
Hãy tưởng tượng bạn thức dậy ở Rome cách đây 2.000 năm, trên dòng sông Nile thời Ai Cập cổ đại hoặc trên những con phố Luân Đôn thời kỳ Cái chết Đen vào thế kỷ 14 - với đầy đủ những cảnh tượng, âm thanh và khó khăn thường nhật chân thực nhất.
Gần đây, những video do AI tạo ra, mô phỏng góc nhìn của một người sống trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, đã trở thành xu hướng trên TikTok.
Dan và Hogne là hai nhà sáng tạo đứng sau các tài khoản POV Lab và Time Traveller POV. Dan, sống tại Anh, chia sẻ với BBC rằng anh thực hiện các video này vì “ý tưởng nhìn về quá khứ qua góc nhìn thứ nhất là một cách độc đáo để làm sống lại lịch sử”. Trong khi đó, Hogne, một chàng trai 27 tuổi đến từ Na Uy, cho biết các video của anh giúp mọi người “khám phá những khía cạnh thú vị của lịch sử và học hỏi điều mới mẻ”.
Dù những video này đã mở ra một cánh cửa đưa hàng triệu người quay ngược thời gian, nhiều nhà sử học vẫn bày tỏ lo ngại về độ chính xác của nội dung. Liệu AI có thể thực sự tái hiện quá khứ, hay chỉ đang tạo ra một phiên bản lịch sử được trau chuốt, hiện đại hóa nhằm thu hút người xem?
Những con phố mờ sương, dân làng ho sặc sụa và tiếng chuông của bác sĩ dịch hạch vang vọng từ xa - tất cả đều xuất hiện trong video được xem nhiều nhất của Hogne, thu hút tới 53 triệu lượt xem.
Video này khơi gợi sự tò mò của nhiều người, nhưng nhà sử học, Tiến sĩ Amy Boyington, lại nhận xét rằng nó “thiếu chuyên môn” và mang tính “giật gân, gợi cảm xúc” hơn là tái hiện lịch sử một cách chính xác. “Nó trông giống như một cảnh trong trò chơi điện tử, một thế giới được tạo ra để trông có vẻ chân thực nhưng thực chất là giả tạo”.
Bà chỉ ra những điểm sai lệch, như hình ảnh các ngôi nhà có cửa sổ kính lớn hay đường ray tàu hỏa chạy xuyên qua thị trấn - những thứ không hề tồn tại vào thế kỷ 14.
Tiến sĩ Hannah Platts, một nhà sử học và khảo cổ học, cũng nhận thấy nhiều sai sót nghiêm trọng trong video mô phỏng vụ phun trào núi lửa Vesuvius tại Pompeii.
“Dựa trên ghi chép của Pliny the Younger - một nhân chứng trực tiếp - chúng ta biết rằng vụ phun trào không bắt đầu bằng dung nham phun trào khắp nơi. Việc không tận dụng nguồn tư liệu lịch sử dồi dào này khiến video trở nên hời hợt và cẩu thả”.

Những video do AI tạo ra về dịch hạch đen và vụ phun trào núi lửa Vesuvius đang gây bão trên TikTok
“Làm sai lệch lịch sử”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Boyington lo ngại về tác động của những diễn giải mang tính nghệ thuật này đối với cách lịch sử được ghi nhận. “Nó có thể trở nên nguy hiểm khi ai đó cố tình bóp méo lịch sử".
Dù phần lớn khán giả hiểu rằng những nội dung này không phản ánh chính xác lịch sử, vấn đề đáng lo ngại là “nhiều bạn trẻ có thể tiếp cận một giai đoạn lịch sử lần đầu tiên thông qua những video này”.
Dan bác bỏ những lo ngại trên và khẳng định rằng video của anh “không được tạo ra để xem như sự thật lịch sử tuyệt đối”: “Tôi luôn khuyến khích người xem tự nghiên cứu thêm về lịch sử nếu họ quan tâm. Tôi coi những video này như một cách khơi gợi sự tò mò về quá khứ, chứ không phải thay thế giáo dục lịch sử thực thụ”.
Hogne cũng cho biết anh cảm thấy “trách nhiệm” khi tạo ra các video này và đang cố gắng nâng cao độ chính xác, “đặc biệt là khi hàng triệu người đang theo dõi chúng”.
Tiến sĩ Platts lo ngại rằng thông tin sai lệch có thể lan truyền mà không được kiểm soát, nhất là khi nhiều khán giả trong phần bình luận dường như không nhận ra rằng các video này không dựa trên dữ kiện lịch sử thực tế. “Chúng ta thấy ngày càng nhiều học sinh sử dụng AI, và điều đáng lo ngại là khi chúng tiếp nhận những nội dung này, rồi sau đó phản ánh lại như thể đó là sự thật”.
Dan khẳng định rằng tất cả video của anh đều được dán nhãn là nội dung do AI tạo ra, trong khi Hogne nhấn mạnh rằng thông tin sai lệch đã tồn tại từ lâu trước khi AI xuất hiện, và “mọi người cần suy nghĩ phản biện về tất cả những gì họ xem”.
Một video được dựng bởi AI
“Có thể mang lại lợi ích to lớn”
Tất cả các nhà sử học mà BBC phỏng vấn đều đồng ý rằng video của Dan và Hogne có những giá trị nhất định.
