2 công ty sản xuất bình sữa trẻ em phải đối mặt với các vụ kiện
Tháng 6 vừa rồi, trang Reuters đưa tin, 2 nhà sản xuất bình sữa cho trẻ em là Philips North America và Handi-Craft Company, đã bị kiện theo đơn kiện tập thể đề xuất tại tòa án liên bang California. Lý do là bởi vì họ đã không cảnh báo cho các bậc phụ huynh rằng, một số bình sữa được làm bằng nhựa có chứa polypropylen. Điều này có nghĩa là khi tiệt trùng, chúng có khả năng giải phóng hạt vi nhựa. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với những mảnh nhựa nhỏ có thể ảnh hưởng quá trình tiêu hóa, sinh sản và miễn dịch.
Cụ thể, các bình sữa được đề cập ở đây mang nhãn hiệu Philips Avent và Dr. Brown của công ty Handi-Craft.
Những người tham gia vụ kiện cho biết, cả 2 công ty đều quảng cáo rằng sản phẩm của họ "không chứa BPA" hoặc không chứa Bisphenol A, một chất hóa học có thể rò rỉ ra ngoài khi được đun nóng.
Bằng cách đảm bảo với khách hàng rằng sản phẩm không chứa BPA, các công ty đang tạo ra cảm giác an toàn, không khác gì đánh lừa người tiêu dùng về sự nguy hiểm của sản phẩm. Trong khi đó, các hạt vi nhựa có thể thấm vào chất lỏng chứa trong cốc và chai, đi vào cơ thể trẻ sơ sinh dễ dàng.
Shireen Clarkson, một trong những luật sư đại diện cho nguyên đơn, nói với Reuters: "Khoa học về vi nhựa đặc biệt quan tâm đến sức khỏe trẻ sơ sinh".
Đại diện cho các nguyên đơn, công ty Luật Clarkson (Mỹ) đang yêu cầu bồi thường thiệt hại và đề nghị hình phạt cho các đơn vị sản xuất bình sữa nói trên.
Trước thông tin này, hội chị em bỉm sữa vô cùng lo lắng, nhất là những người đang tin dùng loại bình sữa của những nhãn hàng này. Trên bất kì quốc gia nào trên thế giới, các bậc cha mẹ cho con bú bình đều được phổ biến là hâm nóng sữa mẹ hoặc sữa công thức trước khi cho bé uống. Đó sẽ là một vấn đề lớn nếu bình đựng sữa của con bạn không có khả năng chịu nhiệt.
Vi nhựa có khả năng gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe, nhất là với trẻ em ra sao?
Theo Healthline, hạt vi nhựa có chiều dài nhỏ hơn 5mm. Nó xâm nhập vào cơ thể con người thông qua bao bì nhựa, một số thực phẩm, nước máy và thậm chí cả không khí. Hạt này xâm nhập vào máu, gây ra những tác hại kinh hãi như bệnh tim mạch, ung thư, chứng mất trí nhớ, vấn đề sinh sản.
Hiện nay, ngày càng có nhiều nghiên cứu cảnh báo về tác hại và mức độ xâm lấn của hạt vi nhựa. Vi nhựa được tìm thấy ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, từ nơi sâu nhất hành tinh như khe vực Mariana cho đến đỉnh Everest.
Hạt vi nhựa có thể gây hại cho trẻ sơ sinh bằng cách xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, hít thở, hoặc qua da. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hạt vi nhựa có thể có mặt trong không khí, nước, thực phẩm và đồ dùng hàng ngày. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên có nguy cơ cao ảnh hưởng tiêu cực bởi hạt vi nhựa. Các hạt vi nhựa có thể chứa các chất độc hại như BPA và phthalates, có khả năng gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh và dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài.
Tháng 10/2020, một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Ireland đã kết luận rằng, trẻ sơ sinh bú bình làm bằng nhựa polypropylene (PP) có thể nuốt phải hơn 1 triệu hạt vi nhựa mỗi ngày. Họ đã thử nghiệm 10 loại bình sữa làm từ chất liệu nhựa polypropylene khác nhau và pha sữa theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong quá trình rửa, tiệt trùng bình sữa và pha sữa với nhiệt độ cao, các nhà khoa học phát hiện bình sữa nhựa polypropylene bung ra hàng triệu hạt vi nhựa. Hàng nghìn tỷ hạt thậm chí còn nhỏ hơn là hạt nhựa siêu nhỏ (nanoplastic).
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Ireland cũng nhấn mạnh, họ không muốn điều này khiến các bậc phụ huynh sốt sắng. Họ gợi ý quy trình pha sữa gồm 4 bước để giảm lượng vi nhựa được giải phóng ra như sau:
1. Sau khi tiệt trùng bình sữa, rửa sạch bình bằng nước mát và vô trùng.
2. Luôn pha sữa công thức trong bình không làm từ nhựa.
3. Sau khi sữa công thức nguội xuống bằng nhiệt độ phòng, có thể chuyển sữa vào bình nhựa đã tiệt trùng và rửa nước mát cho trẻ bú.
4. Tránh hâm lại sữa công thức đã pha trong bình nhựa, đặc biệt là bằng lò vi sóng.
Theo tờ Washington Post, trong những năm gần đây, vi nhựa đã được ghi nhận ở tất cả các bộ phận của phổi người, trong mô nhau thai của mẹ và thai nhi, sữa mẹ và máu người.
Nhà khoa học về vi nhựa Heather Leslie cùng các đồng nghiệp của mình (công tác tại Đại học Vrije Amsterdam, Hà Lan), đã tìm thấy vi nhựa trong mẫu máu của 17 trong số 22 tình nguyện viên trưởng thành khỏe mạnh tại nước này. Phát hiện được công bố năm ngoái trên Tạp chí Môi trường Quốc tế, xác nhận điều mà nhiều nhà khoa học đã nghi ngờ từ lâu: Những mảnh nhỏ này có thể được hấp thụ vào máu con người.
Leslie nói rằng, các hạt vi nhựa có thể tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể con người.
Những phát hiện này không hoàn toàn ngạc nhiên. Nhựa có ở xung quanh chúng ta, từ quần áo, mỹ phẩm, đồ điện tử, lốp xe, bao bì và rất nhiều mặt hàng sử dụng hàng ngày khác. Theo chuyên gia, có khoảng 3000 vật liệu nhựa khi bắt đầu nghiên cứu vi nhựa hơn 1 thập kỷ trước nhưng đến nay đã lên hơn 9600. Đó là một con số khổng lồ, mỗi loại có thành phần hóa học và độc tính tiềm tàng riêng.
Chuyên gia cho rằng, có 2 con đường chính xâm nhập vào cơ thể con người: Chúng ta nuốt hoặc hít hạt vi nhựa vào cơ thể.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thực phẩm và nước uống của chúng ta bị nhiễm vi nhựa. Một nghiên cứu ở Ý, được báo cáo vào năm 2020, đã tìm thấy hạt vi nhựa trong trái cây và rau quả hàng ngày. Người ta đã quan sát thấy cây lúa mì và rau diếp hấp thụ các hạt vi nhựa trong phòng thí nghiệm. Sự hấp thụ từ đất có chứa các hạt có lẽ là cách chúng xâm nhập vào sản phẩm của chúng ta ngay từ đầu.
Do đó không có gì khó hiểu khi chúng có thể xuất hiện trong bình sữa nhựa khi tiệt trùng. Theo Consumer Reports, các bậc cha mẹ nên mua bình sữa bằng silicon hoặc thủy tinh cho con dùng, thay vì nghe hay tin vào quảng cáo bất cứ sản phẩm nhựa nào hiện nay.