Mới đây, thông tin Trường THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đưa ra dự thảo tuyển sinh vào trường năm học 2021 – 2022, trong đó dự định cộng 20 điểm xét tuyển lớp 6 cho học sinh có IELTS 3.0 khiến nhiều phụ huynh xôn xao.
Theo đó, trường dự kiến tuyển sinh 280 học sinh khối 6 (8 lớp, mỗi lớp 35 học sinh) với phương thức tuyển sinh gồm tuyển thẳng, xét tuyển. Đặc biệt, với phương thức xét tuyển, trường đưa ra mức cộng 20 điểm cho những học sinh có chứng chỉ Tiếng Anh: TOEFL IBT 450; IELTS 3.0 do những đơn vị khảo thí Tiếng Anh được Bộ hoặc Sở GD-ĐT cấp phép (chỉ cộng 1 lần cho chứng chỉ cao nhất).
Về vấn đề này, chuyên gia giáo dục và phụ huynh nói gì?
Chuyên gia nghiên cứu giáo dục Ngô Huy Tâm, Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế của Phenikaa School: Dùng thang IELTS để đo trẻ cấp 1 là sai về phương pháp
Chúng ta phải hiểu rõ về các thước đo và đánh giá trong giáo dục. Không có thước vạn năng nên mỗi 1 thang đo chỉ đánh giá được một số đối tượng và một số mặt mang tính phiến diện.
Các thang đo có thể đối chiếu sang nhau, như IELTS hay KET PET Cambridge ESOL, hay thậm chí thi tiếng Anh cấp huyện của Việt Nam cũng đều đối chiếu được sang khung CEFR (Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu). Nhưng điều này không có nghĩa là có thể dùng thay thế các kỳ thi với nhau. Vì CEFR là thang mô tả tham chiếu chứ không phải thang định lượng.
Cambridge ESOL được thiết kế làm điểm checkpoint kiểm tra tiến trình tiến bộ của học sinh, nội dung dùng làm ngữ liệu phù hợp với độ tuổi nhỏ, còn IELTS là thang đo ngôn ngữ phổ quát (broad spectrum) dành cho đối tượng di cư, nhập cư, du học, làm việc chuyên nghiệp, nội dung ngữ liệu vượt ngoài phát triển tư duy nhận thức trẻ nhỏ.
Ví dụ, cùng năng lực mô tả là "Nói câu đơn giản", người lớn nói câu "Anh yêu em" là cùng năng lực với trẻ con nói câu "Con thích táo", vậy không thể đánh đồng năng lực với ngữ liệu nội dung. Như vậy về mặt đối tượng, dùng thang IELTS để đo trẻ cấp 1 là đã sai về phương pháp lựa chọn thang đo năng lực.
Còn thang IELTS đo mặt gì? Tóm gọn lại là IELTS chỉ lấy dữ liệu nhỏ (ví dụ dùng 1 bài luận IELTS mấy trăm từ để đại diện cho năng lực tổng thể thì là tương quan đánh giá mức nhỏ) để đo lường năng lực ngôn ngữ Anh một cách phổ quát.
Cái vô cùng tác hại của việc luyện IELTS mà mọi người không nhận ra, đó là nó không đo được, và cũng không có chủ đích thiết kế để đo trí thông minh cũng như sáng tạo hay các năng lực nhận thức tư duy khác ngoài ngôn ngữ của học sinh. Vậy nên đánh đồng điểm IELTS với trình độ tư duy là hoàn toàn sai lầm.
Luyện IELTS từ sớm là làm hại trẻ con do tuổi nhỏ các em cần phát triển năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Đấy là lý do trong môn Language art, Creative writing (viết sáng tạo, viết tự do) luôn được dạy trước khi dạy Academic writing (viết hàn lâm).
Chuyên gia nghiên cứu giáo dục Ngô Huy Tâm
Cái hại mà là tổn thương suốt đời của nhóm trẻ bị ép đọc viết hàn lâm quá sớm là việc suy giảm động lực và hứng thú với việc đọc viết. Nội động lực không còn, chỉ còn ngoại động lực. Trẻ dễ gặp vấn đề tâm lý như trầm cảm hơn khi dựa quá nhiều vào các ngoại động lực.
Cái hại mà là tổn thương suốt đời của nhóm trẻ bị ép đọc viết hàn lâm quá sớm là việc suy giảm động lực và hứng thú với việc đọc viết. Nội động lực không còn, chỉ còn ngoại động lực là thành tích, điểm số, khen thưởng, sự ngưỡng mộ bên ngoài (outside validation) vốn là những thứ không bền. Trẻ dễ gặp vấn đề tâm lý như trầm cảm hơn khi dựa quá nhiều vào các ngoại động lực.
Các chủ đề trong các kỳ thi chuẩn hoá như IELTS chỉ ép trẻ học đối phó với format, còn các khảo sát đều chỉ ra là trẻ không có, hoặc rất ít cảm xúc với cái mình viết. Lâu dần, năng lực nắm bắt tâm lý khán giả khi giao tiếp trong đời thật bị ảnh hưởng nghiêm trọng do quá quen với viết theo dạng đề mà không để tâm đến cảm xúc, đối tượng cần giao tiếp.
Luyện IELTS cũng là một dạng luyện hẹp và nhiều hạn chế nên đừng thần thánh hóa quá chức năng thực tế của thang đo này.
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc: "Phản giáo dục!"
Trước dự định cộng điểm đang gây xôn xao này, nhà văn Bùi Ngọc Phúc (Hà Nội) - một người rất tâm huyết với mảng giáo dục và có nhiều bài viết được phụ huynh quan tâm, cho rằng, nếu chính sách của trường THCS này được nhân rộng, việc mở lớp luyện IELTS cho học sinh từ lớp 1 là có thật. Một vòng xoáy lại bắt đầu không có hồi kết, phụ huynh và các con sẽ phải dành nhiều thời gian và chi phí hơn nữa để chắc suất vào trường.
'Tôi nghĩ việc BGH đề ra quy chế mà không thật sự hiểu chứng chỉ IELTS không phù hợp với bậc Tiểu học. Trong khi có nhiều chứng chỉ tương đương. Phụ huynh nếu không hiểu biết sẽ lôi con đi ôn luyện, đó là sự phản giáo dục.
IELTS là bài luyện cả bốn kĩ năng. Trong đó có những dạng bài về kinh tế, xã hội vượt xa tầm hiểu biết của con. Chính vì thế IDP và Hội Đồng Anh giới hạn độ tuổi thi.
Bậc Tiểu học các con phải đọc thông viết thạo tiếng Việt, hoàn thành được một bài làm Văn theo chủ đề, nắm chắc ngữ pháp tiếng mẹ đẻ, ngoài ra các con phải học và tham gia những câu lạc bộ sẽ phát triển đều hơn... IELTS chỉ phù hợp cho những con bắt đầu học lớp 8, quá trình học và ôn luyện cho đến khi con vào bậc THPT có thể thi lấy chứng chỉ để apply du học, hoặc xét tuyển thẳng vào các trường đại học trong nước.
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc
Ở bậc Tiểu học, các con học tốt môn tiếng Việt và học tiếng Anh ở những giáo trình phù hợp. Ngoài ra các con phải học và tham gia những câu lạc bộ sẽ phát triển đều hơn.
Vài năm gần đây nhiều trường có chính sách tuyển thẳng học sinh có điểm IELTS từ cấp THPT cho tới đại học. Chính vì vậy phụ huynh cho con đi ôn luyện từ rất sớm mà quên đi rằng, IELTS chỉ là một trong nhiều chứng chỉ đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh. Nó không phải là chìa khóa vạn năng. Việc lấy điểm tuyển sinh bậc THCS có điểm cộng là IELTS vượt xa cả suy nghĩ của nhiều người".
Trước đó, bà Trần Thị Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, nhà trường dự kiến đưa ra tiêu chí liên quan đến chứng chỉ Tiếng Anh bởi xét thấy khi các học sinh đạt các mức điểm đó thì cũng đạt trình độ tương đương với việc đạt giải Nhất tại các kỳ thi cấp huyện môn văn hóa.
Theo bà Thu, đây vẫn đang là dự thảo phương án tuyển sinh của nhà trường. Do đó, nhà trường cũng sẽ xem xét các ý kiến của phụ huynh và khi được Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì phê duyệt mới áp dụng chính thức.