Giá trị dinh dưỡng của trứng cút
Trứng cút có thành phần dinh dưỡng dồi dào, bao gồm vitamin A, cholesterol, phốt pho, kali, sắt trong trứng cút cao hơn trứng gà gấp 5 lần. Thêm vào đó, trứng chim cút cũng rất giàu các chất như đồng, coban, niacin và các axit amin thiết yếu.
Ngoài ra phải kể đến hàm lượng vitamin nhóm B ở trứng chim cút vô cùng phong phú, đặc biệt là vitamin B2 - chất phụ trợ cho quá trình sinh hóa của cơ thể con người. Loại chất này góp phần “xúc tiến” cho quá trình phát triển của cơ thể đang trong giai đoạn dậy thì, trưởng thành đạt đến độ hoàn thiện.
Trong Đông y, trứng và thịt chim cút luôn được xem là thực phẩm bổ dưỡng và có giá trị chữa bệnh cao. Trứng cút có tác dụng điều kinh bổ huyết, làm đẹp da, ngăn ngừa thiếu máu tiền sản và sau sinh cho phụ nữ mang thai, được xem là loại thực phẩm giúp tăng cường tuổi thọ.
Trứng cút có thành phần dinh dưỡng dồi dào hơn trứng gà. (Ảnh minh họa: Internet)
Trứng cút có thành phần dinh dưỡng dồi dào hơn trứng gà. (Ảnh minh họa: Internet)
Lợi ích sức khỏe trứng chim cút
Theo BS Nguyễn Liên (Bệnh viện Bạch Mai) các loại trứng đều có những giá trị dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không nên ăn quá nhiều trứng. Mỗi người nên ăn lượng vừa phải, với người lớn không quá 5 quả/tuần, thanh niên không nên ăn quá 7 quả/tuần bất kể loại trứng nào cũng thế.
Với trẻ nhỏ, việc ăn trứng cút rất tốt bởi hàm lượng mỡ phốt pho trong trứng chim cút rất cao, kích thích quá trình phát triển đại não của trẻ.
Mới đây, một nghiên cứu của Anh khẳng định trứng chim cút là "viên thuốc bổ não của tự nhiên". Loại trứng này chứa lecithin và cephalin cao hơn từ 3 đến 4 lần so với trứng gà thường. Đây là các chất dinh dưỡng thiết yếu cho hoạt động thần kinh, bổ não. Trứng cút còn có lượng vitamin D phong phú. Các nhà khoa học từ Đại học Manchester thực hiện nghiên cứu trên hơn 3.000 người đàn ông, phát hiện những người có hàm lượng vitamin D cao trong cơ thể thì có trí nhớ và khả năng xử lý thông tin tốt hơn.
Phân tử dinh dưỡng của trứng cút khá nhỏ, dễ hấp thu và sử dụng hơn trứng gà. Mức cholesterol của trứng cút cũng thấp hơn trứng gà, cụ thể khoảng 515 mg cholesterol trong mỗi g trứng cút, trong khi đó ở trứng gà là 585 mg.
Phân tử dinh dưỡng của trứng cút khá nhỏ, dễ hấp thu và sử dụng hơn trứng gà. (Ảnh minh họa: Internet)
Phân tử dinh dưỡng của trứng cút khá nhỏ, dễ hấp thu và sử dụng hơn trứng gà. (Ảnh minh họa: Internet)
Nhóm nghiên cứu khuyên người lao động trí óc nên ăn từ 5-6 quả trứng cút mỗi ngày, tốt nhất là hấp hoặc luộc để đảm bảo lượng dinh dưỡng tối ưu.
Không những thế, trứng chim cút giàu chất sắt mà sắt là khoáng chất rất cần thiết, không chỉ tăng khả năng miễn dịch mà còn giúp oxy hóa các cơ quan, mô và bộ phận cơ thể. Sắt cũng thúc đẩy sự hình thành hồng cầu. Trứng cút có chứa kali, rất tốt cho máu với những người thiếu máu.
Bên cạnh đó, trứng cút có công dụng làm đẹp ít người biết đó là tác dụng trong việc làm dịu da khi bị cháy nắng. Theo nghiên cứu, người Trung Quốc và Ai Cập đã sử dụng trứng chim cút trong việc làm dịu da khi bị cháy nắng và các vùng da bị viêm hay sưng. Trứng chim cút có khả năng tạo cảm giác dịu mát khi thoa lên các vùng da bị thương tổn như mụn chàm, cháy nắng giúp da có sự đàn hồi và hạn chế bỏng rát.
Trứng cút có công dụng làm đẹp ít người biết đó là tác dụng trong việc làm dịu da khi bị cháy nắng. (Ảnh minh họa: Internet)
Trứng cút có công dụng làm đẹp ít người biết đó là tác dụng trong việc làm dịu da khi bị cháy nắng. (Ảnh minh họa: Internet)
Những trường hợp không nên ăn trứng
Người bị cảm sốt: Những người đang bị sốt nên hạn chế ăn trứng vì sẽ làm nhiệt lượng cơ thể tăng lên, không phát tán ra ngoài được. Người mới khỏi bệnh không nên ăn trứng sống, kể cả trứng chim cút vì có thể có kháng khuẩn xâm nhập.
Trẻ bị tiêu chảy và trẻ dưới 1 tuổi : Với trẻ nhỏ, hệ tiêu hoá làm việc kém nên chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong trứng rất khó khăn gây quá tải. Cho trẻ ăn trứng ở thời điểm này cũng dễ gây dị ứng và khó tiêu hóa. Trong thời điểm này các mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn trứng chim cút và các loại trứng khác.
Bên cạnh đó trứng cút lộn cũng rất tốt cho sức khỏe, nhiều người hay cho trẻ nhỏ ăn các loại trứng này bởi dễ ăn. Tuy nhiên, với những trẻ dưới 5 tuổi thì không nên ăn do sự chuyển hóa các chất của hệ thống tiêu hóa chưa kiện toàn dễ gây sình bụng, tiêu chảy… Còn đối với trẻ từ 5 - 12 tuổi, lúc đầu chỉ nên ăn 1 - 2 quả trứng cút lộn mỗi ngày, không nên ăn liên tục trong thời gian dài.