Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra và dễ dàng lây truyền qua tiếp xúc thông thường. Thế nhưng có rất nhiều người vẫn còn chưa biết cách phòng và điều trị bệnh cúm đúng cách. 

Coi cảm cúm là bệnh thường gặp sẽ tự khỏi

Trong một năm, hầu như ai cũng có mắc bệnh cảm cúm ít nhất 1 lần, chị Minh Huệ ở Hà Tĩnh cũng không ngoại lệ. Đặc biệt, cứ mỗi thời tiết thay đổi là chị lập tức bị sổ mũi, giọng khàn, ngây ngấy sốt và nhức đầu từng cơn. 

Cho rằng đó là bệnh thường gặp, năm nào cũng bị cả chục lần nên chị nghĩ rằng bệnh sẽ tự khỏi và không cần uống thuốc. Thế nhưng, cả tuần sau đó chị thấy bệnh không thuyên giảm, thậm chí khắp người đau ê ẩm, tay chân mỏi vô cùng, đứng không vững chị mới đi khám. Hậu quả là chị phải nằm viện điều trị suốt 1 tuần.

Bác Sĩ Lê Thị Phương Huệ, Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cho biết, mỗi năm người trưởng thành đều bị cúm một vài lần, biểu hiện thông thường là đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, sốt, ho, đau đầu, đau nhức cơ thể...

Nếu không xử lý kịp thời, bệnh sẽ gây biến chứng đối với hệ thống tim mạch, viêm phế quản, viêm phổi, viêm cầu thận cấp tính, tai mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng… Những biến chứng này không chỉ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sức khỏe mà còn đe dọa tính mạng. Vì vậy, khi bị cảm cúm nên kịp thời điều trị và đúng cách.

Đặc biệt là sau khi bị cảm cúm, nếu không chú ý nghỉ ngơi, mầm bệnh rất dễ xâm nhập vào các bộ phận khác, gây nhiễm trùng cơ thể như viêm amidan mủ, viêm xoang có mủ, viêm phế quản do vi khuẩn gây ra, bệnh nhân cũng có chuyển sang bệnh nghiêm trọng hơn như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm thận…

Một số sai lầm chủ quan trong điều trị bệnh cúm 1
Khi bị cúm cần chữa cúm đúng cách. Ảnh minh họa

Uống thuốc cảm vô tội vạ

Trái ngược với chị Huệ, chị Thanh Thủy ở Từ Liêm, Hà Nội lại là người rất “chăm” uống thuốc. Cứ thấy các triệu chứng sổ mũi, hắt hơi, váng đầu… xuất hiện là chị uống ngay thuốc cảm cúm. 

Điển hình lần gần đây nhất, buổi trưa đi nắng, chưa kịp nghỉ ngơi, chị vội đi tắm luôn. Ngay chiều hôm đó, thấy người bắt đầu sốt, khản tiếng, ngạt mũi, người mỏi dừ kèm theo những cơn đau đầu, chị Huệ lập tức lấy thuốc hạ sốt để uống.

Tuy nhiên, uống thuốc cả tuần mà bệnh vẫn không thuyên giảm, chị liền mua thêm thuốc kháng sinh và vitamin về uống kèm. Kết quả bệnh nặng càng nặng hơn, kéo theo tai ù, ho đờm khò khè, mạch đập nhanh. Đển lúc này chị mới đi khám thì chị đã bị nhiễm virus cúm nặng.

Bác sĩ Huệ cho biết, virus cúm có nhiều loại và mỗi loại virus cần có phương pháp điều trị khác nhau.

Rất nhiều người khi bị cảm cúm uống kết hợp liền 3 loại thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, vitamin như chị Thanh Thủy. Tuy nhiên, dùng kháng sinh trong trường hợp này không những không có tác dụng đối với virus cúm mà còn gây nhiều phản ứng xấu.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc cảm với các thành phần và liều lượng khác nhau điều trị những chứng cảm khác nhau. Vì vậy, người bệnh không nên tùy ý uống thuốc và tăng liều lượng, thời gian uống mà nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để tránh tình trạng dùng thuốc quá liều, vô tác dụng. 

Theo bác sĩ Huệ, đối tượng dễ bị cúm là người già, phụ nữ mang thai và trẻ em. Các yếu tố như ngủ ít, làm việc quá sức, bị cảm lạnh, sức đề kháng giảm sút có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, dẫn tới cúm. 

Virus cúm phát triển trong cơ thể có khả năng biến đổi và trở nên nguy hiểm trong khi hệ thống miễn dịch của con người thì không phải lúc nào cũng có thể kháng cự. Vì vậy, người khỏe mạnh nên đi tiêm phòng cúm, tiêm phòng cúm hàng năm sẽ cung cấp sự bảo vệ nhất định trước những mầm bệnh bất ngờ.

Đặc biệt, khi bị cúm cần chữa cúm đúng cách, ví dụ như: uống nhiều nước để đẩy nhanh sự bài tiết chất có hại ra ngoài có thể và kịp thời bổ sung lượng nước đã mất, có thể cải thiện tình trạng bệnh; ăn nhiều hoa quả để tăng vitamin nâng sức đề kháng; chú ý giữ ấm và lưu thông không khí trong phòng; ngủ và nghỉ ngơn để khôi phục sức khỏe rút ngắn thời gian chữa bệnh. 



Dù bạn có tin hay không thì tỏi vẫn có tác dụng giảm nguy cơ đau tim, ung thư, tăng cường hệ miễn dịch và phòng cúm hiệu quả
Một số sai lầm chủ quan trong điều trị bệnh cúm 2