Trang facbook cá nhân có tên Ph.C. chia sẻ dòng trạng thái: "Em ơi mình đi đâu thế" kèm theo hình ảnh chụp cùng cô gái được cho là em Hà Thị Phương Linh (17 tuổi, học lớp 12 trường cấp 3 Bình Minh, Kim Sơn, Ninh Bình) đã mất tích hơn 3 tuần và không có bất kỳ thông tin nào, khiến cho gia đình của nữ sinh này cất công đi khắp mọi nẻo đường tìm kiếm nhưng vô vọng.
Hình ảnh Linh chụp cùng với Ph.C. mới được đăng tải trên trang cá nhân của nam thanh niên
Điều rất lạ, có rất nhiều lời bình luận phía bên dưới dòng trạng thái của Ph.C. có hàng trăm lời bình luận. Thế nhưng thanh niên này không hề có bất kỳ một động tĩnh nào, thậm chí không trả lời cũng không thay đổi dòng trạng thái đã đăng!
Hình ảnh trên FB của Ph.C. không khó để các bạn bè nhận ra mọi chi tiết và khẳng định Linh đang đi cùng thanh niên này, nhiều bạn bè phẫn nộ và lo lắng cho sự an toàn của cô gái mới 17 tuổi và chưa bao giờ được đi xa khỏi cổng làng.
"C. ơi bạn có biết rằng, bao nhiêu ngày qua tất cả mọi người gia đình Linh đổ xô đi tìm và tốn kém biết bao nhiêu tiền bạc không. Tại sao bạn rủ Linh đi mà không nói cho gia định Linh an tâm? Linh là đứa thiếu thốn tình cảm cha mẹ và thiệt thòi do bố mất sớm", một người bạn bình luận.
Tiếp những lời lẽ vô cùng tức giận, một người bạn của C. bình luận: "Thằng mất dạy, bố ung thư ốm 4 tháng nay không hề chăm sóc, bỏ nhà đi với bạn gái. Tại sao cả hai không biết thương bố mẹ. Thật không thể chấp nhận lối sống của chúng bay".
Một bạn gái của Linh thì tỏ ra nhẹ nhàng hơn khuyên bảo rằng: "Bạn có hoàn cảnh thiệt thòi hơn nhiều đứa, chúng tớ luôn ở bên bạn. Mong bạn bình yên và tìm mọi cách để trở về với gia đình. Chứ đi với thằng C. sớm muộn sẽ trở thành thân tàn, hư hỏng".
Mặc dù nhiều ngày nay gia đình lo lắng đi tìm Linh nhưng cô vẫn đang ung dung đi chơi
Khi xem lại hình ảnh trên, anh Nguyễn Viết Ngọc (cậu ruột của Linh) xác nhận đây chính là cháu mình và thanh niên đăng hình ảnh chính là Ph.C. (cùng quê với Linh), đang được hai gia đình và bạn bè truy tìm vì cho rằng C. chính là người dụ nữ sinh bỏ nhà.
Anh Ngọc thất vọng: "Cháu tôi quá thiệt thòi về hoàn cảnh bố mất sớm, mẹ đi làm xa. Giờ chỉ mong cháu về hoặc được biết cháu tôi đang như thế nào. Mới đầu nó còn mở máy điện thoại, đến nay thì tắt hẳn. Còn thanh niên kia chúng tôi cũng không biết ở đâu, công an đã đi xác minh nhiều nơi nhưng không thấy...".
Bố ung thư nhưng thanh niên mới chỉ một lần duy nhất về qua nhà
Anh Ngọc cũng bày tỏ sự lo lắng khi gần như chính xác cháu gái mình đang đi cùng thanh niên cùng quê, bởi Ph.C. bị gia đình liệt vào hạng "bất trị". Bố mang căn bệnh ung thư, mẹ thì ngày đêm còng lưng kiếm từng đồng để lo chữa trị và cuốc sống cho bố. Tuy nhiên thanh niên này duy nhất 1 lần về thăm rồi đi biệt tăm.
Theo tìm hiểu, Linh có hoàn cảnh khá éo le, bố mất mẹ đi làm xa. Linh hiện đang sống trong sự đùm bọc của hai bên nội ngoại. Tuy chưa học xong cấp 3 nhưng mới đây có một thanh niên (không phải Ph.C.) hiền lành đến hỏi để xin cưới. Do cả hai bên gia đình đều ủng hộ thu xếp cho hai người đến với nhau nên dự định khi học hết cấp 3 thì sẽ tổ chức.
Đừng đổ lỗi cho xã hội
Tình trạng các em ở tuổi học trò bỗng nhiên mất tích đã phổ biến ở nhiều địa phương, liên tục báo chí phản ánh nhưng dường như không thuyên giảm. Đặc biệt các em đều là những nữ sinh cấp 3, trong đó nhiều trường hợp mất tích dài ngày nhưng vẫn bặt âm vô tín.
Một thượng tá công tác trong ngành an ninh, từng tiếp nhận hàng loạt đơn trình báo của những gia đình có con em "mất tích", đã chia sẻ với PV rằng: "Cách đây khoảng một thế hệ (chục năm) về trước, không có nhiều vụ mất tích như bây giờ. Tôi nhấn mạnh, không phải bây giờ mạng xã hội phát triển mà phát hiện nên nói nhiều đâu. Mà đó là lối giáo dục, chăm sóc con trẻ hay thanh niên còn được chú trọng thì sẽ hạn chế được tình trạng này".
Vị thượng tá phân tích: "Môi trường gia đình cũng quan trọng, bố mẹ lý tán, hoặc cả hai sống chung không hòa thuận, không gương mẫu dẫn tới việc con cái tiêu cực hoặc noi theo gương xấu. Đặc biệt là các cháu gái tuổi mới lớn rất dễ ảnh hưởng, bởi vì tính cách, sự sĩ diện với bạn bè hoặc sự ăn chơi đua đòi...".
"Tôi nói một ví dụ rất phổ biến thế này: Nửa đêm có một người thân của gia đình có con mất tích đến trình báo, khi xác minh thì biết rằng, người bố đi làm ở Lạng Sơn còn mẹ cũng thuộc dòng buôn bán có số nên ít khi về, ở nhà chỉ có mấy đứa trẻ tự chăm sóc lẫn nhau. Lúc chúng tôi đến và hỏi mấy đứa em ở nhà, chúng đều bảo chị đi chơi 1 tuần, cô giáo đến nhà gọi đi học chúng cháu thấy vậy thì mới báo cho bố mẹ", thượng tá kể.
Vị thượng tá khuyên: "Các bậc phụ huynh hãy quan tâm đến con cái mình. Hãy ‘rào kín’ mọi khe hở của xã hội. Đối với những em có hoàn cảnh éo le thì cần có sự giám sát của những người kế quyền cha mẹ các em và sự quan tâm của các tổ chức địa phương".