Bị lừa cưới về làm osin cho "cả ổ nhà chồng"
Trừ bà vợ ra nước ngoài làm osin cho người quen nhiều năm chưa về và cô con gái đã lấy chồng tỉnh khác, nhà ông Chính hiện có 6 người: ông, 3 đứa con trai, cô con dâu út và đứa cháu nội 4 tuổi.
Thu, cô con dâu, trước đây là công nhân, từ khi về nhà chồng thành bà chủ quán bún ốc mà mẹ chồng để lại trước khi xuất ngoại. Quán bán sáng và tối. Thời gian còn lại trong ngày, ngoài việc chợ búa và chuẩn bị hàng họ, Thu lao đầu vào việc nhà, vì là người phụ nữ duy nhất trong gia đình. Những người đàn ông trong nhà không ai động một ngón tay vào bất cứ việc gì, kể cả gấp chăn màn của chính họ.
"Bây giờ thì em cũng chỉ dọn giường cho bố chồng thôi, còn các anh chồng thì đành mặc kệ vậy, vì làm những việc khác đã đủ chết rồi, mà hồi không có em họ cũng có cần gấp đâu, để thế tối ngủ luôn", Thu nói.
Hồi lấy chồng, mọi người đều bảo Thu số đỏ, gái quê, trình độ không có, tự nhiên được làm dâu thị xã, nhà có tiền, mẹ chồng đi vắng, nhà toàn đàn ông nên sẽ thoát được cảnh bị chì chiết săm soi. Đã thế, về nhà họ, cô cũng thoát cảnh làm công nhân, nghiễm nhiên thành bà chủ. Nhưng về sống ít lâu, cô đã nhận ra mình được hỏi cưới gấp như thế là để có người thay thế bà mẹ hầu hạ ông già và 3 đứa con trai sau khi bà đi.
Ông Chính đã nghỉ hưu, hằng ngày chỉ rong chơi với các bạn già. Mấy đứa con ông đều ngoài 30 tuổi, con cả đã 38, tất cả nếu không tốt nghiệp đại học thì cũng cao đẳng, nhưng hiện tại chẳng ai đi làm. Ngày ngày, họ cũng vơ vẩn đi chơi, hết chỗ chơi hoặc say rượu thì về ngủ vùi. Nhiều hôm họ say quá, nôn hết cả ra đệm, sáng hôm sau lại bỏ đó đi chơi, đến khi cô em dâu vào phòng quét dọn mới phát hiện để lôi đồ đi giặt.
Thấy Thu thân gái làm việc quần quật mà cả nhà toàn đàn ông sức dài vai rộng lại chỉ chơi tràn, thậm chí quán đông khách cũng chẳng giúp một tay, Thu phải thuê người phụ, những người xung quanh rất ái ngại. Có người hỏi thẳng Quân, anh con cả: "Này, chúng mày to đùng lực lưỡng lại đi ăn bám em dâu mà không biết xấu hổ à?".
Anh chàng ngạc nhiên trả lời: "Ai bảo bọn cháu ăn bám em dâu? Bố cháu có lương hưu, đưa cái Thu 1 triệu mỗi tháng rồi không nói, anh em cháu thì đã có tiền của mẹ gửi về. Vả lại cái quán bún ốc ấy là của mẹ cháu, cái Thu nó làm nhưng đâu phải của nó, tiền lãi phải dùng chi tiêu cho cả nhà là đương nhiên".
Quân còn lý sự, anh em nhà anh thế là ngoan nhất rồi, chỉ ham chơi thôi chứ chẳng vướng phải tệ nạn gì: không gái gú, không ma túy, cờ bạc, chẳng qua vui thì uống mấy chén rượu, hoặc có vài chục nghìn lẻ thì đánh con đề cho vui thôi. Tóm lại, Thu lọt được vào nhà anh cũng còn may chán, nhiều cô gái quê ham lấy chồng thị xã vớ phải thằng nghiện mà còn bị mẹ chồng chửi tới bến kia.
