Mua mứt tết, được... giấy vụn! 1
Anh Quang bóc 1 gói mứt Tết ghi trọng lượng 600g, nhưng mọi người hết sức ngỡ ngàng bởi bên trong hầu hết là... giấy vụn.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Qúy Tỵ, thị trường bánh, mứt tại TP Lào Cai đang bước vào những ngày sôi động. Bên cạnh những cơ sở kinh doanh quan tâm đến chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lại có không ít các cơ sở kinh doanh, nhất là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tỏ ra coi thường sức khỏe người tiêu dùng.

Theo chân Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh đến kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh hàng bao gói sẵn. Sau khi Đoàn kiểm tra thủ tục giấy tờ, chúng tôi kiểm tra mặt hàng bao gói mà cơ sở này kinh doanh. Anh Quang, cán bộ Đội Quản lý thị trường tỉnh bóc cho đoàn xem một gói mứt tết có trọng lượng ghi trên nhãn là 600g.

Sau khi bóc gói mứt, mọi người trong đoàn hết sức ngỡ ngàng bởi bên trong hầu hết là giấy vụn. Anh Quang lấy mứt được xếp trên một lớp mỏng của bề mặt đem ra cân, trọng lượng của mứt không có vỏ giảm xuống còn 300g. Vậy là người tiêu dùng đã bị móc túi 300g còn lại.

Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ cũng như hóa đơn, chứng từ về sản phẩm mứt Tết trên thì chủ cơ sở chỉ trả lời qua loa là nhập từ Hà Nội chứ không biết chính xác nguồn gốc từ đâu.

Đây chỉ là một trong nhiều cơ sở móc nối với những cơ sở sản xuất mứt Tết thủ công làm mứt không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng là mứt Tết, nhưng khi chúng tôi bóc thử sản phẩm của những thương hiệu có tiếng trên thị trường như Kinh Đô, Hữu Nghị... thì trọng lượng bên ngoài bao bì ghi bao nhiêu, bên trong khi cân lên vẫn đúng vậy.

Theo khảo sát của chúng tôi, ngoài một số cửa hàng lớn và các siêu thị, nhiều loại mứt, hoa quả sấy khô được bày bán tại các chợ và một số cửa hàng thực phẩm không niêm yết xuất xứ. Các sản phẩm này thường được đựng trong túi bóng to và bán theo kg. Có khoảng hơn 20 loại hoa quả khô: Táo, mơ, nho, đào, hồng, đậu sấy… với đủ màu sắc được đựng trong túi bóng to hoặc được đóng gói sẵn vào bì, nhưng không thấy ghi hạn sử dụng, thành phần, nơi sản xuất, xuất xứ, công bố chất lượng sản phẩm… Nếu người tiêu dùng có hỏi thì được nghe các câu trả lời khác nhau, lúc là hàng có xuất xứ từ Hưng Yên, Vĩnh Phúc, lúc thì ở Hà Nội…

Mặc dù thời gian gần đây, các sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo Trung Quốc đã được hạn chế, nhưng lượng hàng hoa quả sấy khô có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn “thẩm thấu” qua nhiều cách vào chợ và được gắn mác hàng Việt Nam để bán giá cao hơn. Có một số loại mứt dẻo màu sắc rất sặc sỡ, bắt mắt, nhưng chữ in ngoài bao bì bằng tiếng Trung Quốc hoặc hoàn toàn không có bất cứ một thông tin nào. Hơn nữa, cùng một sản phẩm nhưng giá mỗi nơi mỗi khác và chênh lệch rất đáng kể. Đó là chưa kể đến chất lượng của những sản phẩm này.

Trước tình trạng trên, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng hãy chọn sản phẩm chất lượng của những thương hiệu uy tín trong nước, không nên vì giá rẻ mà mua hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.