Tiến sĩ Boyington nhận xét rằng chúng có thể đóng vai trò như một “cánh cửa dẫn vào lịch sử, truyền cảm hứng để ai đó tự nghiên cứu thêm”. Trong khi đó, giáo sư Ai Cập học Elizabeth Frood cho rằng “nếu được thực hiện một cách chính xác và đáng tin cậy, những video này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho công chúng bằng cách khơi gợi sự quan tâm và nhận thức về lịch sử”.
Giáo sư Barbara Keys, chuyên gia lịch sử Mỹ tại Đại học Durham, cũng đã xem qua một video do AI tạo ra mô phỏng cảnh một công nhân làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào ngày 6/4/1986 - chỉ vài tuần trước khi lò phản ứng phát nổ.
Dù nhìn thấy tiềm năng của những video này, Giáo sư Keys gọi đoạn clip về Chernobyl là một “hộp đen”, vì không có bất kỳ thông tin nguồn hay sự minh bạch nào về dữ liệu đầu vào mà AI đã sử dụng.
Bà chỉ ra một lỗi sai nghiêm trọng: hình ảnh lò phản ứng trong video được dựa trên những bức ảnh chụp sau thảm họa, thay vì trước đó. “Điều này khiến mọi người nghĩ rằng công nghệ Liên Xô thực sự tệ hại, trong khi trên thực tế, nó rất tinh vi.”
Bà cho rằng sức hút của những video này ít liên quan đến nội dung lịch sử, mà chủ yếu xuất phát từ sự tò mò của công chúng về khả năng của AI. “Video không có gì quá đặc sắc, cũng không cung cấp thông tin về vụ tai nạn hay những gì xảy ra sau đó, nên sự quan tâm có lẽ đến từ việc AI có thể làm được gì.”
Giáo sư Frood cũng bày tỏ lo ngại về tính chính xác và độ tin cậy của các video, nhấn mạnh rằng bất kỳ nỗ lực tái hiện lịch sử nào cũng cần dựa trên nghiên cứu chuyên sâu và các nguồn tài liệu có thể kiểm chứng. “Chúng ta cần tiếp cận một cách phản biện, vì chúng ta hoàn toàn không biết video này lấy dữ liệu từ đâu hay AI đã sử dụng những thông tin gì để tạo ra nó”.
Bình luận của bà đặc biệt nhắm đến một video mô phỏng cuộc sống của một đứa trẻ tại Ai Cập vào năm 1250 TCN.
Điều đầu tiên khiến Giáo sư Frood chú ý là cách những video này có xu hướng “đồng nhất hóa các nền văn minh cổ đại vốn rất phức tạp”.
“Ai Cập kéo dài hàng nghìn năm, nhưng nhiều người có thể không nhận ra rằng video này chỉ là một lát cắt nhỏ trong lịch sử”, bà giải thích.
Nhìn chung, bà nhận xét video có vẻ “nghiên cứu chưa kỹ lưỡng”, đồng thời chỉ ra một chi tiết sai lệch: trong một cảnh tại trường học, giáo viên đọc chữ tượng hình theo hướng ngược lại - đáng lẽ phải đọc từ phải sang trái.
Hogne, người tạo ra video, thừa nhận rằng có những sai sót lịch sử trong nội dung của mình, giải thích rằng “AI có thể mắc nhiều lỗi, nhưng trong tương lai, các công cụ này sẽ trở nên chính xác hơn”.
“Tôi cố gắng phát hiện lỗi khi có thể, nhưng tôi không phải là chuyên gia lịch sử nên không phải lúc nào cũng nhận ra, đặc biệt là những chi tiết nhỏ”, anh nói thêm.
Khi được hỏi về sự thiếu minh bạch trong nguồn tài liệu, Hogne cho biết anh có thể cân nhắc việc thêm liên kết đến các nguồn thông tin trong tương lai. “Sẽ rất tuyệt nếu có thể làm video chính xác hoàn toàn dựa trên nguồn đáng tin cậy, nhưng hiện tại tôi chỉ có một mình và mất khoảng tám giờ để tạo ra mỗi video”.
Làm thế nào để tạo ra những video này?
Hogne dựa vào Chat GPT để nghiên cứu về một giai đoạn lịch sử, yêu cầu AI cung cấp thông tin về diện mạo con người và cảnh vật thời đó. Sau đó, anh tạo ra hình ảnh ban đầu của một nhân vật đang nhìn ra quang cảnh xung quanh và từ đó “phải chỉnh sửa qua lại rất nhiều để đạt được kết quả ưng ý”.
Dan cho biết mỗi video của anh mất khoảng 4 giờ để hoàn thành. Anh sử dụng nhiều công cụ AI khác nhau để tạo ra hình ảnh chất lượng cao, làm chúng chuyển động và xây dựng âm thanh sao cho chân thực nhất.
Trước khi bắt đầu làm video, anh xem các tài liệu và video về thời kỳ đó để đảm bảo nội dung có “một mức độ chính xác lịch sử nhất định”.
“Bạn phải cung cấp cho AI mọi chi tiết, từ ‘áo choàng truyền thống của người Ý’ đến ‘sàn lát đá cuội’, nếu không AI sẽ tự sáng tạo ra những thứ ngẫu nhiên mà bạn không muốn”.
Nguồn: BBC