Mà cũng lạ, trừ cậu út là chồng Thu, 2 anh còn lại chẳng anh nào yêu đương hay tính chuyện cưới vợ. Hồi đầu hàng xóm còn nghĩ họ pê đê, nhưng họ chẳng cặp kè dan díu với gã đàn ông nào theo kiểu tình nhân cả. Bản thân ông Chính cũng chẳng sốt ruột vì chuyện vợ con của các cậu cả. Ai hỏi, ông nói: "Tôi có 1 thằng cháu đích tôn là đủ rồi, mấy đứa kia thích chơi thì cứ chơi, miễn sao thấy đời vui là được, tôi không ép. Mình cái Thu cũng đủ lo việc nội trợ, phục vụ cả nhà rồi".
Được cái là cái gia đình kỳ dị ấy trước giờ chẳng có mâu thuẫn cãi cọ gì. Thu thì tự an ủi là ít ra mình cũng không phải sống cảnh thiếu đói hay bị hành hạ. Nhưng những lúc mệt mỏi, ốm sốt vẫn không được nghỉ, cũng chẳng có ai để tâm sự vì còn thời gian đâu mà liên lạc với bạn bè, đến con tan lớp cũng phải nhờ người phụ việc đón hộ rồi để chơi thơ thẩn một mình. Ai nhắc đến chuyện sinh đứa con thứ 2 là cô sợ: "Em đẻ thì ai hầu các bố ấy cho".
Lấy vợ về chỉ để hầu bố mẹ
Chuyện như nhà ông Chính có thể không nhiều, nhưng hiện tượng cưới một cô gái về nhà chỉ với mục đích chính là phục vụ gia đình trong các việc nội trợ lại cực kỳ phổ biến ở Việt Nam, thậm chí được coi là chuyện đúng đắn.
"Ông bà cũng già yếu rồi, cậu xem kiếm cô nào để cưới về hầu hạ ông bà đi chứ", đó là câu cửa miệng người ta hay nói với những anh chàng muộn vợ khi nhà không có con gái. Và rất nhiều người đàn ông đã cưới vợ mà chẳng cần yêu đương, chỉ tìm hiểu qua loa thấy ngoan ngoãn, chăm chỉ là cưới về để bố mẹ có nàng dâu sớm tối cung phụng.
Anh Cường, người Nam Định, luôn tự hào mình là người con có hiếu, mà một trong các hiểu hiện của lòng hiếu là cưới người con gái bố mẹ nhắm cho mình. Lúc đó Cường 32 tuổi, trước từng yêu vài lần nhưng đều bị phản bội, đâm ra mất lòng tin vào phụ nữ, từ đó không tìm hiểu yêu đương gì nữa.
Anh chỉ lo làm ăn, nhưng nhà neo người, Cường lại đi công tác xa, vì thấy cô quạnh nên bố mẹ giục anh lấy vợ, một là để nhà thêm ấm cúng, hai là có cháu. Cường bảo con chẳng ưng ai, bố mẹ muốn chọn cô nào làm dâu thì cứ quyết, con đồng ý hết. Ông bà già đề cử luôn cô gái hàng xóm tốt bụng vẫn hay qua trò chuyện, giúp đỡ ông bà, tuy xấu người một chút nhưng phúc hậu. Cường OK luôn.
Vợ Cường về đẻ 4 năm 2 thằng cu, ông bà giả trẻ ra mấy tuổi, mặt ngời ngời hạnh phúc. Vợ anh tảo tần, hiếu kính với bố mẹ chồng, một tay lo hết mọi việc nhà. Yên bụng, rảnh chân, Cường càng lấy cớ công việc đi vắng suốt, chẳng mấy khi ở nhà. Cái chính là anh không thích gần vợ, nếu về mà không gần gũi thân mật thì không phải đạo, mà ngược lại thì anh thấy... khó quá.
Thấy vợ trước mặt cả nhà thì tươi cười xởi lởi nhưng khi một mình với chồng chỉ biết thở dài vì tủi, anh cũng thấy tội, nhưng rồi tự nhủ: "Tình cảm mà, không thể ép buộc được".
