Kinh tế suy thoái tại nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ trẻ. Trung Quốc không đứng ngoài làn sóng này.
Trong năm vừa qua, làn sóng sa thải của các doanh nghiệp đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng tại quốc gia tỷ dân. Mặc dù các biện pháp "Zero-Covid" của Trung Quốc đã kết thúc nhưng chúng vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chính sách này là thế hệ trẻ. Thực tế, việc gặp khó khăn tài chính đã khiến họ trì hoãn các quyết định quan trọng trong cuộc đời, và kết hôn là một trong số đó.
Nhân viên công nghệ Grace Zhang (31 tuổi) nhận định nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và số lượng người bị sa thải ngày càng tăng lên. Cũng vì thế, cô không chắc công việc của mình có đủ ổn định để cân nhắc việc lập gia đình trong tương lai hay không. Mặc dù cô đã có bạn trai, song cặp đôi chưa có dự định kết hôn, bất chấp việc cha cô thường xuyên giục con gái nhanh chóng ổn định cuộc sống.
"Sự bất ổn trong cuộc sống như thế này sẽ khiến con người ngày càng sợ hãi trước những thay đổi mới", Grace Zhang chia sẻ.
Số lượng các cuộc hôn nhân ở Trung Quốc đã giảm trong 9 năm liên tiếp. Theo dữ liệu của chính phủ quốc gia này công bố vào tháng 6/2023, có khoảng 6,8 triệu cặp đôi đã đăng ký kết hôn vào năm 2022, mức thấp nhất kể từ khi hồ sơ này bắt đầu ghi nhận vào năm 1986 và thấp hơn nhiều so với con số 13,5 triệu vào năm 2013.
Sang đến năm 2023, mặc dù số lượng cặp đôi đăng ký kết hôn tăng hơn so với năm ngoái, song số vụ ly hôn cũng tăng. Trong quý đầu tiên của năm nay, số cuộc kết hôn tăng 40.000 so với cùng kỳ năm ngoái và số vụ ly hôn tăng 127.000.
Các cuộc khảo sát cho thấy việc hệ thống giáo dục của Trung Quốc bị đánh giá khắt khe đã khiến nhiều người trẻ không muốn sinh con. Bên cạnh đó, khi sự độc lập về kinh tế và trình độ học vấn của phụ nữ thành thị đạt đến tầm cao mới, hôn nhân không còn cần thiết về mặt kinh tế đối với họ. Trong khi đó, nhiều nam giới lại nói rằng họ không đủ khả năng để kết hôn vì áp lực phải sở hữu nhà và xe hơi trước khi bắt đầu hẹn hò.
Peng Xiujian - nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Victoria (Úc) cho biết: "Nếu những người trẻ không có niềm tin vào tương lai, họ sẽ khó tính đến việc ổn định cuộc sống, kết hôn và lập gia đình".
Ở diễn biến khác, nhiều nam giới nói rằng họ trì hoãn kết hôn vì sự thiếu đảm bảo về tài chính. Trong thời điểm chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách một con (đã kết thúc vào năm 2016), lối suy nghĩ muốn sinh con trai của nhiều gia đình đã khiến số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới khoảng 35 triệu người, khiến cho tỷ lệ giới tính của quốc gia này chênh lệch nghiêm trọng.
Xu Xi (30 tuổi) vừa rời một công ty công nghệ đa quốc gia để đầu quân cho một doanh nghiệp nhà nước vào năm nay. Dù lương đã giảm 50%, song chàng trai vẫn kiếm được khoảng 200.000 NDT/năm (~684 triệu đồng).
Sau khi thay đổi công việc, Xu Xi cảm thấy sẵn sàng cầu hôn bạn gái vào năm sau nhưng anh cho biết họ chưa có kế hoạch sinh con vì chi phí nuôi trẻ quá cao. Theo các nhà nhân khẩu học Trung Quốc, Trung Quốc là quốc gia có chi phí nuôi dạy con cái đắt thứ hai trên thế giới sau khi điều chỉnh sản lượng kinh tế bình quân đầu người, sau Hàn Quốc.
Còn với Erin Wang - một nhân viên văn phòng 35 tuổi Trung Quốc cho hay đã kiệt sức vì công việc tư vấn tài chính. Sau đó, cô nộp đơn nghỉ việc và chuyển đến thành phố Thượng Hải để tìm cơ hội. Cô hy vọng Thượng Hải sẽ có đối tượng hẹn hò đa dạng hơn Hàng Châu. Theo Erin Wang, nhiều nam giới tại Hàng Châu cô quen biết chỉ muốn kiếm một người vợ ngoan ngoãn, sẵn sàng hy sinh sự nghiệp để sinh con. Và đó không phải là đích đến của Erin Wang.
Bên cạnh đó, khi nhìn thấy triển vọng của nền kinh tế và sự khó khăn của thị trường lao động, Erin Wang đã tuyên bố: "Tôi không nghĩ mình có đủ tự tin để sinh con ở Trung Quốc".
Nguồn: The New York Times