Mới đây, chuyên gia bất động sản Giang Huỳnh đã có những chia sẻ về câu chuyện người trẻ mua nhà tại TP Hồ Chí Minh: "Nếu không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình, mức thu nhập tối thiểu cần có để mua nhà là từ 30-45 triệu đồng hàng tháng. Đây được coi là mức có thể tích lũy được một khoản tiền trả trước và trả thêm lãi ngân hàng".
Trên thực tế, nhiều người trẻ cũng chia sẻ rằng việc sở hữu nhà tại TP Hồ Chí Minh ngày càng trở nên khó khăn khi thu nhập không "theo kịp" mức độ tăng giá của BĐS.
Lương 20 triệu/tháng gần như không thể mua nhà ở TP Hồ Chí Minh
Thu Nguyệt (24 tuổi, làm trong lĩnh vực truyền thông) từ một vùng quê ở Đà Nẵng vào TP Hồ Chí Minh để học tập và làm việc đến nay đã được 5 năm. Với thu nhập khoảng 15 triệu/tháng, cô bạn gần như không nghĩ đến chuyện mua nhà. "Bởi vì việc chi trả cho cuộc sống hiện tại, mình còn phải chắt chiu. Khả năng tài chính của mình không cho phép nghĩ đến chuyện mua nhà rồi trả tiền lãi ngân hàng mỗi tháng".
Theo Thu Nguyệt, thu nhập trung bình của người trẻ hiện tại khoảng 10-15 triệu đồng, trong khi đó BĐS tại TP Hồ Chí Minh vẫn có mức giá "trên trời", gần như không thể nào mua được. "Nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, người trẻ rất khó mua nhà vì thông thường đến năm 30 tuổi mới có thể đạt được mức lương 30-40 triệu/tháng, trong khoảng thời gian đi làm đó cũng khó tiết kiệm được số tiền lớn đủ mua đứt nhà. Mặt khác, từ khi ra trường đến năm 30 tuổi, giá đất và nhà có thể tăng nhanh, không chỉ dừng ở 3 tỷ mà còn tăng lên 8 - 10 tỷ".
Đồng quan điểm với Thu Nguyệt, Thùy Anh (33 tuổi, kế toán) tính toán với thu nhập 20 triệu/tháng, cô bạn chỉ có thể tiết kiệm tối đa 10 triệu/tháng tức 120 triệu/năm. Như vậy, để có ít nhất khoản 1 tỷ đồng để trả trước sau rồi vay thêm cũng phải mất đến 9 năm, đây là con số chưa tính đến đồng tiền rớt giá.
Bên cạnh đó, Thu Hường (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cho rằng nếu muốn căn hộ 2,5 tỷ đồng, thu nhập phải duy trì khoảng 40-45 triệu đồng/tháng trong nhiều năm. Với thu nhập đó, 25 triệu chia ra quỹ tiết kiệm, và trả nợ mua nhà, như vậy mới đảm bảo an toàn tài chính. Song với tình trạng "bão sa thải" như hiện nay, việc có thể duy trì thu nhập 40 triệu/tháng khá thử thách.
Tuy nhiên, cô bạn 25 tuổi vẫn cho rằng sẽ có những người đủ tài chính để mua đứt nhà ở TP Hồ Chí Minh. "Ngày nay, không thiếu bạn trẻ với năng lực cao, chăm chỉ kiếm tiền, buôn bán kinh doanh thì không phải là không thể. Nhưng để làm được việc đó thì phải cần có năng lực và cả sự may mắn nữa".
Mua nhà ở ngoại ô rẻ hơn nhưng vẫn không phải là lựa chọn tối ưu
Trên thực tế, theo Savills, thị phần căn hộ từ 2-3 tỷ đồng tại TP HCM rất ít, chiếm dưới 20% thị phần nguồn cung hiện tại và chủ yếu tập trung ở khu vực ngoại ô. Một số người cho rằng việc dịch chuyển ra sống ở xa trung tâm thành phố có thể giải quyết bài toán mua nhà, song người trẻ lại có quan điểm khác biệt.
Hiện nay, Thùy Anh vẫn có mong muốn sẽ làm việc ở trung tâm. Mua nhà cũng cần phục vụ công việc, không phải gặp khó khăn trong di chuyển nên cô bạn vẫn muốn sống tại trung tâm thành phố. "Nếu ở ngoại ô, mình nghĩ chắc là lúc về già, khi không còn suy nghĩ kiếm tiền".
"Mình đồng ý là mua nhà tại ngoại ô sẽ rẻ hơn nhưng như vậy sẽ phải đi làm rất xa. Điều đó có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý và cách mình thư giãn sau giờ làm. Do vậy, mình sẽ không lựa chọn mua nhà ở ngoại ô ở tuổi này. Nhưng nếu là độ tuổi lớn hơn, khi công việc đã ổn định mình có thể làm online, mình sẽ chọn mua nhà ở ngoại ô", Thu Nguyệt chia sẻ.
Mua nhà không phải mục tiêu duy nhất để kiếm tiền
Ngoài ra, đối với một số người trẻ, mua nhà là một trong những cột mốc tài chính phải đạt được. Song, giá nhà tăng cao khiến họ mất động lực cố gắng. Trong câu chuyện này, Thu Hường vẫn muốn sở hữu dù giá BĐS đang tăng cao, tuy nhiên, cô bạn không đặt nặng áp lực nhất định phải mua nhà. "Mình hiện tại đang sống cùng bố mẹ. Mình nghĩ rằng kế thừa lại căn nhà của gia đình cũng đã là có nhà, không nhất thiết phải tự mua đứt một căn nhà".
Thu Nguyệt chia sẻ rằng dù khả năng mua nhà ở TP Hồ Chí Minh khá xa vời nhưng ngoài mua nhà ra thì còn nhiều mục tiêu tài chính khác để nỗ lực gia tăng thu nhập. Chẳng hạn, có một khoản tiết kiệm để phòng khi bị bệnh và các mục tiêu kinh doanh sau này.
"Hiện tại mục tiêu nhỏ của mình là ở nhà thuê và tiết kiệm tiền cho việc kinh doanh và đầu tư trong tương lai. Việc ở nhà thuê sẽ giúp mình gia tăng khoản tích lũy khá nhiều. Có thể khi đã đạt được những mục tiêu này, mình sẽ nghĩ đến việc mua nhà. Tùy vào từng thời điểm, ban đầu có thể đặt những mục tiêu nhỏ sau đó khi đã đạt được nó, chúng ta có thể mơ lớn hơn".