Tình cảm của anh thì Cường không muốn ép, nhưng anh lại ép một người phụ nữ vốn chẳng nợ tình nợ nghĩa gì anh phải thay anh báo hiếu với cha mẹ, điều nhẽ ra là bổn phận của anh, bằng cái danh nghĩa vợ chồng. Người phụ nữ ấy phải làm dâu mà chẳng thực sự được làm vợ, trong khi chồng cô vẫn tự hào vì mình biết lo cho bố mẹ, đã hy sinh cả sở thích bay nhảy của đời độc thân để cưới vợ cho bố mẹ được vui tuổi già.
Không phải chỉ gái quê mới bị biến thành vật hy sinh, thành "món quà" thể hiện lòng hiếu đạo của đàn ông như vậy. Thanh Trà, người Thanh Trì, Hà Nội, cho biết cô bước chân về nhà chồng một thời gian mới biết, nếu không vì bố mẹ thì còn lâu Việt mới chịu lấy vợ, và sẽ chẳng cưa cẩm cô làm gì.
Việt lâu nay chỉ yêu toàn những phụ nữ mà người đời vẫn gọi là "gái đú", bởi anh không có hứng với những cô kém nhan sắc, hoặc có sắc mà không biết chưng diện, hoặc cũng đẹp, cũng biết ăn chơi nhưng lại "diễn quá lâu cái trò kiêu chảnh, cành cao". Anh thích những cô vừa đẹp vừa máu lửa, thích là "xông vào chén nhau ngay" chứ không có õng ẹo giả vờ "để em suy nghĩ". Những cô này, Việt biết chẳng đời nào có thể làm vợ tốt, mà anh cũng chẳng thích lấy vợ.
Nhưng khi thấy bố mẹ già buồn lòng chuyện hôn sự của mình, Việt nghiêm túc nghĩ mình phải lấy vợ. Thanh Trà được đưa vào tầm ngắm vì hình thức xinh xắn, ngây thơ dễ lừa, và cũng chăm chỉ, đảm đang. Việt tập trung cưa, mấy tháng là đổ, rồi mấy tháng nữa cưới. Thời gian đầu lấy nhau, Trà hạnh phúc vì tình cảm vợ chồng khá mặn nồng, nhưng chỉ ít lâu cô đã khóc khi thấy Việt thích đi chơi với bạn hơn ở nhà với vợ, chuyện chăn gối cũng thưa dần.
Đến lúc có bầu, Việt càng đi chơi dài và không "đụng" đến Trà, lấy cớ bảo vệ thai nhi. Cũng cái cớ đó được đưa ra khi cô phát hiện anh thường xuyên ngủ với những cô gái khác bên ngoài. Tình trạng cũng chẳng khá hơn khi Trà sinh nở xong và lấy lại phom dáng. Việt bỏ lơ cô vợ trẻ, thỉnh thoảng mới "giao ban" lấy lệ. Cô không hiểu tại sao cho đến lúc một bà cô họ chồng vô ý nhắc lại tuyên bố trước đây của anh: "Nó bảo nó cưới vợ chẳng qua là vì bố mẹ thôi, bố mẹ cần dâu cần cháu chứ nó cần gì đâu".
Cứ nói đến chuyện này là Trà lại khóc nức nở. Cô bảo, cô sẵn sàng hầu hạ bố mẹ chồng tận tâm tận lực, coi như bố mẹ mình, nhưng là vì tình yêu với chồng. Còn bây giờ, biết mình bị lừa, bị lợi dụng, bị coi là dụng cụ của người khác, cô đau đớn quá. "Em sẽ ly hôn thôi", Trà quả quyết, "nhưng phải đợi con em đi mẫu giáo và em có việc làm tốt hơn đã".
Những người phụ nữ ở hoàn cảnh Trà luôn tự hỏi, chồng họ lấy họ về rồi thì thanh thản vì đã thực hiện xong nghĩa vụ với mẹ cha, không biết có bao giờ nghĩ cho rằng, để có được sự thanh thản ấy, các anh phải sử dụng cả cuộc đời và cơ hội hạnh phúc của một cô gái vô tội, liệu có ác quá không?