Những ngày gần đây, dịch Covid-19 tại nước ta liên tục có diễn biến mới, điều này khiến nhiều người bắt đầu cẩn trọng hơn trong công tác phòng bệnh. Các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, tránh tiếp xúc đám đông... được nhiều người thực hiện chặt chẽ. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách làm đúng, đặc biệt là trong việc đeo khẩu trang.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đeo khẩu trang y tế có thể làm hạn chế sự lây lan của một số bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, chỉ sử dụng khẩu trang thì không thể đảm bảo ngăn chặn việc lây nhiễm. WHO khuyến cáo mọi người nên kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp và tránh tiếp xúc gần, giữ khoảng cách ít nhất 1 mét giữa bản thân và người khác.
WHO cũng khuyên mọi người sử dụng khẩu trang y tế hợp lý, để tránh lãng phí người dân cần biết khi nào mình nên sử dụng khẩu trang và cách sử dụng đúng nhất.
Cụ thể như sau.
1. Khi nào nên dùng khẩu trang?
- Nếu bạn khỏe mạnh, bạn chỉ cần đeo khẩu trang khi chăm sóc người bị nghi ngờ nhiễm 2019-nCoV.
- Bạn nên đeo khẩu trang khi bản thân bị ho hoặc hắt hơi.
- Khẩu trang chỉ có hiệu quả khi kết hợp với việc rửa tay thường xuyên bằng dung dịch rửa tay có cồn hoặc xà phòng.
- Nếu bạn đeo khẩu trang thì bạn cũng phải biết cách sử dụng và vứt bỏ nó đúng cách.
2. Đeo, tháo và vứt bỏ khẩu trang như thế nào là đúng cách?
- Trước khi đeo khẩu trang, bạn nên rửa sạch tay bằng dung dịch rửa tay có dung dịch rửa tay có cồn hoặc xà phòng.
- Đeo khẩu trang cần che kín miệng và mũi, đảm bảo không có khoảng trống giữa khuôn mặt của bạn và khẩu trang.
- Tránh chạm tay vào khẩu trang trong khi sử dụng chúng. Nếu bạn lỡ chạm tay, hãy rửa sạch tay bằng dung dịch rửa tay có cồn hoặc xà phòng.
- Lập tức thay khẩu trang mới nếu nó bị ướt. Chỉ sử dụng khẩu trang y tế 1 lần, tuyệt đối không sử dụng lại.
- Khi tháo khẩu trang: Bạn cần tháo nó ra từ phía sau (chú ý không chạm tay vào mặt trước của khẩu trang); Hãy vứt khẩu trang đã sử dụng vào thùng kín; Làm sạch tay bằng dung dịch rửa tay có cồn hoặc xà phòng.
Nguồn: WHO