Từ tháng 5 đến thàng 10 là mùa nở rộ của quả cóc, loại trái cây luôn được mọi lứa tuổi từ trẻ
nhỏ, học sinh, sinh viên đến người đã có gia đình ưa thích. Tại các đô thị lớn
như TP.HCM, theo thời gian cóc tươi dần ít được lựa chọn bởi vị chua, hạt cứng, khó gọt. Trái lại, cóc
chín cây lên ngôi, rất được ưa chuộng dù giá đắt gấp rưỡi, gấp đôi cóc xanh, và cao hơn nhiều so với giá mua tận vườn.
Những xe cóc chín tràn ngập các tuyến đường trung tâm Sài Gòn.
Một
ngày bán nửa tạ cóc, thu 40 triệu đồng/tháng
Dọc tuyến đường Trương
Định (Q.1) có đến 6-7 xe cóc dạo hoạt động. Vừa gọt cóc bỏ vào hộp, cô Năm (59
tuổi, quê gốc An Giang) vừa nhanh tay mang một hộp cóc khác ra cho khách. Cô kể:
“Hôm nay bán hơi chậm chứ mọi ngày cứ đến trưa là tất cả các hộp trên xe đều hết
sạch, phải gọt liên tục không kịp thở”.
Cóc chín vàng ươm, vị ngọt rất vừa miệng.
Giá mỗi hộp cóc gọt sẵn như vậy là 35 ngàn đồng. Quả cóc tươi giá khoảng 40.000 đồng/kg tuỳ loại lớn hay nhỏ. Sở dĩ phải gọt ra vì khách mua đa phần là dân công sở, tranh thủ giờ nghỉ trưa mua quà vặt nên cần nhanh gọn.
Cô Năm cho biết thêm, trung bình mình bán khoảng 30 kg một ngày, hôm nào đắt có thể lên đến 40 kg. Tính ra mỗi ngày, người phụ nữ này bỏ túi tiền triệu cho việc bán cóc. Nhưng đấy là với những người làm ăn nhỏ lẻ, xe hàng bé. Còn với những người làm ăn lớn hơn, khôn khéo chọn được địa điểm bán hàng cạnh những công ty lớn, nhiều nhân viên thì số tiền thu được mỗi ngày quả thật rất đáng... mơ ước.
Cạnh hàng cô Năm, hai người phụ nữ khác tiết lộ thu nhập từ xe cóc của họ còn “khủng” hơn khi mỗi ngày bán được đến hơn nửa tạ cóc, thu về gần 20 triệu mỗi ngày.
"Da hơi xấu thì bán 50.000 đồng/kg còn trái đẹp, to là 60.000 đồng/kg. Còn tuỳ người mua nữa, nếu thấy là người lao động thì bán rẻ hơn, còn dân công sở, tiền nhiều thì bán đắt hơn một chút. Kiểu bù qua sớt lại đó mà”, một người bán cóc "làm ăn lớn" chia sẻ.
Giá cóc lấy sỉ chỉ
20.000-25.000 đồng/kg, nếu mỗi ngày bán khoảng 40- 50kg, điều này đồng nghĩa xe cóc này thu đến lên đến 40-50 triệu đồng/tháng.
Mỗi ngày người phụ nữ này bán được đến 40-50 kg cóc, thu về số tiền gấp nhiều lần thu nhập dân công sở.
Theo các tiểu thương ở đây thì cóc chín cây có nguồn gốc từ Cần Thơ, được lái buôn mua tại vườn rồi vận chuyển đến các chợ đầu mối để các tiêu thương lấy bán lại. Cóc có màu vàng bắt mắt, vị lại ngọt nên người dân rất thích.
Tuy nhiên, vì cóc chín rất mau hỏng
nên chỉ bán được trong ngày, nếu để qua hôm sau sẽ mềm nhũn và bắt đầu chảy nước.
Do đó bán ngày nào thì họ lấy ngày đó chứ không mua số lượng lớn để tích trữ.
Một xe cóc trên đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3) đón khách liên tục, nhất là tầm trưa.
