Mẹ chồng chỉ hơn mẹ đẻ tôi 10 tuổi, nhưng trông già như bà nội tôi vậy. Trung bảo, do bà ở quê làm ruộng vất vả. dầm mưa dãi nắng nên mới thế. Rồi luôn luôn chốt lại bằng 1 câu: "Mình phải hiếu thuận với mẹ, bà đã khổ cả đời rồi".
Tôi gật gù vâng dạ, nhưng trong lòng thì không mấy thoải mái. "Không lẽ mình mẹ anh vất vả? Mẹ anh đi làm ruộng, mẹ tôi làm văn phòng thì mỗi mẹ anh khổ? Mẹ anh thì phải hiếu thuận còn mẹ tôi thì mặc kệ à? Mà xưa giờ tôi đã làm gì gọi là không có hiếu với bà hay chưa mà cứ nhắc mãi???" - tôi bực dọc nghĩ như vậy. Nhưng Trung không bao giờ hay... Anh cũng nghĩ rằng tôi thương mẹ anh lắm.
Thực ra, tôi luôn bằng mặt nhưng không bằng lòng với mẹ chồng. Bà sống ở quê ừa thì không bằng mẹ tôi đã đành, nhưng thậm chí so với các bà ở quê còn thua xa. Tư tưởng cực kì lạc hậu, cổ hủ. Cách nấu nướng, chăm sóc trẻ con cũng thế, tôi không vừa mắt chút nào.
Mỗi lần về nhà chồng, tôi nhìn cách bà rửa bát, sắp xếp mà chẳng muốn động đũa. Nồi niêu nấu bếp ga mà cũng đen cả đáy nồi. Rồi cái chạn bát cũ lắm rồi, thi thoảng còn thấy gián chạy ở bếp nữa. Nói ra thì lại bảo quá đáng, nhưng tôi nhìn cứ bẩn bẩn, không ăn thì bị chồng với mẹ chồng hỏi, mà ăn thì... ghê ghê, buồn nôn.
Bữa nào Trung cũng hồn nhiên ăn, rồi khen nức nở. Anh còn gắp vào bát tôi bảo vợ thưởng thức, đó là món tủ của bà: "Món này đúng là không ai làm có được hương vị như mẹ, món ăn tuổi thơ đây"...
Về quê đã khổ, nhưng mỗi lần mẹ chồng lên nhà tôi trên thành phố cũng không khá gì hơn. Bà cứ bảo tôi nghỉ ngơi, mọi chuyện có bà làm. Nhưng động đâu bà làm hỏng đấy, máy hút bụi không dùng lại đi lau thủ công. Xong bật quạt cho khô, tôi bế con nhỏ ra trơn tí thì trượt ngã.
Nấu cơm thì lại còn hấp cả khoai lang với sắn vào, rồi bảo như thế khoai mới ngọt. Tới lúc ăn tôi chỉ thấy cơm nhão. Rồi thức ăn thừa bà cứ nấu đi nấu lại dù tôi gào rát cả cổ là bỏ đi, ăn 1 bữa thôi.
Tuy nhiên, chuyện khiến tôi xấu hổ nhất là hôm gần đây... Chẳng là em gái tôi đi lấy chồng, nên Trung đón mẹ chồng lên ở với cháu 1 tháng, rồi đi dự đám cỗ nhà thông gia.
Để không bị mất mặt, tôi đã chở bà đi mấy tiệm áo dài mới tìm được kiểu ưng và cắt may riêng. Tôi vừa chăm con nhỏ, vừa phụ bố mẹ tính toán đám cưới, tư vấn cho em gái, thế mà vẫn phải tìm người trang điểm cho mẹ chồng, dặn dò bà chuyện nên, không nên làm ở nhà hàng.
Tôi cảm giác như mình đang dạy một đứa trẻ vậy, cầm dĩa, cầm dao, nâng ly thế nào tôi cũng phải chỉ bảo mẹ chồng lại từ đầu. Trung thì không hiểu mô tê gì, thấy tôi và bà như thế lại mỉm cười hạnh phúc lắm...
Đã chỉ bảo mẹ chồng tận tình như thế, vậy mà ngày cưới em gái tôi diễn ra, lại có chuyện khiến tôi muối mặt. Hôm ấy, tôi bận việc lu bu nên mẹ chồng và Trung chăm con là chính. Tới khi ngồi vào bàn tiệc, mẹ chồng ngồi với mấy cô nhà tôi.
Mãi khi mọi thứ sắp xong xuôi, tôi mới đi tìm mẹ chồng. Nào ngờ, bà đã đứng phía bàn bên kia vẫy vẫy tôi. Trên tay đang cầm 1 túi ni lông, tới sát tôi mới biết đó chính là... túi xôi. Tôi giận tím mặt, xấu hổ nữa, ai đời đi ăn nhà hàng mà mẹ chồng còn lấy phần. Đây là thành phố chứ có phải ở quê đâu, bà phải tự biết ý chứ.
Tôi kéo tay bà ra 1 góc vắng, giận dữ ném gói xôi vào thùng rác, mặc cho bà ngơ ngác. Rồi tôi mắng bà té tát, rằng làm vậy mất mặt tôi, họ hàng đánh giá.
"Ở nhà mẹ tiếc đồ ăn, nấu đi nấu lại đồ thừa đã đành, con không ý kiến. Nhưng đây là đám cỗ, họ hàng nhà con khắp nơi, mẹ đi lấy phần đĩa xôi về. Mẹ xem, con mặt mũi nào mà nhìn mọi người nữa. Mọi người sẽ nói mẹ chồng con nghèo, hèn, tham lam, kiệt sỉ..." - Tôi tức giận tuôn 1 tràng.
Nhưng bà chỉ rưng rưng, mặc cho tôi trách mắng. Mãi khi tôi thở hổn hển vì nói hết cả hơi, mẹ chồng mới nhẹ nhàng bảo: "Dạo này con hay bị đói, mẹ chỉ muốn mang về cho con ăn đêm thôi".
Nghe câu ấy xong, tôi đang giận nhưng cũng nghèn nghẹn. Nhìn người phụ nữ già nua, tóc bạc trắng, chân tay nứt nẻ trước mặt mà tôi có chút nhói lòng. Có phải tôi đã quá khắt khe với bà rồi không, bà cũng là vì lo nghĩ cho tôi thôi mà! Tôi cũng muốn đối xử nhẹ nhàng với mẹ chồng, nhưng tôi luôn bị ám ảnh, tôi phải làm gì để thay đổi đây...