Loại miến tẩy trắng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán, các mặt hàng như bánh kẹo, măng khô, bún miến... là thứ được bà nội trợ tìm mua nhiều nhất. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm cuối năm là câu chuyện miến tẩy trắng lại là chủ đề được mọi người quan tâm. Bởi lẽ, quy trình sản xuất miến ở nước ta còn khá thủ công. Để miến trắng đẹp, ngon mắt hơn, nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng hóa chất để tẩy trắng miến.
Cách đây vài năm, một phóng sự do ANTV thực hiện đã lật tẩy quá trình sản xuất miến bẩn tại Dương Liễu, Hoài Đức. Bột làm miến được ngâm trong các thùng phi rỉ sét, ố vàng... Trong quá trình phơi khô, miến được bày la liệt trên mặt đất, dưới cánh đồng, lề đường, thậm chí bờ mương - nơi vi khuẩn, bụi bẩn tập trung rất nhiều.
Theo người bán tiết lộ, miến thường được tẩy trắng để phù hợp với thị hiếu khách hàng. Nếu muốn làm miến màu trắng thì cần kết hợp nhiều loại, bao gồm thuốc tẩy trắng của Ý, bột thuốc tím và axit loãng...
Các hóa chất này không chỉ giúp cho miến được trắng đẹp mà còn góp phần giúp miến được dai ngon hơn. Người bán chia sẻ: "Làm mà không có tẩy acid và thuốc tím thì miến bở lắm, phải có chất tẩy miến mới rửa sạch được chất bẩn. Nó như là xà phòng giặt quần áo".
Thực tế, quy trình sản xuất miến nhuộm màu hoặc tẩy trắng như thế này không phải lần đầu được phát giác. Trước đây, dư luận từng thảng thốt trước những thông tin làm miến bẩn tại Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội). Theo một chủ sản xuất miến tại đây, màu gốc của miến "xịn" thực tế là màu trắng đục, còn những màu khác đều là màu nhuộm.
Những người bán ở đây không bao giờ sử dụng chính loại miến mình sản xuất ra, thậm chí phải đặt riêng một loại miến không tẩy rửa, không phẩm màu để sử dụng.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), việc các cơ sở sản xuất sử dụng hóa chất để làm trắng miến không phải là chuyện mới. Những chất này khiến người ăn phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc mãn tính, khi chúng tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ tạo điều kiện để bệnh ung thư hình thành.
Đáng nói, ngày nay trên thị trường không chỉ có miến tẩy trắng mà còn có miến nhuộm hóa chất, mang màu vàng trông vô cùng bắt mắt. PGS Nguyễn Duy Thịnh đánh giá rất có thể người bán đã sử dụng bột sắt để nhuộm màu vàng cho miến. Nếu như bột sắt được tinh chế tinh khiết sẽ không gây độc, nhưng nếu loại bột này còn tồn đọng ô xít sắt thì hoàn toàn có thể khiến người ăn bị nhiễm độc kim loại như chì, thủy ngân. Những chất độc này rất khó kiểm soát và gây hại cho người sử dụng, gây tổn thương gan, thận, hệ thần kinh…
Mua miến ăn Tết dứt khoát đừng chọn loại có dấu hiệu này vì dễ là miến tẩy trắng
1. Miến vụn nát, khô giòn
Miến tẩy trắng đã qua hóa chất nên dễ bị vụn nát, khô giòn, các sợi miến không đều hay dính vào nhau.
Sợi miến nguyên chất 100% sẽ có độ trong, quánh, thơm và sạch. Các sợi miến nhỏ, độ dài đều nhau, suôn thẳng.
2. Miến nhanh nát
Miến đã qua hóa chất dù có màu đẹp, giòn dai nhưng để lâu nhanh nhũn, sợi bết lại.
Miến sạch sẽ dai, nấu lên để lâu cũng không bị nát.
3. Miến có màu trắng khác lạ, không có mùi thơm tự nhiên
Miến sạch có màu trắng đục, xám đen. Ngược lại, miến tẩy hóa chất sẽ có màu trắng tinh.
Cũng vì đã được ngâm tẩm quá nhiều chất tẩy trắng, chất nhuộm màu nên sợi miến khi ăn sẽ không cảm nhận được vị thơm ngon tự nhiên của nguyên liệu, mà thậm chí còn có mùi hôi lạ, mùi hóa học do dư lượng hóa chất tạo nên.