Có 2 mẹ con đi ăn cưới, khi thức ăn vừa dọn ra, cậu bé khoảng 7-8 tuổi liền dùng đũa đảo hết thức ăn trên bàn. Người lớn ngồi cùng bàn tuy khó chịu nhưng không thể lên tiếng chỉ trích, chỉ có thể nói "đều là người nhà cả, nếu thằng bé đói thì cứ để nó ăn trước".
Câu nói này có lẽ đã khiến 2 mẹ con hiểu lầm ý nghĩa đằng sau, người mẹ vẫn vô tư cho con mình ăn trước. Nhìn thức ăn bị xới tung lên, ai cũng đều khó chịu trong lòng. Cảm thấy không khí trong bàn ăn có chút khác thường, người mẹ cũng lên tiếng nói với con mình: "Con không thể ăn chậm lại chút sao. Con làm lộn xộn hết mọi thứ lên rồi".
Không ngờ trước những lời chỉ trích của mẹ, cậu bé không hề tỏ ra sợ hãi mà còn nói với mẹ với vẻ mặt nghiêm nghị: "Hãy để con yên". Nói xong, cậu bé chạy ra ngoài, mẹ cậu vừa đuổi theo vừa xin lỗi mọi người.
Mọi người trong bàn nhìn nhau với những cảm xúc lẫn lộn.
Là cha mẹ, ai cũng mong nuôi nấng được một đứa con hiếu thảo, lễ phép. Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ không được giáo dục tốt trên bàn ăn, chúng rất dễ trở thành một đứa trẻ vô phép vô tắc, đương nhiên sẽ khó có hiếu thảo với cha mẹ mình.
Muốn biết con cái mình có hiếu thảo hay không, bạn không cần phải đợi đến tuổi già. Bạn có thể nhìn thấy điều đó trên bàn ăn bây giờ.
3 biểu hiện trên bàn ăn cho thấy trẻ có phải là người hiếu thảo không?
1. Trẻ có ý thức về các quy tắc trên bàn ăn không?
Trong bất cứ việc gì cũng đều có những quy tắc nhất định, những phép tắc tối thiểu cơ bản trên bàn ăn là điều mà trẻ cần phải biết.
Khi lớn lên, trẻ có thể học được rất nhiều cách cư xử trên bàn ăn dưới ảnh hưởng của người lớn, có thể tốt hoặc xấu.
Trên bàn ăn, những đứa trẻ biết tuân thủ các quy tắc và phép xã giao sẽ có một nỗi sợ sâu sắc trong lòng. Chính sự sợ này cho phép chúng biết mình nên làm gì và không thể làm gì khi lớn lên, đồng thời học cách chú ý đến cảm xúc của người khác và không coi mình là trung tâm.
Một đứa trẻ như vậy sao có thể bất hiếu được?
2. Trẻ có biết ơn không?
Trên bàn ăn, cha mẹ thường nấu theo sở thích của con, nếu có món gì ngon sẽ muốn gắp cho con trước. Đôi khi sợ con không với tới, họ còn di chuyển đĩa thức ăn đó tới trước mặt con.
Nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng dưới sự nuôi dưỡng kiểu văn hóa bàn ăn này, trẻ sẽ dần hình thành suy nghĩ mọi thứ ngon đều dành cho mình. Những đứa trẻ quen được chiều chuộng trên bàn ăn sẽ không thấy được sự vất vả của cha mẹ, không biết ơn với việc mình có đồ ăn ngon.
Điều đáng sợ hơn nữa là nếu một ngày nào đó trẻ bị phớt lờ, sự oán giận và bất mãn sẽ dần nảy sinh trong lòng chúng.
3. Trẻ có biết chia sẻ không?
Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta bắt gặp cảnh tượng này ở bàn ăn:
Ngay sau khi đồ ăn được dọn ra, một số trẻ nóng lòng gắp ngay những món ngon vào bát của mình trước. Bất cứ khi nào có người nhắc nhở, trẻ đều thờ ơ, khóc lóc hoặc bày tỏ sự khó chịu. Những đứa trẻ này có một điểm chung điển hình là tính ích kỷ, không biết chia sẻ, không quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Một đứa trẻ như vậy sẽ không bao giờ biết nghĩ cho người khác, khi cha mẹ già đi, liệu chúng có thực sự phụng dưỡng cha mẹ.
Vì vậy, bàn ăn tuy nhỏ nhưng đồ ăn phản ánh tính cách, bàn ăn phản ánh tam quan. Việc con cái sau này có hiếu thảo hay không có thể ẩn chứa trong bữa ăn mỗi ngày, cũng như trong những lời nói, việc làm của cha mẹ trên bàn ăn.
Muốn con hiếu thảo, không ích kỷ, cần chú ý 3 điều trên bàn ăn
- Không kén cá chọn canh
Nếu trẻ quen với việc kén cá chọn canh khi ăn uống, chỉ thích ăn món mình thích, chê bai những món khác, chúng dễ hình thành tính cách kiêu ngạo, ích kỷ, thờ ơ.
Vì vậy, cha mẹ cần phải nói với con rằng, gia đình không phải là nhà hàng buffet, muốn ăn gì thì ăn, trẻ cần phải ăn bất cứ thứ gì cha mẹ nấu cho. Trẻ phải biết ơn vì cha mẹ đã vất vả làm lụm kiếm tiền mua đồ ăn cho mình.
- Không được phép ăn trước người lớn
Đôi khi cha mẹ để con cái ăn cơm trước người lớn, điều này có thể khiến trẻ ảo tưởng rằng chỉ cần mình đói, chúng có thể ăn trước mà không cần quan tâm tới người khác. Theo thời gian, trẻ sẽ hình thành tính ích kỷ, chỉ biết quan tâm tới bản thân.
Cha mẹ cần phải dạy trẻ biết tôn trọng người lớn tuổi trên bàn ăn bằng cách chờ đợi người lớn gắp miếng đầu tiên trước.
- Không để tất cả đồ ngon trước mặt trẻ
Trẻ em thường được người lớn ưu tiên nhường miếng ngon cho trước. Tuy nhiên, kiểu quan tâm này sẽ chỉ nuôi dưỡng tính ích kỷ, kiêu ngạo của trẻ. Vì thế, trên một bàn ăn có đông người, cha mẹ không nên để tất cả đồ ngon trước mặt trẻ, dạy trẻ cách tôn trọng người lớn khi ăn.
Trên thực tế, những hành vi và biểu hiện của trẻ trên bàn ăn thường có thể phản ánh tính cách và sự phát triển trong tương lai của trẻ. Nếu một đứa trẻ không thể kiềm chế bản thân để tuân thủ các quy tắc trên bàn ăn, khi lớn lên chúng sẽ khó lòng hiếu thảo với cha mẹ mình.