viêm của magie có trong râu ngô, nên râu ngô có thể giúp điều chỉnh một số phản ứng viêm của cơ thể.
Kiểm soát đường máu
Rất nhiều người thắc mắc rằng tiểu đường uống nước râu ngô được không, câu trả lời là có. Râu ngô giúp giảm lượng đường trong máu và kiểm soát các triệu chứng của bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên nếu đang điều trị tiểu đường theo đơn thuốc của bác sĩ, nước râu ngô có thể ảnh hưởng tới dược tính của thuốc và cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống.
Bài thuốc:
Mỗi ngày sử dụng từ 40 đến 50 gram râu ngô để sắc nước uống. Có thể kết hợp thêm các loại thảo dược khác như Thiên môn, cỏ ngọt, tri mẫu, mạch môn để tăng cường hiệu quả.
Hỗ trợ điều trị sỏi thận
Râu ngô chứa một lượng lớn potassium còn có tác dụng "hoà tan" các loại sỏi bàng quang, sỏi thận và sỏi niệu quản có cấu tạo từ urat, phốt phát và carbonat.
Nước râu ngô có thể hỗ trợ điều trị sỏi thận (Ảnh: Minh hoạ)
Bài thuốc:
Nước râu ngô nên được sử dụng với liều lượng từ 20 - 60ml và uống trước bữa ăn khoảng 3-4 giờ.
Để chuẩn bị, bạn lấy 10g râu ngô cho vào 200ml nước sôi, sau đó đun cách thủy trong 30 phút để lấy nước hãm. Nếu bạn muốn sắc nước râu ngô, hãy đun 10g râu ngô với 300ml nước, giữ lửa nhỏ và sôi liu riu trong 30 phút.
Giải nhiệt
Uống nước râu ngô vào những ngày nóng bức có tác dụng giải nhiệt nhờ tác dụng loại bỏ chất lỏng dư thừa và giảm nhiệt độ cơ thể từ bên trong. Râu ngô có thể phơi khô hoặc dùng tươi, kết hợp với mía lau, lá dứa nấu nước uống thay nước lọc.
Ai không nên uống nước râu ngô?
Mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng nếu một người có tiền sử dị ứng ngô hoặc các sản phẩm từ ngô thì không nên sử dụng râu ngô. Dị ứng râu ngô có thể khiến một người bị phát ban da, ngứa da, sưng đỏ da.
Do tác dụng của mình mà râu ngô không nên dùng cùng các loại thuốc bao gồm: Thuốc lợi tiểu, thuốc huyết áp, thuốc trị tiểu đường, thuốc chống viêm, thuốc chống đông máu.
Ngoài ra, nên tránh dùng các thực phẩm bổ sung kali hoặc đang điều trị chứng hạ kali do râu ngô có thể tăng bài tiết kali khiến hiệu quả điều trị kém lại.
Theo Healthline, nếu sử dụng râu ngô ở dạng thực phẩm bổ sung, không nên dùng quá 400 - 450 mg một ngày và nên bắt đầu với liều thấp để đảm bảo cơ thể không có các phản ứng bất lợi mạnh mẽ. Đồng thời không nên tự ý sử dụng thực phẩm bổ sung khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Có nhiều tác dụng của râu ngô chưa chính thức được kết luận nên nếu đang điều trị bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng (Ảnh: Minh hoạ)
Bên cạnh đó, cũng như các loại trà/nước uống khác, không nên thêm quá nhiều đường vào cốc râu ngô của bạn nếu không muốn tăng rủi ro mắc các bệnh béo phì, tiểu đường hay tim mạch do chế độ ăn quá nhiều đường bổ sung.
Vậy uống nước râu ngô hàng ngày có tốt không?
Nhiều người có thói quen uống nước râu ngô hàng ngày thay cho nước lọc, tuy nhiên theo Đông y, người khỏe mạnh không nên uống nước râu ngô quá 10 ngày trong 1 tháng để tránh gặp phải các rối loạn điện giải, tăng đào thải, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như canxi, kali...
Cách nấu nước râu ngô tại nhà
Để nấu nước râu ngô, bạn có thể làm theo các bước sau đây:
- Chuẩn bị râu ngô: Lựa chọn những râu ngô tươi, sạch, không có dấu hiệu của sâu bệnh, nấm mốc hay bị thối hỏng. Đem râu ngô rửa sạch dưới vòi nước lạnh để loại bỏ bụi bẩn và các chất cặn bã.
Nếu râu ngô quá dài, có thể cắt nhỏ thành từng đoạn để dễ nấu hơn. Ngoài râu ngô, bạn có thể chuẩn bị thêm lá dứa, mía,... để thêm hương vị cho nước râu ngô.
- Cách thực hiện: Đầu tiên bạn cần đun sôi một nồi nước, khi nước sôi già, cho râu ngô đã cắt nhỏ vào rồi đun nhỏ lửa.
Đun trong khoảng vài phút, khi thấy nước chuyển sang màu nâu thì tắt bếp, rồi lấy rây hoặc miếng vải mỏng để lọc nước luộc râu ngô và bỏ phần bã râu đi.