Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Gia Lai vừa ra quyết định tạm giữ hình sự Trần Thị Minh Thư (sinh năm 2005, trú tại xã Tân An, huyện Đak Pơ) để điều tra về hành vi giết người.
Trước đó, do có mâu thuẫn trong quá trình bình luận, chia sẻ bài viết trên mạng xã hội, ngày 6/3, Trần Thị Minh Thư, nhắn tin cho Phan Nguyễn Ngọc Hân (lớp 11A6, Trường THPT Nguyễn Trãi, thị xã An Khê) để hẹn gặp nói chuyện.
Hiện trường xảy ra vụ việc. Ảnh: CACC
Đến khoảng 20h30 cùng ngày, Thư và Hân rủ thêm nhóm bạn của mình, đến điểm hẹn tại Hội trường 23/3 (thị xã An Khê). Sau đó, đổi sang điểm hẹn tại khu vực phường An Bình, thị xã An Khê.
Tại đây, Thư và Hân xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát với nhau. Lúc này, Thư dùng dao giấu sẵn trong người đâm nhiều nhát vào người Hân khiến Hân tử vong. Sau khi gây án, Thư đến Công an thị xã An Khê đầu thú. Được biết, Thư 19 tuổi, cũng là nữ sinh, đang học lớp 12 tại huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai.
Qua theo dõi vụ việc, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, việc dùng dao giấu sẵn trong người đâm nhiều nhát vào người khác khiến nạn nhân tử vong là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Do đó, hành vi của nữ sinh này đã cấu thành “Tội giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
“Tùy vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm mà người phạm tội này sẽ có thể phải chịu các loại và mức hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”- luật sư Hùng phân tích.
Ngoài ra, theo ông Hùng, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm. Đồng thời, khi phạm tội thì nữ sinh này đã 19 tuổi (trên 18 tuổi) nên sẽ bị xử lý và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với người đã thành niên phạm tội.
Ngôi trường nơi Phan Nguyễn Ngọc Hân đang theo học
Theo luật sư Hùng, vụ việc này một lần nữa là tiếng chuông cảnh báo về vấn nạn bạo lực học đường, đây vẫn đang là vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về cả thể chất và tinh thần, tác động xấu đến quá trình học tập của các em học sinh, kể cả các học sinh thực hiện hành vi bạo lực. Đặc biệt, các vụ việc bạo lực học đường xuất phát từ việc các em mâu thuẫn với nhau trên các diễn đàn, trang mạng xã hội đang có xu hướng gia tăng.
Để giải quyết vấn nạn này thì các cơ quan chức năng, các nhà trường, các gia đình và toàn xã hội cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tính nguy hiểm của bạo lực học đường, có sự quan tâm, quản lý và giáo dục, truyền thông, tuyên truyền cho các em cách phòng tránh, cách xử lý và bảo vệ mình trước các hành vi bạo lực học đường.
Trong đó, các em cũng cần phải được trang bị các kỹ năng trong việc tham gia và sử dụng mạng xã hội, để tránh phát sinh các mâu thuẫn, biết cách bảo vệ mình khi bị bắt nạt, đe dọa hoặc xâm hại trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, theo luật sư Hùng, chúng ta cũng không thể để các em học sinh cảm thấy “cô độc”, rồi chọn cách im lặng, chịu đựng hoặc tự tìm cách giải quyết khi phải đối mặt với bạo lực học đường.
Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng, các nhà trường và các gia đình cũng phải có những kiến thức, quy trình, biện pháp giải quyết đúng đắn và hiệu quả các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, để không chỉ bảo vệ được các em học sinh mà còn thật sự trở thành điểm tựa tin cậy, để các em sẵn sàng chia sẻ, gửi gắm niềm tin khi phải đối mặt với bạo lực học đường.