Theo PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, có một tỉ lệ cao người nhiễm SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng (khoảng 40%-50%), gây khó khăn trong việc giám sát.
Không lơ là, chủ quan
Thời gian qua, Việt Nam đã làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, nhưng việc không tuân thủ các quy định phòng dịch của một cá nhân đang cách ly khiến cho TP HCM lại có 3 ca mắc tại cộng đồng. Điều này cho thấy nếu chỉ lơi lỏng phòng dịch là dịch có thể có nguy cơ quay trở lại.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia dự báo dịch Covid-19 có thể kéo dài hết năm 2021 nên Việt Nam cũng như các quốc gia, vùng lãnh thổ luôn phải ở trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cảnh báo, tình hình dịch bệnh trên thế giới đang phức tạp, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh MERS-CoV và một số bệnh lưu hành như bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), sởi, bạch hầu vẫn gia tăng tại nhiều quốc gia, các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát và xâm nhập vào Việt Nam.
Các cơ sở y tế kiểm soát thân nhiệt người tới khám bệnh để phòng chống Covid-19
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đã có tình trạng người nhiễm SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng, trong khi đó bệnh dễ dàng lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với nguồn bệnh với thời gian ủ bệnh từ 2-7 ngày, thậm chí lên tới 14 ngày.
"Mặc dù dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ xuất hiện ca bệnh mới vẫn hiện hữu. Do vậy có thể nói những tháng mùa đông xuân cuối năm 2020, đầu năm 2021, là không thể chủ quan khi tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt bệnh Covid-19 vẫn chưa có vắc-xin dự phòng" - chuyên gia Bộ Y tế cảnh báo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, cần tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, xử lý, khoanh vùng, không để dịch bùng phát lan rộng.
Tiêm chủng phòng bệnh
Dự báo, trong mùa đông - xuân cuối năm 2020, đầu năm 2021, điều kiện thời tiết lạnh ẩm là rất thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và các dịch bệnh khác như SXH, TCM, sởi… Các chuyên gia cho biết hiện vẫn khó kiểm soát dịch SXH vì chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tại Việt Nam, số ca mắc ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, cứ 5-10 năm có một đỉnh dịch.
PGS-TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết tình hình SXH năm nay tăng đột biến so với năm ngoái, đặc biệt từ tháng 8 và tăng cao điểm vào tháng 10, tháng 11 do thời tiết thay đổi chuyển mùa và mưa nhiều thuận lợi cho muỗi sinh sôi.
Từ tháng 10 đến nay, số ca nặng phải nhập viện tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trung bình 10-20 ca/ngày, số ca khám điều trị ngoại trú từ 30-50 ca/ngày. Nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì có biểu hiện nặng như xuất huyết nội tạng, sốc, có các bệnh nền phối hợp hoặc cơ địa đặc biệt như người già, phụ nữ có thai.
Ông Phạm Hùng, Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết mùa đông xuân, những bệnh thường gặp chủ yếu là bệnh lây qua đường hô hấp như: cúm mùa, sởi, ho gà, bạch hầu, rubella, thủy đậu... Nhiều bệnh đã có vắc-xin dự phòng nên người dân cần chủ động đưa con trẻ đi tiêm vắc-xin, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Theo ông Hùng, thời tiết lạnh, ẩm thuận lợi cho các vi khuẩn bệnh truyền nhiễm phát triển, mùa đông lạnh khiến cơ quan hô hấp dễ bị tổn thương hơn, càng thúc đẩy vi khuẩn, virus xâm nhập. Cách đơn giản dễ thực hiện nhưng hiệu quả phòng bệnh cao là thực hiện việc đeo khẩu trang và vệ sinh cá nhân. Rửa tay thường xuyên giúp ngăn ngừa rất tốt các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo khi nguy cơ dịch Covid-19 vẫn luôn thường trực, người dân luôn nhớ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K (khẩu trang; khử khuẩn; khoảng cách; không tụ tập và khai báo y tế) và cài đặt ứng dụng Bluezone.