Ban đầu chỉ có vài xe bán trên một số tuyến đường. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, số lượng xe cóc đã tăng lên tới hàng chục xe phân bổ khắp các tuyến
đường tại trung tâm Sài Gòn. Anh Tám (53 tuổi, quê gốc Sài Gòn) có thâm niên
hơn 30 năm bán cóc cho biết: thời gian đầu bán cũng không chạy nhưng khoảng vài năm trở lại đây các cao ốc nhiều, người làm văn phòng tăng vọt khiến quả cóc cũng được tiêu thụ nhiều hơn.
Anh Tám tiết lộ thêm, trong vụ thì anh bán túc tắc ngày vài chục kg. Đến cuối vụ do có mối quen ở quê, nên anh "găm" hàng sẽ được giá cao. "Lúc đó tôi bán 100 ngàn kg cũng không có ai để cạnh tranh", anh Tám vui vẻ nói.
Đắt
hàng vì sạch sẽ, an toàn
Anh Tám cũng như những
người bán cóc dạo khác khẳng định, ưu điểm vượt trội của cóc chín miền Tây là
không hề bị phun thuốc. “Cóc là loại cây có sức sống cao, chịu được nhiều sâu bệnh
nên chỉ cần bón phân là đủ. Vả lại có đã chín nếu xịt thuốc bảo quản sẽ bị thối
rửa ngay”, cô Năm cam đoan.
Nhờ xe cóc này, cô Năm tích trữ được một số vốn kha khá, có thể tự lo liệu được cho bản thân lúc tuổi già sức yếu.
Do khu vực quận 1 có rất nhiều công ty nước ngoài nên ngoài bán
cho khách Việt, có rất nhiều khách nước ngoài cũng ưa chuộng xe có của cô Năm. “Khách người Indonexia,
Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc... đủ cả, nhưng họ thường ăn tự nhiên chứ không chấm
muối như người Việt Nam mình”, cô Năm cười nói.
Khách mua cóc thường là những phụ nữ công sở...
...nên thường chọn mua theo hộp gọt sẵn, rất ít khách mua cóc tươi, còn vỏ.
Ban đầu, khách thường mua trái còn cả vỏ vì sợ chuyện vệ sinh an toàn thực thẩm nhưng theo thời gian, quan sát những người bán tại đây đeo bao tay cẩn thận, đóng bao bì sạch sẽ nên dần dần việc mua cóc theo hộp trở nên phổ biến. Việc tự mình gọt cóc cũng giúp các tiểu thương tận dụng những trái bị dập một phần để bán kiếm thêm thu nhập.
Cho 2 hộp cóc chín giá 70.000 đồng vào cốp xe, chị T., nhân viên văn phòng một công ty địa ốc cho biết vẫn thường mua cóc tại đường này ăn hàng ngày: “Những lúc tan làm mình tranh thủ tạt vào mua cóc ăn, vừa né kẹt xe vừa giúp xả stress sau 8 tiếng làm việc căng thẳng. Cóc ở đây gọt sạch, vệ sinh đàng hoàng nên rất yên tâm”.
Gọt cóc bằng bao tay để đảm bảo vệ sinh...
... Và xe được che đậy khá cẩn thận tránh bụi bẩn.
Việc các chủ xe cóc dạo
bán đắt hàng, kiếm được khá nhiều tiền cũng kéo theo dịch vụ giữ xe hàng phát triển.
Giờ đây sau giờ bán, cô Năm phải tốn khoảng 500.000 đồng/tháng để gửi xe cóc qua
đêm tại một trường học gần đó:“Ngày xưa có tốn đồng bạc nào. Cũng muốn mang về
nhưng cực quá, với lại quả cóc mang qua mang lại rất dễ hỏng. Nên đành mất thêm vài trăm ngàn gửi gần đỏ đảm bảo hơn”.
Bán cóc chín cây giúp cuộc sống của nhiều tiểu thương được cải thiện rõ rệt.
Chỉ cần một chiếc xe đẩy nhỏ đựng cóc, một thau muối ớt và muối tôm cùng một con dao nhỏ, nghề bán cóc chín lề đường đã mang lại thu nhập khá ổn định cho nhiều tiểu thương. Đây có thể coi là cách kinh doanh đơn giản mà hiệu quả.