Đóng vai những người dân có nhu cầu thu gom khẩu trang, nhiều ngày qua nhóm chúng tôi đã về xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (đây được coi là nơi có nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang nhất của miền Bắc) để tìm hiểu về thị trường giao dịch mua bán.
Đổi đời nhờ đại dịch
Một người bán hàng nước ở khu vực cổng chợ Gia Bình cho hay, nếu không xảy ra tình trạng khan hàng do đại dịch thì mặt hàng khẩu trang thường được bán buôn ở khu vực này. Tuy nhiên, từ khi có dịch Corona bỗng dưng khu chợ tất bật vì đủ mọi thành phần đến để tìm hiểu.
"Dân buôn từ Lạng Sơn, miền Nam cũng có, các lực lượng chức năng cũng tuần tra suốt ngày để kiểm soát. Mới đây một chủ sản xuất (giấu tên) vừa bị phạt 1 tỷ đồng vì găm lại rồi bán. Trước đó có chủ hàng (chúng tôi giấu tên) tranh thủ kiếm được nhiều tỷ. Trong đó có chủ doanh nghiệp bỏ một đống hàng bị lỗi ra bán sang tay cũng được 700 triệu".
Một người buôn bán gần một ki ốt mới bị kiểm tra cho biết, kể từ khi bị lực lượng chức năng truy quét, hầu hết các dân buôn không còn xuất hiện ở chợ, hàng cũng không có mà bán.
Nói xong, người này chỉ cho chúng tôi vào thủ phủ là xã Xuân Lai, tuy nhiên người này cho biết: "Đến đấy cũng không có đâu. Chúng nó toàn đi đêm thôi, mua khó lắm, tưởng mang được ra mà dễ à?. Xe khách ở đây đợi cả hai ngày đi Lạng Sơn đã có đâu, một thùng cả hơn chục triệu".
Khẩu trang vải cũng hiếm
Tại nhà ông B. một cơ sở sản xuất khẩu trang vải gần cổng chào xã Xuân Lai, hình ảnh người ra vào cũng không kém phần sôi động.
Ông B. cho biết, hiện tại giá khẩu trang đang tăng chóng mặt, trước đây khẩu trang bán tại xưởng loại thường chỉ từ 2 đến 3 nghìn đồng. Tuy nhiên hiện tại từ 8 đến 10 ngàn đồng/chiếc, mua số lượng nhiều cũng không giảm.
"Các anh nhìn lên kệ mà xem, trước thì chất đống có ngọn lên tận mái nhà. Bây giờ đặt cả vạn cái, bắn tài khoản trước cũng không có. Vài phút lại có cả chục cuộc điện thoại đặt hàng", ông B. nói.
Theo ông B. từ khi xảy ra dịch Corona, nhiều người ở tận Nam Định hoặc các tỉnh về tìm hiểu, còn ít nào cũng phải vét nốt.
"Giá cả giao dịch chỉ có tăng lên thôi, chả khác gì giao dịch vàng. Hôm nay bán 8 ngàn, mai lại tăng 9 ngàn/cái, em không mua tôi lại bán cho người khác. Thực tế là khẩu trang mình có đủ dùng đâu, chúng nó toàn lấy đi Trung Quốc", ông B. nói.
Vào sâu trong thôn Xuân Lai (xã Xuân Lai), chúng tôi chứng kiến hầu như tất cả các xưởng sản xuất đều khóa trái cửa bên ngoài. Tuy hiên, phía trong đó là những chiếc máy sản xuất đang hoạt động liên tục phát ra những tiếng ồn của máy móc như đang ở một khu công nghiệp.
Tiếp cận với hàng xóm, nhiều người đều cho biết, những ngày này không mấy người tiếp cận được chủ nhà vì lý do "hết hàng".
Chủ tịch xã: "Chúng tôi cũng không mua được"
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Vượng - Chủ tịch UBND xã Xuân Lai cho hay, trong những ngày nay chính quyền luôn cử cán bộ và công an xuống địa bàn để nắm bắt tình hình. Ngoài ra còn có các lực lượng chức năng từ huyện và tỉnh cũng thường xuyên có mặt.
"Khẩu trang khan hiếm từ khi xảy ra dịch Corona, thị trường giao dịch đúng là có sự sôi động như các anh nói. Đến như cán bộ của chúng tôi cũng khó tiếp cận được với chủ cơ sở sản xuất, vì họ luôn khóa cửa với lý do hết nguyên liệu hoặc đi vắng thì cũng đành phải chịu".
Ông Vượng cho hay, nhiều đơn vị tổ chức từ tỉnh lẻ nhờ mua để phát miễn phí nhưng lãnh đạo xã cũng đành bó tay vì không có hàng.
"Ngay hôm qua chúng tôi mua cho hội phụ nữ để phát cho bà con, tìm mọi cách nhưng cũng chỉ được 1 thùng với giá 2 triệu đồng", ông Vượng chia sẻ.
Tiếp theo ông Nguyễn Đình Nam – trưởng thôn Xuân Lai dẫn chúng tôi vào một chủ cơ sở sản xuất, khi lúc này đoàn liên ngành đến làm việc. Tuy nhiên, với lý do người đại diện theo pháp luật đi công tác nên buổi làm việc cũng chỉ dừng lại khi biên bản được lập với sự chứng kiến của những người xung quanh.