Jim Cramer là một chuyên gia đầu tư và người dẫn chương trình “Mad Money” của CNBC. Ông cũng là tác giả hoặc người đóng góp cho hàng chục cuốn sách về đầu tư.

Chia sẻ về bài học lớn nhất mà ông đã dạy cho những đứa con của mình, vị triệu phú này cho biết: Quan trọng nhất là phải tự chủ với tiền bạc. Cramer có bốn người con đã lớn - bao gồm hai con gái, một con gái riêng và một con trai riêng. Những đứa trẻ của ông đều đang ở độ tuổi 20 và đầu 30.

Dù sở hữu một khối tài sản không hề nhỏ, Jim Cramer mong muốn các con mình có tài chính riêng và sống theo đúng khả năng của chúng. Điều đó có nghĩa là ông sẽ không mua cổ phiếu hoặc thay mặt họ đưa ra các quyết định đầu tư.

Cramer nói: “Đưa tiền cho con cái rồi để chúng đem đi đầu tư là một ý tưởng tồi. Tôi thích để các con tự quyết định đầu tư bằng tiền của chính mình làm ra, hơn là nhờ bố hỗ trợ.”

Chính vì thế, ông gần như “không cho con bất kỳ một đồng nào”, đương nhiên là trong vấn đề tài chính cá nhân. Cramer không đề cập tới các chi phí liên quan tới sinh hoạt.

“Nếu khoản đầu tư không đến từ chính đồng tiền mà bạn vất vả làm ra, thì mọi thứ dù lãi hay lỗ đều sẽ không đem lại ý nghĩa gì”, ông nói.

Muốn con cái tự chủ tài chính, triệu phú Mỹ chỉ ra 1 bí quyết không ngờ: “Đừng cho con bất kỳ một đồng nào” - Ảnh 1.

Jim Cramer bên các con gái của mình. Ảnh: Courtesy Jim Cramer

Điều này được Jim Cramer áp dụng từ sớm khi nuôi dạy các cô con cái của mình. Một trong số họ là cố vấn làm việc với những người trẻ gặp khó khăn. Công việc khá vất vả nhưng thu nhập lại không cao. Tuy nhiên, dù chỉ có thể mua được vài cổ phiếu nhỏ lẻ, cô ấy vẫn chăm chỉ đầu tư, Cramer cho biết.

“Đó là tiền của chính con bé. Nhưng điều tuyệt vời là con bé đã làm rất tốt”, ông nói. 

“Triết lý không cho con cái quá nhiều” của Cramer cũng tương tự như huyền thoại đầu tư Warren Buffett. Vị tỷ phú này dự định tặng phần lớn tài sản của mình cho tổ chức từ thiện thay vì chuyển nó cho con cái kế thừa. Buffett thích cung cấp cho các con của mình “vừa đủ” để họ có thể làm bất cứ điều gì mình đam mê, nhưng không đủ để họ “không thể làm gì”.

Muốn con cái tự chủ tài chính, triệu phú Mỹ chỉ ra 1 bí quyết không ngờ: “Đừng cho con bất kỳ một đồng nào” - Ảnh 2.

Vợ của Jim Cramer, Lisa Detwiler, với con gái và con trai. Ảnh: Courtesy Jim Cramer

Cramer dạy những đứa trẻ của mình tập trung vào những điều có ý nghĩa đối với chúng, ngoài việc xây dựng sự giàu có: “Làm tình nguyện viên tại một điểm phát chẩn đồ ăn hoặc quyên góp tiền cho một tổ chức từ thiện sẽ dạy bạn giá trị đích thực của đồng tiền ”.

Ông cũng khuyến khích các con gái của mình dành một phần trăm tiền lương cho hoạt động từ thiện: “Làm như vậy, bạn sẽ thấy việc cho đi không chỉ ảnh hưởng đến những người bạn cho, mà cả người cho cũng nhận được nhiều lợi ích không thể đong đếm.”

Cramer cũng có những bài học dạy con lý thú về việc đầu tư cổ phiếu. Ông chia sẻ rằng: “Tìm được một cổ phiếu tốt đôi khi chỉ từ một lý do đơn giản là thích một công ty và sản phẩm của nó, sau đó nghiên cứu xem liệu cổ phiếu đó có đáng để đầu tư hay không.”

Chẳng hạn, con gái Cramer đã đầu tư vào ô tô điện Tesla từ rất sớm, sau đó được hưởng khoản lợi nhuận gấp 10 lần chỉ vì cô ấy rất thích chiếc xe sau một lần được trải nghiệm. Đó là vào năm 2019, cô ấy tình cờ đến LA và quyết định thuê một chiếc Tesla để di chuyển. Trong lúc sử dụng, cô đã rất ngạc nhiên với cách “đổ xăng” dễ dàng cùng với những tính năng của chiếc xe điện.

Cramer cho biết: "Con gái tôi đã nói rằng đó là chiếc xe vui nhộn nhất trên thế giới".

Chính tâm lý đó khiến con gái Cramer tin tưởng vào CEO của Tesla và cổ phiếu hãng này. Cô đã nói với cha mình: "Con sẽ tiết kiệm để mua một chiếc Tesla và cả cổ phiếu của Tesla nữa.”

Muốn con cái tự chủ tài chính, triệu phú Mỹ chỉ ra 1 bí quyết không ngờ: “Đừng cho con bất kỳ một đồng nào” - Ảnh 3.

Cramer kể lại: "Con bé đã có niềm tin, sau đó tìm hiểu và đã mua cổ phiếu đó". 

Như vậy, khi đầu tư vào cổ phiếu của một công ty, điều cần biết ở đây là: Nếu bạn là người tiêu dùng, bạn có thích sản phẩm của công ty đó không?

Nếu câu trả lời là có, bạn nên "tiến hành tìm hiểu" để quyết định xem đó có phải là một khoản đầu tư đáng giá hay không, bắt đầu bằng việc kiểm tra hồ sơ của công ty với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch. Các báo cáo này sẽ cung cấp thông tin về các chỉ số chính như doanh thu, thu nhập ròng, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và dòng tiền.

Bạn cũng có thể đọc các câu chuyện tin tức, xem qua trang web của công ty, qua đó tìm hiểu càng nhiều càng tốt về công ty và các đối thủ cạnh tranh của nó trên thị trường. Dù trong trường hợp nào đi nữa, chọn một công ty bạn thích có thể là một cách tuyệt vời để xác định cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng.

Ông nói: "Khi bạn muốn đầu tư vào một cổ phiếu tăng trưởng tốt, bạn cần phải hiểu rõ bản thân mình".

Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải hiểu sở thích của bạn với tư cách là người mua, Cramer nói.

*Theo CNBC