Ngày 21/10, Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP.HCM) cho biết, tuần qua nơi đây tiếp nhận 2 trường hợp bị biến chứng nặng sau khi uống các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc để trị tiểu đường.
Trong đó, có 1 bệnh nhân đã không còn khả năng cứu chữa vì tình trạng chuyển biến xấu.
Đó là trường hợp của bà Đ.T.S. (67 tuổi). Bệnh nhân có tiền sử 10 năm bị tiểu đường. Gần đây, bà sử dụng 2 loại "thuốc tàu". Một loại là thuốc hạ đường huyết, loại còn lại không rõ thành phần và tác dụng.
Sau khi sử dụng, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng lơ mơ, ngủ gật, đau bụng, huyết áp tụt. Tại BV bệnh nhân không đo được lượng đường trong máu vì đường huyết quá cao. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà S. bị nhiễm toan chuyển hóa rất nặng.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, đặt nội khí quản, lọc máu, bệnh nhân diễn tiến nặng, suy thận, suy hô hấp. Trước tình cảnh không còn khả năng cứu chữa, gia đình đã xin về chờ lo hậu sự.
Bác sĩ Ánh cho biết, thực chất các loại thuốc bệnh nhân dùng có chứa phenformin và metformin, dùng để điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.
Phenformin được thế giới đưa vào sử dụng vào những thập niên 50 của thế kỷ 20.
Đến năm 1963, người ta phát hiện loại thuốc này có khả năng gây biến chứng nhiễm toan chuyển hóa nặng rất cao. Do đó đến thập niên 80, thuốc bị cấm trên toàn cầu.
Thực tế tại Việt Nam loại thuốc này vẫn được sử dụng tràn lan. Nhiều người đem tán loại thuốc này hòa vào thuốc đông y để bán lại cho người dân dưới dạng các viên thuốc tễ, thuốc tàu. Nếu sử dụng không kiểm soát, biến chứng nặng đe dọa tính mạng có thể xảy ra.
Như viên "tiểu đường hoàn" do một công ty nằm ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân sản xuất và bày bán rộng rãi thời gian trước đã bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng sản xuất vì gây ảnh hưởng sức khỏe cho nhiều bệnh nhân.
"Biểu hiện của biến chứng do thuốc phenformin gây ra là đau bụng, đau cơ, yếu cơ, khó thở, mệt, huyết áp tụt. Tỉ lệ tử vong do biến chứng từ loại thuốc này là rất cao. Nhất là trên những người có bệnh nền suy gan, suy thận..." - bác sĩ nói.
Với metfphormin dù được cho phép sử dụng nhưng cũng có khả năng gây nhiễm toan chuyển hóa (tỉ lệ thấp hơn phenformin khoảng 100 lần). Do đó, khi sử dụng cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định bác sĩ.
Trong vòng 1 năm qua, BV đã tiếp nhận khoảng 4-5 ca như trường hợp biến chứng nặng do dùng thuốc đông y chứa phenformin.
Theo BS, thực trạng nhiều loại thuốc bị cấm lưu hành vẫn bị buôn bán tràn lan chứng tỏ có sự kiểm soát về dược lỏng lẻo của cơ quan chức năng.
Do đó, lời khuyên cho mọi người là đừng tự ý chữa tiểu đường bằng các loại thuốc trôi nổi mà phải đến bệnh viện để được can thiệp và xử lý đúng cách.