"Mua vé máy bay du lịch hè giống như một canh bạc"
CNN đã nhận định như vậy về tình trạng hoãn, hủy hàng trăm chuyến bay tại Mỹ và châu Âu trong những ngày vừa qua.
Mùa du lịch hè đã bắt đầu tại nhiều nước trên thế giới, nhưng từ Mỹ đến châu Âu, việc có được một chiếc vé máy bay cũng không có nghĩa là hành khách có thể tận hưởng kỳ nghỉ của mình, bởi dù họ có mua chiếc vé đó với giá cao ngất ngưởng thì cũng có khả năng chuyến bay bị hủy vào phút chót.
Chỉ riêng ở Mỹ trong hai ngày cuối tuần đầu tiên của tháng 7, đã có hơn 1.500 chuyến bay bị hủy. Hãng hàng không Delta Air Lines đã chứng kiến lượng hành khách tăng chưa từng thấy, thậm chí còn cao hơn so với trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Nguyên nhân là do người dân Mỹ đã quá háo hức được quay trở lại cuộc sống bình thường, khiến lượng du khách nghỉ hè, đặc biệt trong dịp Quốc khánh Mỹ 4/7 tăng vọt.
Trong khi đó, thời gian đại dịch bùng phát đã có quá nhiều nhân sự có kinh nghiệm bị sa thải hoặc tự nguyện nghỉ việc, khiến các hãng hàng không, sân bay và các bộ phận quan trọng khác của hệ thống hàng không đã không kịp tuyển đủ những người có năng lực để thay thế. Để đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ, nhiều hãng hàng không ở Mỹ buộc phải cắt giảm từ 100-150 chuyến mỗi ngày.
Nhà ga số 3 của sân bay Copenhagen, sau khi các phi công thông báo họ sẽ đình công nếu xung đột trong công việc không được giải quyết trong ngày 2/7/2022 - Ảnh Reuters
Tại châu Âu, tình cảnh hoãn hủy chuyến bay cũng xảy ra thường xuyên. Tại sân bay Arlanda gần Stockholm, Thụy Điển, chị Kajsa đã mua vé cho chuyến bay đến Split, Croatia để gặp gỡ bạn bè, nhưng sự hỗn loạn ở sân bay khiến chị căng thẳng.
Chị Kajsa bức xúc: "Tôi rất bực mình với tình trạng này, chắc phải mua vé chuyến khác thôi chứ không biết đến bao giờ chuyến bay đến Croatia của tôi mới khởi hành".
Nguyên nhân khiến các sân bay châu Âu rơi vào cảnh hỗn loạn là công đoàn đình công, dẫn tới thiếu lao động. Công nhân ngành hàng không châu Âu muốn được tăng lương nhiều hơn trong bối cảnh lạm phát khiến họ không thể sống nổi với mức lương hiện tại.
Ông Hakim Mehadj - Công nhân ngành hàng không Pháp nói: "Đã 5-6 năm mà lương của chúng tôi không tăng. Với cuộc sống sau đại dịch, giá xăng tăng, giá các mặt hàng thiết yếu không ngừng tăng, chúng tôi yêu cầu tăng lương".
Trong tuần này, hãng hàng không Đức Lufthansa đã phát đi một thông báo bằng email cho các hành khách rằng, khó có thể cải thiện được tình hình trong ngắn hạn và dự đoán mọi sự sẽ chỉ dần ổn định vào mùa Đông tới.