Trước đó, ngày 24/10/2024, Thanh tra Sở Y tế tiến hành kiểm tra đột xuất sau khi nhận được phản ánh khẩn cấp từ người nhà của bệnh nhân.

Theo đó, nữ bệnh nhân V.T.B.T., sinh năm 1992, đến phòng khám vào ngày 22/10 với mong muốn bỏ thai. Phòng khám thu phí 5 triệu đồng cho dịch vụ này, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nhân viên phòng khám nhiều lần gây sức ép, yêu cầu người nhà bệnh nhân đóng thêm 17 triệu đồng để “được làm thủ thuật không đau”. Vì không đủ khả năng chi trả, người nhà đã phải gọi điện cầu cứu Thanh tra Sở Y tế TP.

Một phòng khám tái phạm “vẽ bệnh moi tiền” bệnh nhân ngay trên bàn mổ - Ảnh 1.

Phòng khám đa khoa Y học Sài Gòn cố tình tái phạm, vi phạm nghiêm trọng đạo đức hành nghề và chuyên môn kỹ thuật (Ảnh Sở Y tế)

Bên cạnh đó, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân cho thấy nhiều điểm bất thường. Cụ thể, sau khi siêu âm và xác định thai 10 tuần 4 ngày, bác sĩ B.T.T.H của phòng khám đã chỉ định bệnh nhân uống thuốc phá thai nhưng lại ghi trong hồ sơ là “dưỡng thai bằng thuốc Obimin.” Sau hai ngày, bệnh nhân quay lại tái khám và được chỉ định hút thai mà không có cam kết ký tên.

Đoàn kiểm tra xác định phòng khám này đã tái diễn vi phạm, bao gồm vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép và thiếu kiểm soát nhiễm khuẩn. Đặc biệt, các nhân viên phòng khám có thái độ đối phó, không hợp tác và từ chối cung cấp hồ sơ bệnh án cho lực lượng chức năng.

Trong đợt kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế phát hiện phòng khám vi phạm nhiều quy định nghiêm trọng. Trước đó, vào tháng 9/2023, phòng khám này đã từng bị xử phạt 202 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4 tháng do hành vi “vẽ bệnh, moi tiền”. Phòng khám hiện chỉ được phép thực hiện dịch vụ phá thai nội khoa cho tuổi thai đến 7 tuần, nhưng lại tiến hành hút thai cho thai lớn hơn.

Sở Y tế cho biết, Phòng khám Đa khoa Y học Sài Gòn sẽ bị xử phạt hơn 100 triệu đồng, cùng với hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn 4 tháng.

Đối với bác sĩ B.T.T.H trực tiếp tham gia tư vấn và điều trị cho bệnh nhân cũng sẽ bị xử lý hành chính với các lỗi nghiêm trọng như không lập hồ sơ bệnh án theo quy định và chỉ định dịch vụ vì mục đích vụ lợi. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trong thời hạn 3 tháng.

Sở Y tế cho biết hồ sơ vi phạm sẽ được chuyển cho Công an TP.HCM để điều tra làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật khác của phòng khám và các cá nhân liên quan. Ngoài ra, Sở Y tế khuyến cáo người dân khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân nên tra cứu thông tin về kỹ thuật được phê duyệt và bác sĩ hành nghề trên trang web của Sở Y tế TP.HCM. Khi phát hiện phòng khám hoạt động vượt quá phạm vi cho phép, người dân có thể liên hệ Thanh tra Sở Y tế qua đường dây nóng để được hỗ trợ kịp thời.