Những quả bóng bay bắt mắt được bày bán rất nhiều trước cổng trường, bệnh viện, công viên... là món đồ chơi tưởng chừng rất vô hại dành cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đã có những tai nạn đáng tiếc do những quả nóng này gây nên.
Ảnh: Internet
Đầu năm 2014, anh Nguyễn Văn Nam (40 tuổi trú tại Long Biên – Hà Nội) dùng bật lửa để cắt dây bóng thì bất ngờ cả chùm bóng bay phát nổ khiến anh bị bỏng toàn bộ khuôn mặt.
Chiều ngày 1/7/2015, khoa cấp cứu Bệnh viện Bỏng Quốc gia tiếp nhận 2 trường hợp bị bỏng do nổ bóng bay. Em bé 3 tuổi khi vừa cầm vào quả bóng bay được tặng sinh nhật thì bất ngờ 2 quả bóng phát nổ làm em bị bỏng toàn bộ vùng mặt. Người bà vội ôm để che cho cháu cũng bị bỏng 2 bàn tay và cổ tay.
Gần đây nhất vào ngày 11/02 tại Hà Nội đã xảy ra một tai nạn bất ngờ khi một chiếc bóng bay phát nổ kinh hoàng bên trong xe, khiến cho cửa kính ô tô vỡ vụn, 1 em nhỏ bị bỏng mặt và 3 người khác bị cháy xém cả tóc.
Và chắc chắn sẽ còn rất nhiều tai nạn liên quan đến bóng bay nữa nếu như các bậc phụ huynh không thật sự cẩn trọng trong việc mua bóng cho con mình.
Để quả bóng có thể bay lên thì phải bơm vào bên trong khí heli hoặc hydro. Tuy nhiên vì giá thành khí heli khá cao nên người bán thường thay bằng khí hydro. Những quả bóng được bơm khí hydro sẽ cực kỳ nguy hiểm bởi chất này có khả năng gây cháy nổ cao.
Thử nghiệm bóng bay phát nổ khi tiếp xúc với lửa (Ảnh: Internet)
Khi tiếp xúc với lửa, bóng hydro lập tức sẽ phát nổ, gây ra quả cầu lửa lớn và sẽ mang tính sát thương cực mạnh cho những người đứng gần đó. Quả bóng hydro cũng phát nổ khi ở gần tia lửa điện hoặc dính vào đầu thuốc lá đang cháy.
Rất nhiều người để bóng bay trong một cái hộp, hoặc trong cốp xe hơi, và việc này rất nguy hiểm, những quả bóng có thể gặp vấn đề gì đó và phát nổ bất cứ khi nào. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng bóng bay, nguồn khí bên trong bóng bay rất dễ thẩm thấu ra ngoài qua cuống bóng, chỗ buộc dây. Vì thế khi vô tình khiến cho luồng khí bị đốt nóng, thể tích dãn nở gây ra nổ.
Chính vì thế, người lớn nên cẩn thận khi mua bóng bay cho trẻ nhỏ, tuyệt đối không nên mua bóng bay hydro. Có thể thử bằng cách hỏi người bán hàng hoặc bảo họ bật lửa vào quả bóng. Nếu họ dám làm thì quả bóng đó không bơm hydro.
Nếu cầm bóng hydro, hãy tránh cầm tới những nơi có lửa, đông người, cũng không nên cầm bóng bay ngồi trong xe ô tô, hay để vào cốp xe, bởi vì khi khí hydro phát nổ trong không gian chật hẹp thì sẽ dẫn đến lực tác động cực kỳ lớn.
(Tổng hợp)