Ngày 6-6, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội công bố giữ thai thành công cho một sản phụ đã bị mang song thai từng bị sảy thai ở tuần 23.
Trước đó, người phụ nữ 28 tuổi được làm IVF (thụ tinh ống nghiệm) và thành công ở lần chuyển phôi thứ 2, với hai phôi thai đậu.
Tuy nhiên đến tuần 23, chị cảm thấy đau lâm râm bụng. Khi tới một cơ sở y tế khám, bác sĩ nhận thấy cổ tử cung vẫn đóng, chiều dài cổ tử cung 32 mm, nên tư vấn chị về nhà theo dõi, chỉ định uống thuốc giảm co, thuốc nội tiết. Sau 1 ngày, chị phát hiện lòi ối ra âm đạo.
Chị nhanh chóng tới cơ sở thực hiện IVF trước đó khám cấp cứu nhưng do vượt quá khả năng điều trị, bệnh nhân được tư vấn chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Tại đây, bệnh nhân được nhập viện khi cổ tử cung đã mở 2-3 phân, chân một bé đã lọt ra ngoài. Sản phụ sinh non một bé và bé mất ngay sau sinh. Các bác sĩ khẩn trương hội chẩn và quyết định giữ thai còn lại.
Bác sĩ Trương Minh Phương, Phó Khoa Sản bệnh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), cho biết trước đây đã có những trường hợp song thai được giữ thai thành công sau khi một thai bị sảy, nhưng với sản phụ này có khó khăn hơn vì bệnh nhân bị tăng huyết áp.
"Sản phụ đã được chỉ định dùng các thuốc điều trị và phác đồ chăm sóc để tiếp tục giữ em bé còn lại trong bụng mẹ. Mỗi ngày trôi qua là một thử thách khi thai nhi còn lại phải đối mặt với tình trạng ra máu, nhiễm trùng và dọa đẩy thai ra liên tục"- bác sĩ Phương nói.
Đến tuần 26, bệnh nhân có dấu hiệu vỡ ối, chảy máu âm đạo. Ở tuần thai 27, sản phụ có dấu hiệu cạn ối và có cơn chuyển dạ, bác sĩ chỉ định dùng thuốc trưởng thành phổi thứ 2 và thuốc bảo vệ não cho thai. Chỉ sau vài giờ, em bé thứ 2 chào đời với cân nặng 800 gram và được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh.
Sau một thời gian được các y bác sĩ, nhân viên y tế tận tình chăm sóc, em bé đã nặng 1700 gram. Hiện sức khỏe hai mẹ con ổn định, trẻ phát triển tốt.
Bác sĩ khuyến cáo mang đa thai sau thụ tinh ống nghiệm có nhiều rủi ro. Người mẹ tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thiếu máu, tăng huyết áp, tiểu đường, băng huyết... Do đó, người mẹ mang đa thai cần khám thai định kỳ, sàng lọc bệnh, không chờ dấu hiệu nguy hiểm mới đi viện, giảm tối đa nguy cơ tai biến.