Bất ngờ khi con dậy thì sớm

So với bạn bè, bé N.H.M 6 tuổi (ở Ba Đình, Hà Nội) có chiều cao vượt trội. Vợ chồng chị T đã rất mừng vì điều đó, nhất là khi con chỉ trong 6 tháng đã cao thêm 8cm. Tuy nhiên, hơn một năm nay thấy con có biểu hiện vú 2 bên to lên, vợ chồng chị đã đưa con đi khám.

Tại bệnh viện, bé M được thực hiện các xét nghiệm đánh giá hormone nội tiết; chụp X-quang tuổi xương; siêu âm vú, ổ bụng, tử cung vòi trứng để tìm những bất thường. Kết quả xét nghiệm các hormone hướng dục (LH huyết thanh, Prolactin, Estradiol, FSH, TSH) và chẩn đoán thăm dò chức năng cho thấy, bé dậy thì sớm so với tuổi. Nhận được kết quả chứng bệnh của con, vợ chồng chị đã vô cùng lo lắng.

Mừng con cao thêm 8cm chỉ trong... 6 tháng, cha mẹ lại bàng hoàng vì chứng bệnh con gặp phải - Ảnh 2.

Trẻ dậy thì sớm đối diện nhiều nguy cơ. Ảnh BVCC

Trực tiếp thăm khám và điều trị cho bé M, BS Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi (BVĐK Medlatec cơ sở 2) cho biết, đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Trẻ bước vào tuổi dậy thì khi còn quá nhỏ là nỗi ám ảnh của không ít bậc phụ huynh. Bé trai được gọi dậy thì sớm khi phát triển đặc tính sinh dục trước 9 tuổi và với bé gái là 8 tuổi hoặc có kinh nguyệt trước 9,5 tuổi. Sau khi thăm khám, bé M đã được các bác sĩ tư vấn điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, luyện tập và đồng thời tư vấn những lưu ý cho phụ huynh khi trẻ bắt đầu dậy thì.

Theo BS Ngọc, những năm gần đây tỷ lệ bé gái dậy thì sớm gia tăng. Nguyên nhân dẫn tới trẻ dậy thì sớm có rất nhiều như yếu tố di truyền, nội tiết, môi trường sống, chế độ ăn uống, điều kiện sống trong gia đình,… và các bệnh lý khác của cơ thể. Trong đó, nguy hiểm hơn cả là dậy thì sớm xuất phát từ u não, u ác tính tuyến sinh dục,…

Điều cần làm để trẻ không dậy thì sớm

BS Ngọc cho rằng, với bé gái dậy thì sớm có nguy cơ bị lạm dụng tình dục rất cao. Thậm chí, có thai ngoài ý muốn hoặc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên là rất dễ gặp phải khi chưa có kiến thức đầy đủ, không được trang bị kiến thức về tránh thai và bảo vệ bản thân. Những biến đổi sinh lý trên cơ thể lúc này sẽ gây nhiều hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng tới tâm lý về sau của trẻ. Bởi vậy, cha mẹ càng cần phải quan tâm hơn để nhận biết sớm dấu hiệu dậy thì ở trẻ và có phương pháp giáo dục trẻ phù hợp nếu dậy thì sớm.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi trẻ dậy thì sớm thường có các dấu hiệu điển hình là trẻ tăng tốc độ phát triển chiều cao, xuất hiện trứng cá với số lượng ít hoặc trung bình. Ở bé gái có biểu hiện phát triển tuyến vú, ngực to, từ 25-30% bé có kinh. Ở bé trai biểu hiện dương vật lớn, vỡ giọng.

Ngoài ra, trẻ cũng có những biểu hiện khác như tâm lý bất ổn, có xu hướng quan tâm tới bản thân, hay so sánh mình với những bạn cùng tuổi khác. Đặc biệt, trẻ hay mơ mộng, lý tưởng hóa đặt ra những mục tiêu không thực tế, chưa có khả năng kiểm soát bản thân.

Để tránh những nguy hiểm với trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế kiểm tra hoặc thực hiện các xét nghiệm các hormone hướng dục để kiểm tra vấn đề dậy thì sớm ở trẻ. Trên cơ sở đó, các bác sĩ sẽ đưa ra hướn xử lý tốt nhất. Nhiều bố mẹ khi biết con dậy thì sớm lại tự dùng thuốc can thiệp để giảm quá trình dậy thì ở trẻ. Việc lạm dụng thuốc "kìm" sự phát triển này sẽ vô cùng nguy hại với trẻ.

Điều quan trọng hơn là cha mẹ cần quan tâm trẻ trước tuổi dậy thì, đặc biệt cần dạy trẻ tự ý thức được việc theo dõi, chăm sóc bản thân. Việc thường xuyên quan tâm, giao tiếp với trẻ sẽ giúp trẻ không ngại ngùng mà tâm sự với bố mẹ, hoặc tham khảo ý kiến của người lớn khi cơ thể có những biểu hiện khác lạ.

Những thói quen xấu có thể kích thích trẻ dậy thì sớm hơn, cha mẹ cần hạn chế như cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn hay lạm dụng thực phẩm chức năng… trong khi hiện nhiều trẻ lười vận động.

Mừng con cao thêm 8cm chỉ trong... 6 tháng, cha mẹ lại bàng hoàng vì chứng bệnh con gặp phải - Ảnh 2.