Trẻ em có hệ miễn dịch có thể chống lại virus?
Trong mùa dịch COVID-19 đang diễn ra, số ca nhiễm virus ở trẻ em có tỉ lệ thấp. Có nhiều ý kiến cho rằng, trẻ ít bị nhiễm là do hệ miễn dịch có thể chống lại virus. Suy nghĩ này có thể khiến nhiều ba mẹ chủ quan trong việc chăm sóc trẻ em, làm tăng nguy cơ lây nhiễm ở trẻ.
Lý giải về khả năng trẻ em ít nhiễm virus COVID-19, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Do trẻ ít ra ngoài nên được đánh giá sự lây lan không nhiều, chứ không phải là nhờ hệ miễn dịch của trẻ có cơ chế khác biệt".
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cũng cảnh báo: "Hiện nay, tỷ lệ trẻ nhiễm virus Covid-19 ở mức thấp là một điều đáng mừng, bởi vì trẻ không tự ý thức được như phải rửa tay, che miệng hay chạm vào người khác hoặc những hành động có thể làm lan truyền virus. Vì thế chúng ta không nên chủ quan, thoải mái để trẻ ra ngoài mà không có các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa. Nếu virus COVID-19 lây truyền chủ yếu ở trẻ em, sẽ thật sự là thảm họa. Cần phải dự phòng, tất cả mọi người đều phải được phòng ngừa và thực hiện biện pháp phòng ngừa như nhau".
Không đổ xô đi mua vitamin tăng sức đề kháng
Trong tình hình dịch COVID-19 này, làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch cho con là vấn đề khiến nhiều phụ huynh trăn trở. Thậm chí nhiều người còn đổ xô đi mua các loại thuốc tăng sức đề kháng cho con uống. Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh giải thích việc tăng sức đề kháng là việc phải làm liên tục, lâu dài chứ không phải bây giờ có dịch mới nghĩ cách tăng sức đề kháng.
Thay vì cho con uống thuốc, vitamin tăng sức đề kháng, ngoài các biện pháp phòng ngừa quan trọng như đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách, việc bố mẹ cần làm là:
1. Hạn chế ôm hôn trẻ
Những hành động như ôm ấp, hôn trẻ có thể khiến trẻ dính phải các giọt bắn nước bọt từ người mang mầm bệnh, dù họ chưa có biểu hiện phát bệnh như ho, sốt. Cho nên cha mẹ cần hạn chế tối đa các hành vi cưng nựng, ôm ấp, hôn hít trẻ, từ chính mình và từ cả người ngoài.
2. Khử khuẩn, vệ sinh đồ vật và môi trường sống của trẻ
Để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho trẻ em, cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh nơi trẻ sống. Nơi sinh hoạt của các bé phải được tiệt trùng, lau chùi thường xuyên. Bên cạnh đó, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của bé, những vị trí nhiều người chạm vào như tay nắm cửa bằng cồn hoặc dung dịch kháng khuẩn để loại bỏ tối đa các loại virus, vi khuẩn bám vào cũng là việc cần làm.
Nhất là trẻ nhỏ thường cầm nắm đồ vật, đồ chơi vào miệng thì việc vệ sinh, tiệt trùng đồ chơi càng phải làm thường xuyên.
3. Tăng cường cho trẻ bú mẹ
Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu cũng là một trong những biện pháp rất có giá trị quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh.
4. Tiêm vắc xin đầy đủ
Tiêm vắc xin phòng bệnh cũng là một cách kích hoạt chủ động hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nên tiêm phòng ngay từ nhỏ các bệnh hay lây nhiễm và nguy hiểm cho cơ thể trẻ em như cúm, sởi, phế cầu, viêm màng não...
5. Ăn uống đủ chất, đặc biệt cho trẻ uống nhiều nước ấm
GS TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trẻ em có cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh nên trong thời điểm dịch bệnh này, càng phải chú ý chế độ sinh hoạt ăn uống hợp lý để đảm bảo nền thể lực và miễn dịch thật tốt.
- Nhắc nhở trẻ uống nhiều nước ấm.
Bên cạnh duy trì lịch sinh hoạt điều độ thì cha mẹ cần nhắc nhở trẻ uống đủ nước, uống nhiều nước ấm. Đây là việc đơn giản nhưng nhiều người lại quên thực hiện.
Không ít trẻ nghỉ học ở nhà mải chơi, xem tivi, điện tử nhiều mà ngủ nghỉ không đúng giờ, đúng giấc khiến cơ thể mệt mỏi. Khi uống không đủ nước, máu và các dịch tiết sẽ bị cô đặc, do vậy các tế bào miễn dịch của cơ thể sẽ gặp khó khăn hơn khi di chuyển. Uống đủ nước còn giúp thải sạch các chất cặn bã trong cơ thể qua nước tiểu.
- Bổ sung các thực phẩm giàu protein: trứng, thịt, cá...
- Tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc....
- Bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ.